Phong tục mai táng ám ảnh và những nét văn hóa đặc biệt của người Bali
(Dân trí) - Đến với thiên đường biển đảo Bali, bên cạnh nắng vàng, biển xanh và những bãi cát trắng phau, du khách còn được trải nghiệm những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng đất này.
Bali, hòn đảo nằm ở phía tây Indonesia, được xem là một trong những thiên đường nghỉ dưỡng nổi tiếng bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Có rất nhiều lý do khiến du khách muốn tới Bali, một trong những số đó là việc trải nghiệm nền văn hóa bản địa đặc sắc.
Đảo Bali chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ sâu sắc. Điều này cũng làm nên nhiều điều khác biệt ở Bali so với các đảo khác của Indonesia. Hơn 90% dân số theo đạo Hindu, Bali được ví von như xứ sở những ngôi đền linh thiêng, vùng đất của những vị thần.
Đến với Bali, bên cạnh nắng vàng, biển xanh và những bãi cát trắng phau, du khách còn được trải nghiệm những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng đất này.
Từ phong tục mai táng “độc nhất vô nhị”….
Phong tục mai táng ở mỗi nơi trên thế giới đều có những nét khác biệt, phản ánh đời sống, tập tục văn hóa của từng vùng đất. Với người dân ở làng Trunyan, Bali, từ nhiều đời nay, họ vẫn giữ nguyên truyền thống không chôn người đã khuất. Thay vào đó, người chết sẽ để thi thể trên mặt đất tại các nghĩa trang lộ thiên.
Để tới những khu nghĩa trang lộ thiên, người ta phải đi thuyền băng qua hồ Batur. Tuy là địa điểm rùng rợn, nhưng nghĩa trang này vẫn thu hút rất đông khách tham quan.
Tại đây, tùy theo độ tuổi hay nguyên nhân cái chết, người ta sẽ phân thành từng khu vực. Nghĩa trang lộ thiên đáng sợ hơn rất nhiều so với nghĩa trang thông thường, với những bộ hài cốt nằm trên mặt đất.
Theo tục lệ từ ngàn đời nay của người làng Trunyan, người chết được bọc trong vải trắng, đặt dưới gốc cây Taru Menyan. Xung quanh thi thể là những hàng rào bằng tre như lồng nhỏ. Người dân cho rằng, đây là “cây thần” giúp bảo vệ linh hồn người an nghỉ, đồng thời tỏa mùi hương dễ chịu, lấn át thứ mùi khó chịu từ tử thi.
Sau khi thi thể phân hủy hoàn toàn, hộp sọ người chết được đem đi, đặt lên bàn thờ bằng đá dưới gốc “cây thần”. Đây cũng là khu vực để thờ cúng.
Bất chấp sự phát triển như vũ bão với ngành du lịch ở Bali, nhưng người làng Trunyan vẫn giữ nguyên nét văn hóa truyền thống không thay đổi của mình, tạo nên sự khác biệt riêng.
Tới vùng đất của những đền thiêng và lễ hội
Bali được coi là vùng đất của những ngôi đền linh thiêng và các lễ hội đặc sắc. Bởi vậy, khi nhắc tới địa danh này, du khách không thể bỏ qua những đặc trưng văn hóa độc đáo khi có sự kết hợp giữa tín ngưỡng truyền thống địa phương và Hindu giáo. Có phải vì thế mà những lễ hội tại Bali luôn hấp dẫn, tràn đầy màu sắc?
Lễ hội tại Bali diễn ra thường xuyên và gắn liền với cuộc sống người dân trên đảo. Tham dự những lễ hội này cũng là cách để du khách cảm nhận rõ hơn về “thiên đường du lịch” của Indonesia.
Galungan là lễ hội tôn giáo quan trọng và cũng lớn nhất, tổ chức hàng năm ở Bali. Đây là ngày lễ để người dân bày tỏ lòng thành kính với các vị thần linh. Vào ngày này, toàn bộ cư dân trên đảo đều tổ chức những bữa tiệc.
Ngày hội Galungan sẽ được trang trí bằng cột tre cao với nhiều màu sắc, trong khi đó, người dân sẽ diện những trang phục lộng lẫy nhất. Đây là thời điểm người xa xứ về quê, thăm người thân, tới đền thực hiện nghi lễ cúng bái…
Nyepi Day - ngày tết cổ truyền của người Bali. Ngày hội được tổ chức khi năm mới bắt đầu. Người dân địa phương chuẩn bị cho ngày lễ bằng các món ăn truyền thống. Trong ngày lễ chính, người ta sẽ tập trung tại bờ biển, thực hiện nghi lễ tẩy rửa tâm hồn và thân thể.
Trong ngày này, tất cả mọi người phải tuân thủ quy định 4 không, bao gồm: Không ánh sáng (tất cả mọi nhà đều tối om); không làm việc (hầu hết mọi việc trên đảo đều không hoạt động, từ bệnh viện và đồn cảnh sát); không di chuyển (mọi người đều yên lặng, tĩnh tâm); không vui chơi giải trí (giữ cho bản thân thanh tịnh).
Có thể nói, hòa mình vào cuộc sống người dân bản địa để tham dự các dịp lễ hội tại Bali sẽ là cơ hội giúp du khách có những cái nhìn khác biệt về thiên đường biển đảo này.
Hoàng Hà
Theo Slate/ Bali Go Live