Phí chia tay:
Phó chủ tịch hiệp hội Du lịch TPHCM: “Chưa nên thực hiện thu phí chia tay”
(Dân trí) - Liên quan đến đề xuất thu phí "phí chia tay" khi công dân xuất cảnh, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch TPHCM đã thông tin về quan điểm của các thành viên trong Hội Lữ hành TPHCM (Hội thành viên Hiệp hội Du lịch TPHCM) là chưa nên thực hiện ý tưởng này.
Bà Khánh cho biết, với đề xuất thu phí chia tay 3-5USD, các doanh nghiệp lữ hành TPHCM cảm ơn sự quan tâm của đại biểu quốc hội đối với sự phát triển của du lịch.
Tuy nhiên, tất cả hội viên BCH Hội Lữ hành nhận thấy đề xuất này “chưa ổn” ngay từ tên gọi phí “chia tay” và đề cập đến nội dung như cách thu chi, hoạt động quản lí ra sao…đều chưa được làm sáng tỏ.
“Đại biểu Hưng dẫn chứng một số nước như Nhật Bản đã thực hiện thu phí rồi. Thực tế thì trong chính sách tiền lương cho công dân của Nhật Bản đã có một phần dành cho đi du lịch. Tôi được biết hàng năm chính sách tiền lương của Nhật dành cho người già rất cao cho thấy họ khuyến khích người dân đi du lịch để nâng cao sức khỏe, tái tạo sức lao động…
Còn tại Việt Nam, qua phân tích của các đơn vị lữ hành, hiện nay một khách đi du lịch nước ngoài, giá tour đã bao gồm thuế, phí ngay cả vé máy bay đã chịu nhiều khoản phí thuế rồi. Việt Nam chưa thể so sánh được”, bà Khánh dẫn lời phản biện của các hội viên.
Theo các giám đốc điều hành lữ hành, nếu dùng một phần số tiền này để quảng bá xúc tiến du lịch, cải thiện trang thiết bị hiện đại hơn để việc xuất nhập cảnh của công dân được thuận tiện hơn…thì bản thân cơ quan quản lí nhà nước phải có trách nhiệm đầu tư, không thể gắn trách nhiệm vào người dân.
Mặt khác, việc vui vẻ tươi cười khi phục vụ khách là tác phong, nhiệm vụ của một cán bộ, công nhân viên, công chức. Đừng biến việc thu phí “chia tay” trở thành phí “mua” nụ cười.
Hoặc cho rằng việc dùng số tiền đó để giúp cho việc bảo hộ, đảm bảo quyền lợi cho công dân ở nước ngoài thì các hội viên Hội Lữ hành cho rằng vấn đề này cũng là trách nhiệm của Đại sứ quán.
Theo như quan điểm của đại biểu Hưng, mức phí chia tay chỉ bằng một bữa ăn sáng, các doanh nghiệp không nói số tiền này là nhiều hay ít nhưng vấn đề là nó có chính đáng, hợp lí hay không. Với người dân cái gì chính đáng thì họ sẽ đóng góp, rất ý thức chứ không phải bị ép buộc. Để trả lời vấn đề này thì cần phải được đưa ra bàn luận, phản biện đa chiều, lấy ý kiến nhiều bên…
Bà Khánh và cộng đồng doanh nghiệp lữ hành TPHCM cũng đề nghị cần có một đề án cụ thể, khi có đề án rồi cần sự phản biện của xã hội, làm sao để thuyết phục người dân.
“Nhưng nếu thực hiện ý tưởng này, chính các doanh nghiệp lữ hành phải bỏ tiền đóng thay cho người du lịch. Vậy là thêm một cái khó nữa cho doanh nghiệp.
Tất cả hội viên nhận thấy việc giải thích phải thu phí chia tay để góp phần vào phát triển du lịch là ý tưởng nhưng dẫn chứng chưa thuyết phục. Do đó, chúng tôi đề nghị chưa nên thực hiện ý tưởng này”, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch TPHCM khẳng định quan điểm.
Phạm Nguyễn