Phát triển du lịch đêm Hà Nội để khách "chi tiêu nhiều hơn, ở lại lâu hơn"
(Dân trí) - Hà Nội có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế đêm tuy nhiên theo các chuyên gia, Thủ đô của chúng ta lại chưa biết cách tận dụng tốt, có các sản phẩm để du khách chi tiêu nhiều hơn, ở lại lâu hơn.
Các thành phố du lịch nổi tiếng nhất thế giới hiện nay đều là các thành phố phát triển kinh tế đêm rất mạnh như Bangkok, Pattaya (Thái Lan), Thượng Hải (Trung Quốc), London (Anh)… Các thành phố này đều nằm trong top điểm đến thu hút nhiều khách du lịch nhất thế giới với doanh thu từ các hoạt động kinh tế đêm chiếm 60 - 75% nguồn thu.
Bà Vũ Quỳnh Anh - Ủy viên Ban Chấp hành CLB du lịch MICE Việt Nam cho rằng, nhìn vào các thành phố đã thành công với mô hình kinh tế đêm trên thế giới, dễ nhận ra có một đặc điểm chung phổ biến, đó là họ quy hoạch phân khu tập trung, biến các tụ điểm giải trí và dịch vụ ban đêm trở thành một tổ hợp.
Ở đây, các hoạt động mua sắm, giải trí và ẩm thực diễn ra thâu đêm suốt sáng, nơi du khách có thể trải nghiệm trọn vẹn chuyến đi từ phút đầu đặt chân tới đến lúc rời đi.
Theo bà Quỳnh Anh, Hà Nội có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế đêm tuy nhiên, chúng ta phải thay đổi tư duy quản lý cũng như các sản phẩm phục vụ du khách.
Thời gian qua, du lịch đêm Hà Nội đã có những thay đổi tích cực, thêm nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu du khách như: Phố đi bộ sầm uất, chợ đêm nhộn nhịp, trải nghiệm tour đêm Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Văn học Hà Nội, một số quán bar, nhà hàng trong khu phố cổ được mở cửa đến khuya... Với những thay đổi như vậy, bà đánh giá như thế nào về cơ sở hạ tầng của TP Hà Nội phục vụ kinh tế du lịch đêm?
- Để phục vụ phát triển kinh tế đêm của Thủ đô, tôi thấy thành phố đã tổ chức hệ thống hạ tầng kết nối các điểm du lịch, điểm tham quan, điểm hoạt động kinh tế ban đêm tạo thuận lợi cho du khách.
Theo đó, các trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng, chuỗi nhà hàng phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí, ăn uống, nghỉ ngơi của du khách cũng tương đối nhộn nhịp.
Các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ chính là nơi phát triển mạnh nhất du lịch về đêm. Nhiều doanh nghiệp lữ hành đã thiết kế các điểm đến là sự kết hợp hài hòa giữa hiện tại và truyền thống, khai thác bản sắc văn hóa Thủ đô thông qua các loại hình nghệ thuật như tuồng, chèo, cải lương…
Thời gian qua, TP Hà Nội đã tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn không chỉ mở ra hướng phát triển nền kinh tế ban đêm, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô mà còn khẳng định thương hiệu Hà Nội là điểm đến thân thiện.
Đây là những tín hiệu rất tích cực, góp phần thúc đẩy du lịch Hà Nội phát triển đặc biệt là phát triển kinh tế đêm.
Dù đã có khởi sắc, nhưng kinh tế du lịch đêm của Hà Nội vẫn phát triển chưa xứng tiềm năng. Quan điểm của bà như thế nào về nhận định trên?
- Nhìn chung, tôi thấy sản phẩm du lịch đêm ở Hà Nội còn tương đối đơn điệu. Thêm vào đó, các sản phẩm cũng thiếu tính đặc sắc, thiếu quy hoạch không gian riêng, thiếu sự quản lý bài bản và thiếu cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư sản phẩm du lịch đêm.
Nhận thức, tư duy về sản phẩm du lịch đêm cũng còn hạn chế. Đặc biệt, để phục vụ du khách, các yếu tố văn hóa bao gồm cả vật thể và phi vật thể chưa được phát huy hết giá trị để tạo thành dịch vụ phục vụ khách, trong khi đây là yếu tố riêng có của mỗi đất nước, mỗi điểm đến.
Có thể thấy, doanh thu du lịch và mức chi tiêu của du khách tại Hà Nội còn thấp, do thiếu các dịch vụ hấp dẫn du khách về đêm. Trong khi đó, nhu cầu của du khách sử dụng dịch vụ, vui chơi giải trí, thưởng thức nghệ thuật về đêm rất lớn, chứ không chỉ dừng lại ở phố đi bộ, chợ đêm, quán karaoke, vũ trường, xem biểu diễn hay ăn quà vặt…
Hà Nội được mệnh danh là thiên đường ẩm thực, nhiều du khách quốc tế cũng cho biết họ ấn tượng và quay trở lại du lịch Hà Nội cũng vì muốn khám phá ẩm thực ở đây. Theo bà, Hà Nội đã tận dụng tốt lợi thế về ẩm thực cho các sản phẩm du lịch đêm hay chưa?
- Hà Nội có thế mạnh về ẩm thực, có thể sánh ngang các thành phố lớn của Thái Lan. Tuy nhiên, tại khu phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, hoạt động ẩm thực đường phố chủ yếu là bán rong, đồ ăn khó đảm bảo vệ sinh.
Tại các khu vực kinh doanh kinh tế đêm, các dịch vụ còn nghèo nàn, chủ yếu là ẩm thực và mua sắm sản phẩm giá trị thấp, hoạt động còn xen lẫn khu dân cư nên chưa đảm bảo về trật tự, gây xung đột với cộng đồng dân cư không tham gia vào kinh tế ban đêm.
Vì những lý do này, xét đến những điều kiện của kinh tế ban đêm, hiện chưa có khu vực nào của Hà Nội có thể thỏa mãn đầy đủ các điều kiện để vận hành kinh tế ban đêm một cách bền vững.
Kinh tế đêm từng là phao cứu sinh giúp vực dậy ngành du lịch Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc)... ở những giai đoạn khó khăn nhất. Theo bà, Hà Nội cần có những giải pháp gì để tận dụng tốt và phát triển kinh tế đêm, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển?
- Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam".
Trong đó, giai đoạn trước mắt tập trung vào phát triển du lịch. Điều này khẳng định sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ đối với phát triển các dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch, là căn cứ quan trọng để ngành du lịch phối hợp các ngành, các cấp cụ thể hóa quy định quản lý đối với hoạt động kinh tế còn khá mới mẻ này tại Việt Nam.
Với kinh tế đêm Hà Nội, phương án xây dựng tổ hợp du lịch tại các quận, huyện ven đô, có thể kêu gọi đầu tư một vài khu đô thị kết hợp các dịch vụ lưu trú, thể thao, văn hóa nghệ thuật, vui chơi, giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe 24/24 là cần thiết để đảm bảo quy mô phát triển kinh tế cả ban ngày và ban đêm.
Nếu thực hiện được những khu tổ hợp vui chơi, giải trí về đêm như vậy, hứa hẹn ngành du lịch thủ đô sẽ tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách, kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật hiện hành theo hướng tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm và dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch.
Trong đó phải quy định cụ thể các loại hình dịch vụ du lịch được phép kinh doanh về đêm; quy định rõ khung giờ hoạt động của từng loại hình dịch vụ; quy định điều kiện các cơ sở được phép kinh doanh về đêm; quy định tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch được phép cung cấp…
Hoạt động du lịch trong kinh tế đêm cần sự tham gia của nhiều lĩnh vực và cần sự tham gia của người dân. Để làm được điều này đòi hỏi cơ quan quản lý có cơ chế chính sách phù hợp, đặc thù cho hoạt động kinh tế đêm.
Xây dựng một mô hình kinh tế mới, đánh giá được tiềm năng của kinh tế du lịch đêm và xác định được nguồn lực đầu tư một cách bài bản, hiệu quả nhất nhưng vẫn hài hòa với các loại hình kinh tế khác.
Khi cơ quan quản lý xây dựng quy hoạch cụ thể việc phát triển kinh tế du lịch đêm sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác tốt tiềm năng kinh tế đêm qua đó thúc đẩy việc mua sắm, chi tiêu của khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội Thủ đô.