Núi Bà Đen - điểm đến đặc biệt trong dịp Lễ vía Quán Thế âm Xuất gia

Trường Thịnh

(Dân trí) - Diễn ra vào 19/9 âm lịch hàng năm, Lễ Vía Quán Thế Âm xuất gia là ngày lễ lớn của Phật giáo. Rất nhiều Phật tử Nam bộ chờ đón ngày này để đến với núi Bà Đen nhằm tưởng nhớ công đức to lớn của đức Quán Thế Âm Bồ Tát.

Núi Bà Đen - điểm đến đặc biệt trong dịp Lễ vía Quán Thế âm Xuất gia - 1
Tôn tượng Quán Thế Âm tại triển lãm trên núi Bà Đen dịp Lễ Vía Quán Thế Âm Bồ Tát xuất gia (Ảnh: Sun World Ba Den Mountain).

Là hình tượng nổi bật nhất của đại từ bi trong văn hóa Phật giáo, Quán Thế Âm Bồ Tát được tôn vinh trong nhiều hình tượng, trong đó nổi bật nhất là hình ảnh của một người mẹ hiền mang lòng nhân ái, vị tha, luôn lắng nghe và cứu vớt nỗi khổ của chúng sinh.

Từ đầu tháng 9 âm lịch, Phật tử trên cả nước đều hướng về Bồ Tát, với lòng tôn kính trong ngày Lễ Vía Quán Thế Âm Bồ Tát xuất gia - một trong ba ngày lễ quan trọng trong năm để tưởng nhớ công đức. Vào dịp này, các chùa trên cả nước đều đón hàng trăm, hàng nghìn Phật tử đến tham gia vào nhiều nghi thức trang trọng, thiêng liêng.

Dịp lễ Quán Thế Âm Bồ Tát xuất gia năm nay, tại Nam bộ, núi Bà Đen với hệ thống chùa Bà linh thiêng có tuổi đời 300 năm trở thành điểm đến được các Phật tử mong chờ bậc nhất.

Chị Hạnh Thủy (TPHCM) cho biết: "Đặt chân đến núi Bà Đen khiến tôi có cảm giác như đang đặt chân đến miền đất thiêng, chạm tay vào miền đất Phật. Bởi vậy, hiếm có nơi nào ý nghĩa và thiêng liêng hơn để các Phật tử đón mừng lễ Vía Quán Thế Âm Bồ Tát".

Núi Bà Đen - điểm đến đặc biệt trong dịp Lễ vía Quán Thế âm Xuất gia - 2
Núi Bà Đen trong dịp Lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát đản sinh 2023 (Ảnh: Ngô Trần Hải An).

Là một trong số các ngọn núi thiêng nhất cả nước, núi Bà Đen được biết đến với biểu tượng Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát cùng rất nhiều huyền thoại linh ứng. Với các Phật tử và người dân Nam bộ, núi Bà Đen tựa miền đất Phật, nơi hình tượng mẹ từ bi trở thành điểm tựa tâm linh vững chắc, luôn sẵn sàng lắng nghe và phổ độ chúng sinh. 

Đến với núi Bà Đen dịp lễ Quán Thế Âm Bồ Tát xuất gia năm nay, Phật tử và du khách sẽ được hòa vào không khí lễ hội trang nghiêm, với nhiều hoạt động tâm linh ý nghĩa diễn ra suốt từ ngày 2-5/11 (tức 19-22/9 âm lịch). 

Tại quần thể các chùa Núi Bà với ngôi cổ tự Linh Sơn Tiên Thạch rợp cờ hoa và Điện Bà huyền thoại sẽ là nơi để Phật tử và du khách hướng đến Quán Thế Âm Bồ Tát, với các nghi lễ dâng hương thành kính. 

Núi Bà Đen - điểm đến đặc biệt trong dịp Lễ vía Quán Thế âm Xuất gia - 3
Nghi thức dâng đăng thiêng liêng trên núi Bà Đen (Ảnh: Nguyễn Minh Tú).

Trên đỉnh núi Bà Đen, rất nhiều hoạt động ý nghĩa sẽ được tổ chức để tưởng nhớ đến công đức của Quán Thế Âm. Theo đó, chương trình nghệ thuật diễn ra trong hai ngày cuối tuần 4-5/11 mang đến một không khí lễ hội rộn ràng tôn vinh Đức Đại từ bi.

Vào các buổi tối trong dịp lễ vía, các Phật tử và du khách thập phương cùng thắp sáng những ngọn đèn đăng, gửi lời ước nguyện đến Bồ Tát, thả hoa đăng dưới chân đại tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn với lòng ngưỡng vọng, hồi hướng công đức vĩ đại của Quán Thế Âm.

Một trải nghiệm đặc biệt trong dịp Lễ Vía Quán Thế Âm xuất gia năm nay trên đỉnh núi Bà Đen là triển lãm "Tây Bổ Đà vô lượng đại bi hóa thân" do đơn vị Phạm Nghiêm Trai tổ chức. Triển lãm mang đến hơn 50 tôn tượng cổ của Quán Thế Âm có niên đại lên tới hàng nghìn năm, từng là quốc bảo đến từ Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. 

Núi Bà Đen - điểm đến đặc biệt trong dịp Lễ vía Quán Thế âm Xuất gia - 4
Các tôn tượng hình tướng của Quán Thế Âm Bồ Tát được triển lãm tại núi Bà Đen (Ảnh: Sun World Ba Den Mountain).

Theo Phật giáo, Quán Thế Âm Bồ Tát là thân nam, nhưng để gần gũi chúng sanh đã hóa thân thành nữ với 33 hình tướng khác nhau để tùy duyên độ hóa và cứu khổ. Tại triển lãm này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng 32 thân tướng của Quán Thế Âm Bồ Tát và chánh thân Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, cùng một số hình tướng trong văn hóa dân gian gần gũi, thường được tôn thờ ở các tự viện.

Các tôn tượng được trưng bày tại triển lãm đều là những cổ vật hoặc các tuyệt tác đương đại từ nghệ nhân là những đại sư quốc gia nổi tiếng trong làng điêu khắc diệu tướng chư phật, bồ tát.

Những bức tượng được tôn quý như bảo vật tại triển lãm này phải kể đến "Thủy Nguyệt Quán Âm" mô phỏng theo tranh cổ xuất thần của họa sĩ Khưu Tử Thanh thời nhà Tống vẽ lại bảo tướng Bồ Tát thị hiện trong bóng trăng trên nước; hay Ngọa Liên Quan Âm được điêu khắc bằng gỗ kết hợp nghệ thuật vàng lá được cắt bằng tay bởi nghệ nhân Kobori Nhật Bản…

Núi Bà Đen - điểm đến đặc biệt trong dịp Lễ vía Quán Thế âm Xuất gia - 5
Đỉnh núi Bà Đen bồng bềnh trong mây (Ảnh: Nguyễn Minh Tú).

Tại triển lãm, du khách không chỉ được chiêm ngắm những tôn tượng tuyệt đẹp, mà còn thưởng thức nghệ thuật trà đạo giữa không gian Phật giáo thanh tịnh, nơi những tách trà sen thơm ngát và nghệ thuật thưởng trà sẽ mang đến cảm giác thư thái, hạnh phúc thực sự giữa đỉnh núi thiêng.

Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất và cũng là điểm đến linh thiêng bậc nhất Nam bộ, với hệ thống chùa cổ gắn liền với huyền tích Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát - một biểu tượng của tín ngưỡng thờ Mẫu Nam bộ, và hệ thống công trình tâm linh kỳ vĩ trên đỉnh núi.

Mỗi năm, núi Bà Đen đón hàng triệu Phật tử và du khách thập phương về tham gia các ngày lễ lớn của Phật giáo như Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan, Lễ Vía Quán Thế Âm Bồ Tát… giữa không gian thiêng liêng hiếm có và cảnh sắc, hoa cỏ đẹp tựa miền tiên cảnh. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm