Nữ hướng dẫn viên du lịch dễ bị gạ tình

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Trong buổi tọa đàm "Hướng dẫn viên du lịch - Những điều chưa kể" diễn ra sáng 20/12, những chuyên gia trong ngành du lịch, lữ hành, hướng dẫn viên lâu năm đã chia sẻ nhiều câu chuyện thực tế về nghề.

Hướng dẫn viên nữ khó trụ với nghề

Theo chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Mỹ, qua những trải nghiệm của ông trong nhiều lĩnh vực, nghề hướng dẫn viên du lịch là nghề hạnh phúc và khó khăn nhất. Hạnh phúc nhất là vì được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, được học, trải nghiệm các bài học khác nhau.

Nữ hướng dẫn viên du lịch dễ bị gạ tình - 1

Tọa đàm "Hướng dẫn viên du lịch - Những điều chưa kể" do Sở Du lịch TPHCM tổ chức vào sáng 20/12 (Ảnh: Nguyễn Vy).

Song, cái khó chính là người hướng dẫn viên phải biết cách làm sao để biến lời nói của mình có sức hút. Buổi thuyết trình không được biến thành buổi phô diễn kiến thức, mà phải truyền đạt được đến khách du lịch.

"Chúng ta phải nói làm sao để từ những kiến thức mà mình truyền tải, khách du lịch có thể đúc kết bài học giá trị", ông Mỹ nói.

Bên cạnh đó, với hàng chục năm kinh nghiệm trong nghề, ông Mỹ trăn trở về việc nữ hướng dẫn viên du lịch sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn so với nam. Ông Mỹ nói thẳng, việc bị gạ tình trong môi trường làm việc là điều nhức nhối. 

"Những nữ hướng dẫn viên có khi bị khách hỏi những câu hỏi tế nhị, ví dụ như các điểm vui chơi không lành mạnh. Nhưng đôi khi, họ cũng bị đối xử một cách khiếm nhã. Trong những tình huống này, chúng ta cần biết cách xử lý khôn khéo, tránh khỏi những rắc rối", ông Mỹ nói.

Đồng tình với chuyên gia, chị Thanh Mai (hướng dẫn viên trong và ngoài nước) cho hay, thực tế chị đã phải đối mặt với những tình huống oái oăm đó.

"Lúc đầu học ngành du lịch, gia đình phản đối rất nhiều vì sợ tôi là con gái, đi nắng sẽ tổn hại nhan sắc nhưng thực tế thì còn nhiều thử thách hơn vậy. Khách có tôn trọng mình không là tùy vào nhân cách của mình, cần phải từ chối khéo léo để những đối tượng khách như vậy không hành động khiếm nhã nữa",  chị Mai tâm sự.

Từ đó, cô gái chia sẻ, du khách nước ngoài thường xem hướng dẫn viên du lịch như đại sứ du lịch. Nếu người hướng dẫn viên giỏi ngoại ngữ, nắm rõ kiến thức thì chắc chắn sẽ nhận được sự tôn trọng từ du khách. Ngoài ra, cần phải hết mình phục vụ để khách còn quay lại những lần sau. Đó là cách mà một người hướng dẫn viên du lịch biết trân trọng giá trị bản thân và lợi ích của doanh nghiệp. 

Theo anh Lê Hữu Thành (đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigon Tourist), một hướng dẫn viên mới vào nghề sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn. 

"Nhớ tour đầu tiên tôi dẫn, vì quá hồi hộp nên quên mất những điểm tham quan, con đường cần giới thiệu. Đến khi mở màn bắt đầu nói, khách bắt đầu say xe, nhờ giúp việc này việc kia nên buổi thuyết trình bị ngắt quãng. Lúc đó mới vào nên không biết xử trí làm sao, tour chỉ 2 ngày thôi nhưng tôi thấy quá nặng nề", anh Thành kể.

Để khắc phục những thử thách đó, anh Thành khuyên các hướng dẫn viên du lịch trẻ có thể học hỏi từ thầy cô, đồng nghiệp đi trước để dần khắc phục. Họ không cần quá căng thẳng vì đó là điều mà bất cứ hướng dẫn viên mới vào nghề cũng từng trải qua.

Anh Trần Trung Hiếu (Giám đốc Nghiệp vụ TSTtourist) cũng bộc bạch, thời gian đầu đi tour, người hướng dẫn viên du lịch cũng có thể gặp tình trạng sức khỏe không đáp ứng lịch trình, dễ say xe, đau ốm. 

Nguồn cung, cầu trong lao động du lịch không "gặp" nhau

Anh Hồ Trung Chánh - Trưởng khoa Quản trị du lịch trường Đại học FPT khẳng định, cung và cầu về lao động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành đang gặp khó khăn để kết nối.

Thực tế, không chỉ riêng trường Đại học FPT mà nhiều trường khác đã và đang đào tạo hàng trăm sinh viên du lịch, lữ hành mỗi năm. Trong khi đó, không ai giải thích được lý do các doanh nghiệp vẫn luôn trong tình trạng khan hiếm nguồn cung lao động.

Nữ hướng dẫn viên du lịch dễ bị gạ tình - 2

Tình trạng thiếu hụt nhân sự nguồn lao động diễn ra nhiều năm qua (Ảnh: D.T).

"Tôi tự hỏi không biết đây có phải sự gãy đổ trong sự kết nối giữa hai bên. Nhiều sinh viên học ở trường hỏi tôi một câu đau lòng rằng, liệu học ngành này ra trường có việc làm hay không? Tôi không hiểu vì sao nhu cầu đang khan hiếm nhân sự, còn nguồn cung lại dư thừa, dẫn đến nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp, phải đổi việc khác", anh Chánh nói.

Lý giải về điều này, chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Mỹ cho rằng, ở một số trường đào tạo nguồn nhân lực, sinh viên hoàn toàn không có quyền quyết định. Trong đó, việc sinh viên sẽ học gì, thi gì và làm gì đều do thầy cô quyết định. 

"Thực tế, nhiều kiến thức khác thực tiễn, các em phản biện thì lại bị cắt ngang ngay. Nếu cứ duy trì cách học vẹt như thế, tôi nghĩ chúng ta khó phát triển được", ông Mỹ thẳng thắn.

Không những vậy, nhiều doanh nghiệp lữ hành tuyển sinh viên với vị trí thực tập không trả lương. Các em còn phải làm các công việc vặt và hiếm khi được tiếp xúc với nghề thực tế. Từ đó, dẫn đến tình trạng chán nản và nhảy việc của sinh viên trong ngành.

"Các trường đại học phải tăng cường tính thực tiễn, kết nối với các doanh nghiệp để tạo cơ hội tìm kiếm những người làm được việc. Từ đó mới có cơ hội cho nguồn cung và cầu trong lao động du lịch, lữ hành được gặp nhau", vị này nói.

Trước thực trạng trên, Sở Du lịch TPHCM cũng đã khảo sát và đánh giá thực trạng hướng dẫn viên du lịch. Từ đó, các sở, ban ngành sẽ đưa ra những hỗ trợ kịp thời, bổ sung nhân sự cho ngành du lịch thành phố. Trong đó, ngành du lịch ưu tiên đào tạo yếu tố về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Sở Du lịch TPHCM cũng đã chủ động triển khai nhiều chương trình bồi dưỡng, đào tạo hướng dẫn viên. Đáng chú ý là các chuỗi chương trình như chuyên đề "Quản trị rủi ro trong du lịch - Chiến lược phục hồi giai đoạn mới"; hội thảo khoa học quốc gia "Liên kết vùng trong phát triển nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao sau đại dịch Covid-19"; lớp bồi dưỡng, đào tạo các loại ngoại ngữ hiếm như tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha,…