Nơi các cung tần, mỹ nữ triều Nguyễn trút hơi thở cuối cùng

T.Thủy

(Dân trí) - Bình An Đường được mệnh danh là một "Cát An Sở" của triều Nguyễn, khi đây là nơi mà nhiều cung tần vắn số trút hơi thở cuối cùng…

Theo "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú, công trình có tên là Bình An Đường hay Bình An Gia được xây dựng theo ý chỉ của vua Minh Mạng vào năm 1823, nơi đây được xem là một "bệnh viện cung đình".

Công trình được cho là chỉ dành riêng cho thái giám, cung tần, mỹ nữ các triều vua nhà Nguyễn an dưỡng, thăm khám và chữa bệnh.

Bình An Đường nằm gần cửa Hậu, nay thuộc đường Đặng Thái Thân, TP Huế (Ảnh: Nhuận Thành).

Bình An Đường nằm gần cửa Hậu, nay thuộc đường Đặng Thái Thân, TP Huế (Ảnh: Nhuận Thành).

Bình An Đường nằm ở phía tây bắc của kinh thành Huế, cách Ngọ Môn khoảng 2km. Bình An Đường được xây dựng theo phong cách kiến trúc cung đình Huế, với mái ngói âm dương, tường gạch vàng và cổng tam quan.

Bình An Đường đặt dưới sự trông coi trực tiếp từ Thái Y Viện. Để tiện cho việc đi lại điều trị, an dưỡng những người phục dịch trong cung đình, Bình An Đường được xây dựng sát bên cửa hậu của hoàng thành Huế (hiện nay là đường Đặng Thái Thân, TP. Huế).

Nơi đây chia làm hai khu: Khu bốc thuốc, châm cứu, chữa bệnh… và khu an dưỡng cho những người bị bệnh nặng cần thời gian tịnh dưỡng trước khi trở lại hoàng cung.

Đây được xem là

Đây được xem là "bệnh viện cung đình" đặc biệt dành riêng cho thái giám, cung tần, mỹ nữ… triều Nguyễn (Ảnh: Nhuận Thường).

Tại Bình An Đường, các thầy thuốc đến thăm khám, điều trị đều do Thái Y Viện phân công. Trong khuôn viên Bình An Đường đã từng trồng rất nhiều loài cây thuốc nam để tiện cho việc sử dụng và chữa bệnh.

Bệnh nhân đến Bình An Đường được phát thuốc men điều trị từ kho thuốc trong hoàng cung mà không phải trả tiền.

Phía Bắc của Bình An Đường có riêng một tòa Cung Giám Viện - nơi ngày xưa các thái giám ăn ở, chờ đợi được khám, chữa bệnh (theo phong tục vẫn phải tách rời các thái giám với phụ nữ) (Ảnh: Nhuận Thành).

Phía Bắc của Bình An Đường có riêng một tòa Cung Giám Viện - nơi ngày xưa các thái giám ăn ở, chờ đợi được khám, chữa bệnh (theo phong tục vẫn phải tách rời các thái giám với phụ nữ) (Ảnh: Nhuận Thành).

Theo tạp chí nghiên cứu và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, Bình An Đường không chỉ là nơi trị bệnh đơn thuần cho các thái giám, cung tần, mà còn là chỗ cho các cung tần văn số trút hơi thở cuối cùng.

Trong tờ Tạp chí Đô thành hiếu cổ, tác giả L. Cadière có viết: "Nhà y tế Bình An Gia, chính trong ngồi nhà này, những người phụ nữ trong cung điện phải nhập viện khi bị ốm, đây cũng là nơi họ qua đời… nằm tại địa phận phường Bảo Đức cũ, ngày nay là phường Trung Hậu".

Sau chiến tranh, Bình An Đường được phục dựng và được khai thác cho khách du lịch tham quan. Nhưng những năm trở lại đây, Bình An Đường vẫn đang bị để hoang (Ảnh: Nhuận Thành).

Sau chiến tranh, Bình An Đường được phục dựng và được khai thác cho khách du lịch tham quan. Nhưng những năm trở lại đây, Bình An Đường vẫn đang bị để hoang (Ảnh: Nhuận Thành).

Đây là lí do mà người ta thường ví Bình An Đường như là một "Cát An Sở" (nơi đặt linh cữu người chết trước khi mang đi chôn cất) của triều Nguyễn. Dù những câu chuyện "thâm cung bí sử" về Bình An Đường không quá tàn nhẫn như những gì mô tả về Cát An Sở ở Bắc Kinh (Trung Quốc), nhưng khi nhắc về Bình An Đường đâu đó lại khiến người nghe chạnh lòng về sự lạnh lẽo, khắc nghiệt của chốn cung đình ngày xưa.