Những vùng đất “chết chóc” ít người dám bén mảng tới (P1)
(Dân trí) - Cùng tồn tại trên Trái đất nhưng một số nơi bị coi là “vùng đất chết chóc”, ít người dám bén mảng tới.
Thung lũng Chết, Mỹ
Nếu Trái đất được coi là ngôi nhà chung, thì thung lũng Chết ở Mỹ được ví như cái lò nướng. Sa mạc tuyệt đẹp ở đây hiện giữ kỷ lục về mức nhiệt cao nhất từng ghi lại trên hành tinh, tới 65,5 độ C. Nắng nóng ở thung lũng Chết khiến du khách nhanh chóng mất nước và kiệt sức. Đúng như tên gọi, nếu không có nước, bạn chỉ có thể sống ở đây tối đa 14 tiếng.
Sa mạc Danakil, Eritrea
Sa mạc Danakil, Eritrea
Sa mạc Danakil, Eritrea thuộc châu Phi với nhiệt độ thường ở ngưỡng trên 50 độ C với nhiều núi lửa đang hoạt động. Các mạch phun trào khí độc khó có thể tượng tượng tạo nên cảnh quan vừa hùng vĩ, vừa tàn bạo.
Hầu hết người ta thường cho rằng đây là địa điểm khủng khiếp như “địa ngục trên Trái đất”, nhưng nó vẫn thu hút rất nhiều các nhà thám hiểm dũng cảm từ khắp nơi tới nghiên cứu. Lưu ý không ai được bước chân vào sa mạc Danakil một mình mà không có hướng dẫn viên kinh nghiệm đi cùng.
Núi Washington, Mỹ
Núi Washington, Mỹ
Đỉnh núi Washington đang giữ kỷ lục về những cơn gió mạnh nhất trên bề mặt trái đất. Tốc độ ghi lại kỷ lục ở đây lên tới 327 km/h. Tuy nhiên, gió mạnh không phải là mối đe dọa nguy hiểm nhất tại đây. Nhiệt độ đóng băng có thể giảm xuống -40 độ C và tuyết rơi dày đặc liên tục khiến núi Washington trở thành vùng đất đặc biệt nguy hiểm.
Tuy không sở hữu chiều cao ấn tượng (1917m) nhưng núi Washington vẫn là nơi rất khắc nghiệt. Những trải nghiệm của con người trên đỉnh núi Washington còn được ví với sự nguy hiểm tại đỉnh Everest.
Đảo rắn Ilha da Queimada Grande, Brazil
Đảo rắn Ilha da Queimada Grande, Brazil
Nằm ẩn mình tại một khu vực xa xôi ở ngoài khơi bờ biển của Brazil, đảo rắn Ilha da Queimada Grande được công nhận là “vùng đất chết chóc” nguy hiểm nhất hành tinh. Lý do rất đơn giản, ở đây tập hợp những loài rắn độc bậc nhất.
Các nhà nghiên cứu ước tính, cứ 1m2 trên đảo lại xuất hiện tới 5 con rắn để cho thấy mật độ của chúng dày đặc thế nào. Rất nhiều câu chuyện được kể lại xung quanh “kẻ săn mồi” đáng sợ. Một trong những câu chuyện đó kể về người trông coi ngọn hải đăng trên đảo đã bị rắn tấn công tới chết. Đến nay, ngọn hải đăng được tự động hóa. Kể từ đó, chính phủ Brazil cũng nghiêm cấm bất cứ ai đặt chân lên đảo, ngoại trừ những người tới vì mục đích nghiên cứu.
Núi lửa Sinabung, Indonesia
Núi lửa Sinabung, Indonesia
Đây là ngọn núi lửa còn hoạt động nằm trên đảo Sumatra của Indonesia. Việc nham thạch phun trào thường xuyên xảy ra, khiến hàng ngàn người không có nơi trú ẩn. Các thị trấn, làng mạc gần đó bị phủ đầy dung nham và tro bụi suốt nhiều năm, gần nhất là vào năm 2010, 2013, 2014 và 2015.
Vụ phun trào mới nhất xảy ra vào ngày 27/2/2016, phóng ra một đám mây khí ga núi lửa với rất nhiều đá và tro tàn chết người. Cột khói cao tới 2500m. Và trên đảo không ai biết ngày mai sẽ ra sao.
Huy Hoàng
Theo BS/WK