Những người “dệt suối hoa” trên sườn Hoàng Liên Sơn
(Dân trí) - Tới Fansipan bây giờ, thấy hoa rực rỡ cả trăm loài từ lối vào Ga đi cáp treo, những khoảng rừng dưới chân trụ cáp cho tới những vách đá cheo leo và trên khu vực đỉnh... Có lúc cảm giác cả phiến đại ngàn Hoàng Liên Sơn giống như cô gái Mông đang xòe tung chiếc váy hoa nhiều màu, sặc sỡ ngày vào hội.
Nhưng đằng sau ngày hội ấy là rất nhiều mồ hôi, công sức và nỗ lực không ngừng của những người chăm hoa ở Sun World Fasipan Legend.
Những gã “thợ rừng” cõng đất nuôi hoa
Mùa hè năm 2011, Nguyễn Tiến Mạnh tròn 22 tuổi. Đang làm việc tại Sở Xây dựng tỉnh Lào Cai thì anh được giao nhiệm vụ cùng đoàn công tác vẽ quy hoạch cảnh quan dự án cáp treo tại Sa Pa. Lúc đó, Mạnh thoáng nghĩ: Nếu có thể khoác lên phiến rừng này những sắc hoa thì tuyệt.
Nhưng phải tới tận 6 năm sau, Mạnh mới xin đầu quân vào bộ phận thiết kế cảnh quan của Sun World Fansipan Legend, để hiện thực hóa giấc mơ của mình.
Mạnh vẫn nhớ đã từng nói như đinh đóng cột với các lãnh đạo công ty: Sẽ làm nơi này thay đổi đẹp đẽ hơn bởi “cả công trình kỳ vĩ như cáp treo Fansipan còn dựng lên được thì không cớ gì mình thất bại!”
Những ngày đầu, Mạnh liên tiếp vấp phải rào cản. Anh em trong đội cảnh quan đa phần là người bản địa, ngôn ngữ khác biệt. Hơn nữa, họ vốn chỉ làm nông, trồng cây chứ nói đến hoa thì... mù tịt. Chỉ riêng khâu thống nhất tên cây có khi cũng đã mất tới... mấy ngày.
Khó khăn tiếp là giai đoạn tạo nền trồng cây trên đỉnh cao 3.143m (giờ là 3.147,3m).
“Trước năm 2017, không ai dám mạnh miệng có thể phủ hoa lên đỉnh Fansipan. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở đây không phù hợp với đa số các loại cây lẫn hoa.”
Nói đoạn, trưởng bộ phận cảnh quan lấy ra một bình đồ, chỉ vào vành đai 2.800m giải thích: “Từ bình độ này hắt lên, nhiệt độ giảm sâu, mùa đông, băng tuyết xuất hiện, chỉ hai loại cây đặc hữu tồn tại được là trúc lùn và đỗ quyên.”
“Đấy là chưa kể, cấu tạo chính của đỉnh Fansipan chỉ là đá vôi. Độ dốc lớn kèm theo băng tuyết khiến cho lớp đất đá trên khu vực này bị... bào mỏng đến xác xơ. Thậm chí, ở một số vị trí đặt cột trụ như T4, T5, đất còn bị phong hóa trơ sỏi,” Mạnh nói.
Giai đoạn này, tuyến cáp treo đã hình thành, máy móc hỗ trợ đã rút nên đội ngũ của Mạnh phải gùi đất lên đỉnh bằng sức người. Sáng sáng, tổ 20 người hì hục đào đất rừng, lèn vào những gùi 20kg, vượt qua 600 bậc đá lên tận đỉnh núi rồi chia nhau theo từng khu vực để tạo nền.
Nhưng lên tới đích vẫn chưa xong. Thiên nhiên giống như cô gái tự biết mình đẹp nên có quyền đỏng đảnh, lúc nắng chói chang, khi lại mưa tuyết trắng trời. Đất chưa kịp bám nền đã cuồn cuộn theo gió bay tuột xuống vực sâu. Để giữ đất, lại phải xây bồn, tìm các hốc đá; thậm chí dùng cành cây, dây dứa đan vào nhau thành tấm lớn rồi nén đất, giữ nền.
“Nói nghe đơn giản, nhưng 20 người chúng tôi đã phải thay nhau ăn sương nằm gió, người ít thì 1-2 tuần; kẻ nhiều có khi ở lì trong rừng cả 2-3 tháng,” Mạnh rùng mình nhớ lại.
Nhờ những gã “thợ rừng” cần mẫn ấy, khu vực đỉnh trở thành một bình địa ở độ cao hết sức khó tin 3.143m. Và cũng bắt đầu từ đây, giấc mơ “dệt hoa lên đỉnh trời” dần trở thành hiện thực.
Dệt hoa lên đỉnh trời
Giải được bài toán “đắp đất”, đội cảnh quan của Mạnh tính tới việc trồng cây. Ban đầu, chàng kỹ sư nông nghiệp nghĩ đến những loại cây và hoa bản địa vốn đã “thuần” với khí hậu khắc nghiệt của Fansipan như đỗ quyên, trúc lùn. Cây sinh trưởng tốt thì chính rễ cây sẽ giữ đất lại bám nền.
Nguyễn Tiến Mạnh tiếp lời: “Sau đó, tụi mình mới nghĩ đến những loài cây ở các vùng có khí hậu tương tự như mẫu đơn Trung Quốc, bắp cải tím, sen đá, hồng sa mạc... Đây đều là những loại hoa chịu được điều kiện lạnh.”
Mặc dù vậy, việc “thuần dưỡng” những giống hoa ngoại lai này cũng muôn vàn khó khăn. Ban đầu, cứ trồng xuống 10 cây thì chỉ 1 cây còn sống. Anh em ai cũng nản, nhưng nhìn mầm sống mong manh vẫn cố vươn lên, chống chịu với gió Ô Quy Hồ, tất cả lại bảo nhau: Đây chính là hy vọng. Phải bằng mọi cách phủ xanh đỉnh núi.
Nghĩ là làm, những người trồng hoa như Mạnh bền bỉ gạt đá, xới đất, nhặt cỏ, khuân đá sỏi, tưới cây, thử nghiệm gieo hạt, chăm bón cho những hạt giống nảy mầm… chỉ với một ước mơ sẽ có ngày được chứng kiến những thảm hoa nở bừng rực rỡ trên đỉnh Fansipan. Thử nghiệm nhiều, thất bại cũng không ít. Mỗi lần trồng thành công một loài hoa, cả đội vui như mở hội.
Thậm chí, bằng sự cần mẫn ấy, Mạnh và đồng nghiệp còn làm được điều hết sức khó tin: Thuần hóa, trồng và phát triển được hoa tulip trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển.
Chàng kỹ sư trẻ say mê kể: “Tulip xuất xứ từ các nước có khí hậu ôn hòa và kị nhất là gió. Mà gió thì xứ này quá thừa”.
Bên cạnh đó, giống hoa này yêu cầu cực kỳ khắt khe về nhiệt độ ra hoa khi chỉ nằm ở ngưỡng từ 8-12 độ. Nếu không đáp ứng được, cây sẽ chỉ mọc lá. Thời gian đầu, rất khó để thực hiện điều này, lúc nóng quá, phải đưa cây lên tận đỉnh Fansipan để hạ nhiệt, khi lạnh quá lại phải đưa cây vào thắp điện để đáp ứng nhiệt độ.
Dần dần, nàng hoa đến từ Hà Lan bén hơi Sa Pa, buông bỏ thói đỏng đảnh của riêng mình để nở bừng thành những trảng đỏ rực ở khu vực chân ga đến. Mới đây, tulip đen – một dòng hoa rất khó để phát triển, cũng đã được Mạnh và tổ cảnh quan nhân trồng, trưng bày trên đỉnh núi ngàn thước.
Lên Fansipan bây giờ, bên cạnh cái thú ngắm Hoàng Liên Sơn từ cáp treo, du khách còn được đắm chìm trong thiên đường của những loài hoa. Hoa nở bừng từ chân núi, hoa chảy thành dải vàng dập dờn dưới thung lũng, hoa cháy như đốm lửa trong sương mờ gần đỉnh núi.
“Trời không phụ lòng người, đến với Sapa, nhiều loài hoa khoe sắc còn rực rỡ hơn đất bản địa như hoa mõm sói, hoa đuôi công. Có lẽ ông trời cũng thương tụi mình”, Mạnh cười rạng rỡ nói./.