Những món thực phẩm độc có thể gây chết người
(Dân trí) - Một số đồ thực phẩm trên thế giới chứa những độc tố gây chết người. Vì nhiều lý do khác nhau, người dân vẫn sử dụng để chế biến món ăn. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyến cáo người dùng nên thận trọng khi sử dụng chúng.
Cá nóc, Nhật Bản
Cá nóc, một trong những món ăn rất được ưa chuộng tại Nhật Bản, lại nằm trong danh sách đen những thực phẩm nguy hiểm chết người. Hàng năm, số người nhập viện và tử vong vì món ăn này vẫn xuất hiện, nhưng người Nhật không từ bỏ thói quen ăn uống. Gan, buồng trứng và da cá chứa lượng lớn chất độc tetrodotoxin, nếu không may ăn phải có thể gây cảm giác ngứa ngáy, tê liệt cơ và hệ thống hô hấp. Trong trường hợp nặng, nạn nhân có thể thiệt mạng chỉ từ 4-6 tiếng.
Ếch khổng lồ, Namibia
Ngoài phần thịt đùi, hầu như các bộ phận khác của ếch đều chứa độc tố. Một số quốc gia châu Phi, đặc biệt là Namibia thích ăn tất cả mọi bộ phận của ếch. Điều này làm tăng nguy cơ suy thận và tử vong vì da và các cơ quan ếch đều chứa chất độc. Đặc biệt, những con ếch non chưa giao phối càng độc hơn.
Sứa Nomura, Nhật Bản
Sứa Nomura (Echizen Kurage) là một trong những loài sứa lớn nhất thế giới. Nếu được chế biến đúng cách và loại bỏ phần độc hại, món ăn trở thành đặc sản của Nhật Bản.
Sò huyết, Trung Quốc
Những động vật có vỏ chứa một số loại virus và vi khuẩn có thể gây viêm gan A, E, thương hàn và kiết lị. Bởi vậy, bạn cần nấu chín chúng trước khi ăn. Năm 1988 tại Thượng Hải, hơn 300.000 người mắc bệnh sau khi ăn sò huyết và 31 người tử vong.
Phô mai có giòi Casu Marzu, Ý
Đây là món đặc sản rất lạ của vùng Sardinia. Chúng được làm từ sữa cừu, nếu nhìn gần bạn sẽ thấy rõ những con giòi lúc nhúc. Loại phô mai này bị cấm bán trong khu vực EU nhưng một số người vẫn giữ thói quen ăn chúng.
Lá đại hoàng
Đại hoàng là một trong những loài thực vật thuộc giống Rheum, được sử dụng làm thuốc, phần thân cây nấu làm thức ăn. Loại cây này rất giàu vitamin, khoáng chất thiết yếu, có chứa chất chống oxy hóa. Tuy nhiên, lá cây chứa axit oxalic, một loại chất độc gây hại thận, có thể dẫn tới suy thận. Nếu không may ăn phải lá, nạn nhân xuất hiện những triệu chứng khó thở, rát miệng và cổ họng, tiêu chảy, nôn mửa, co giật. Tuy nhiên từ trước tới nay chưa xuất hiện trường hợp nào tử vong khi dùng đại hoàng.
Hạt Pangium Edule
Pangium Edule còn được biết tới với cái tên dân dã hơn “hạt buồn nôn”. Chúng được trồng nhiều ở những đầm lầy ngập mặn tại Đông Nam Á. Hạt có chứa chất hydrogen cyanide độc hại. Muốn sử dụng, người dùng phải ngâm chúng vào nước, bỏ vỏ luộc kỹ hoặc chôn trong tro khoảng 1 tháng để bớt chất độc.
Món cá Fesikh Ai Cập
Fesikh là tên một món ăn trong lễ hội mùa xuân ở Ai Cập. Cá được ủ để lên men với muối và sấy khô. Tuy nhiên nếu chế biến không đúng quy trình, món ăn sẽ trở thành “thuốc độc” với người dùng. Trong năm 2009 và 2010 từng có 2 người thiệt mạng vì ăn món này.
Cây cơm cháy
Hạt và cành của loại cây này chứa chất độc xyanua. Tuy nhiên, nếu chế biến và nấu đúng cách, loại cây này vẫn ăn được.
Hoàng Hà
Tổng hợp