Những món ngon níu chân du khách ở Sóc trăng
(Dân trí) - Những món ăn đậm hồn quê, dân dã như bún nước lèo, bánh ống, bún gỏi dà hay bánh cóng luôn níu chân du khách phương xa mỗi lần ghé qua miền đất Sóc Trăng.
Mì sụa
Có nguồn gốc từ món ăn truyền thống của cộng đồng người Hoa, món ăn này dần trở nên phổ biến và được nhiều người ưa thích.
Bạn có thể chọn loại mặn và không mặn tùy theo khẩu vị. Mỗi loại cũng có cách chế biến khác nhau. Sợi mì sụa được chế biến từ đậu nành dai mềm, loại ngọt dùng để nấu chè, còn loại mặn để làm các món xào và ăn kèm với mắm chanh ớt hay tương ớt.
Thực khách sẽ khó cưỡng lại sự hấp dẫn của món ăn này. |
Mì sụa mặn thường xào chung với hải sản, thịt heo, nấm, thịt gà và chan cùng với nước tương. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị dai của sợi mì, vị béo ngọt của thịt, cùng với vị mặn cay, chua của nước tương, ớt, chanh. Tô mì xào thường được ăn kèm với bát nước dùng cho đỡ ngấy.
Bún gỏi dà
Bún gỏi dà là một món ăn xưa của miền Nam hấp dẫn nhiều thực khách với sự kết hợp hài hòa giữa vị ngọt thịt heo và tôm bạc của sông nước Nam Bộ. Theo những người sành ăn, xuất phát điểm của món bún này là gỏi cuốn, với các thành phần như tôm, bún, rau, giá... Về sau người ta biến tấu bằng cách cho tất cả các nguyên liệu đó vào tô, trộn chung với nước chấm gỏi rồi ăn.
Sự pha trộn nhiều thành phần với vị ngon từ chính nước dùng có vị ngọt thanh của xương heo, chua nhẹ của nước me và thoang thoảng hương thơm của tương hạt không bao giờ mang lại cảm giác ngán.
Bún gỏi dà được trình bày rất đẹp mắt. |
Bún thường được ăn kèm với giá sống, rau muống bào và xà lách. Phần nguyên liệu chính là thịt ba chỉ khìa mặn cùng với các con tôm luộc ngọt tươi đã lột sạch vỏ. Từng sợi bún trắng mềm dai ngập ngụa trong nước dùng màu nâu hòa cùng với thịt tôm béo và thịt heo mặn mặn tạo hương vị lạ miệng, vô cùng hấp dẫn những thực khách phương xa.
Bánh cóng
Đây là món bánh phổ biến ở khắp các tỉnh miền Tây nhưng ít ai biết rằng nó chính là đặc sản của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng. Bánh được làm từ thịt heo bằm nhuyễn với bột gạo, đậu xanh hột chấm với nước mắm chua ngọt.
Từng chiếc bánh vàng ruộm được kẹp đều trong rau sống gồm xà lách, rau thơm, tía tô, diếp cá... và chấm trong chén nước mắm cà rốt chua ngọt tạo nên món ăn khó cưỡng và đậm đà hương vị vùng quê sông nước.
Bánh cóng đặc sản Sóc Trăng. |
Gạo và đậu xanh để làm bánh cóng đều phải chọn loại ngon, ngâm nước từ sáu giờ cho nở đều và xay gạo thành bột nước, nêm chút muối, đường cho vỏ bánh đậm được đậm đà.
Ăn bánh cóng ngon một phần nhờ rau xanh và cách pha nước chấm. Chọn nước mắm ngon pha thêm chút chanh, đường, ớt, tỏi, rau cà rốt, đu đủ muối chua. Rau ăn kèm xà lách, rau thơm, có thể thêm khế chua, chuối xanh, dưa chuột tùy thích cho đủ vị cay nồng.
Khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận vị giòn rụm quyện hương thơm bùi béo của đậu xanh với nước chấm chua ngọt nơi đầu lưỡi.
Bánh ống
Món bánh ống được chế biến từ bột gạo xay nhuyễn trộn với lá dứa, nước đường, cốt dừa. Sau đó dồn vào ống tre hoặc ống nhôm và mang hấp cách thủy. Bánh ống tròn, dài béo béo giòn và thơm mùi cốt dừa lẫn mùi lá dừa. Đây là món ăn chơi thú vị vào các buổi chợ sáng và các buổi xế chiều.
Bánh ống với màu sắc bắt mắt. |
Du khách đến Sóc Trăng sẽ bị hớp hồn ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi những chiếc bánh ống màu xanh và hấp dẫn, ăn rất thú vị.
Bún nước lèo
Món ăn này có thể tìm ở nhiều nơi ở vùng Nam Bộ nhưng phải ăn ở Sóc Trăng mới cảm nhận vị ngon đặc trưng mà hiếm vùng nào có được. Nước lèo được nấu từ nước dừa, sả và một số loại mắm của người Khmer tạo nên vị đậm đà.
Bún nước lèo rất hấp dẫn, quyến rũ thực khách. |
Bún nước lèo nhìn thơm ngon và hấp dẫn hơn cả thì phải có khá nhiều loại rau sống ăn kèm, từ rau muống bào sợi đến giá sống, bắp chuối thái nhỏ, rau thơm, rau đắng... Trên bát bún trắng tinh sẽ là thịt lợn, tôm và màu xanh mướt của các loại rau sống.
Húp xì xụp từng muỗng nước lèo đậm vị và nhẩn nha sợi bún dài trắng tinh, bạn sẽ cảm thấy vị ngon ngọt tan dần trong miệng.
Song An (Tổng hợp)