Những lăng mộ bí ẩn nhất trong lịch sử Trung Quốc (P1)
(Dân trí) - Một số lăng mộ ở Trung Quốc đến nay vẫn tồn tại nhiều điều bí ẩn chưa thể tìm được câu trả lời.
Trong lịch sử Trung Quốc, lăng mộ của Khổng Minh Gia Cát Lượng và Tần Thủy Hoàng đều để lại cho hậu thế những câu hỏi không lời đáp.
Mộ phần Khổng Minh Gia Cát Lượng không tìm thấy
Ngày nay, người đời vẫn nói, Gia Cát Lượng được chôn ở núi Định Quân. Nhưng thực chất đó chỉ là ngôi mộ giả của ông.
Gia Cát Lượng tên tự Khổng Minh, là nhà chính trị quân sự kiệt xuất của Trung Quốc thời Tam Quốc. Đóng góp lớn nhất của ông là hình thành thế chân vạc, liên minh Thục – Ngô chống Ngụy. Ông là một trong những chiến lược gia xuất sắc nhất trong thời đại của mình, sánh ngang với Tôn Tử.
Sau khi bệnh nặng qua đời ở tuổi 54, ông được đưa đi an táng. Tuy nhiên, mộ phần thực sự nằm ở đâu, đến nay hậu thế vẫn chưa tìm được lời giải đáp. Theo di nguyện Khổng Minh, ông muốn nằm tại núi Định Quân. Đây là ngọn núi ở Thiểm Tây. Do địa hình bằng phẳng có để đóng cả vạn quân nên gọi là Định Quân.
Khu vực đặt mộ vốn không xây kín và có dấu hiệu đặc biệt nên khó phát hiện. Người ta còn xây thêm nhiều mộ giả xung quanh đó để chống bị đào trộm. Ngôi mộ ngày nay vẫn được người đời gọi là “Mộ thật của Gia Cát Vũ Hầu”, nhưng không phải mộ gốc.
Theo tương truyền của người xưa, phần mộ nào mang dòng chữ “Mộ Vũ Hầu” mới là nơi an nghỉ thực sự của Gia Cát Lượng. Ngày nay, cũng có một ngôi mộ mang tên “Mộ Vũ Hầu” nằm phía tây bắc núi Định Quân, nhưng các chuyên gia cho rằng, ngay cả nơi này cũng không phải là mộ thật.
Hiện nay, trên khắp Trung Quốc, người đời còn lập nên nhiều đền thờ miếu mạo để tưởng nhớ vị tướng tài ba này.
Bí mật bao trùm lăng mộ Tần Thủy Hoàng và dòng sông thủy ngân chết người
Tại sao không thể khai quật toàn bộ lăng mộ Tần Thủy Hoàng?
Lăng mộ của vị vua khét tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa - Tần Thủy Hoàng nằm phía bắc núi Ly Sơn, thuộc địa phận Thiểm Tây, cách Tây An chừng 50 km về phía đông. Được phát hiện cách đây gần nửa thế kỷ và là một trong những phát hiện khảo cổ vĩ đại nhất, nhưng lăng mộ vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc vẫn còn là ẩn số. Nhiều phần trong lăng vẫn chưa được khám phá hết.
Bắt đầu từ năm 13 tuổi khi vừa lên ngôi, Tần Thủy Hoàng ra lệnh xây dựng lăng mộ. Thời gian xây lên tới 38 năm với nguồn nhân lực 720,000 người. Khi chết, vị vua này được chôn trong khu lăng phức tạp nhất, chứa cả “thế giới khổng lồ” trong lòng đất với đội quân đất nung phục vụ Hoàng đế ở “cuộc sống bên kia”.
Trong hàng chục năm làm việc liên tục kể từ khi phần mộ Tần Thủy Hoàng được phát hiện, các nhà khảo cổ tìm thấy khoảng 2000 tượng binh sỹ bằng đất nung. Nhưng giới chuyên gia cho rằng, ước tính phải có khoảng 8000 tượng như vậy. Đặc biệt hơn nữa, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa khám phá tới ngôi mộ trung tâm là nơi chứa xác vị Hoàng đế nổi tiếng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc chưa thể khai quật hết quần thể lăng mộ khổng lồ. Một trong số đó chính là các nhà khảo cổ phát hiện nồng độ thủy ngân trong mộ cao hơn bình thường tới 280 lần.
Những “dòng sông thủy ngân” trong mộ có tác dụng cách nhiệt, diệt khuẩn, đồng thời là vũ khí giết chết những kẻ xâm phạm “chỉ vào mà không còn đường ra”, qua đó bảo vệ chốn an nghỉ bình yên cho Hoàng đế. Ngoài ra, nếu khai quật không đúng cách sẽ gây thiệt hại nặng nề các hiện vật bên trong.
Hoàng Hà
Tổng hợp