Những điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến Ninh Bình
(Dân trí) - Danh thắng Tràng An, chùa Bái Đính, Tam Cốc – Bích Động, Cố đô Hoa Lư, Nhà thờ Phát Diệm… là những điểm đến được nhiều du khách chọn lựa khi tới Ninh Bình. Đây là những thắng cảnh hội tụ về thiên nhiên và văn hóa tạo nên nét đẹp hài hòa của vùng đất cố đô xưa.
1. Danh thắng Tràng An
Nằm cách thành phố Ninh Bình hơn 10km, danh thắng Tràng An được nhiều du khách chọn là điểm đến thú vị cho mỗi dịp nghỉ cuối tuần và những dịp nghỉ lể. Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014, Tràng An ngày càng hoàn thiện để xứng đáng hơn với danh hiệu vốn có.
Toàn bộ phong cảnh ở đây là sự hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên và các di tích lịch sử, văn hóa. Những dòng sông thơ mộng nước trong xanh nhìn thấy tận đáy tô thêm vẻ đẹp cho những dãy núi đá vôi sừng sững, trùng trùng điệp điệp tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, chữ tình.
Đến Tràng An, du khách sẽ được sự phục vụ tận tình của “biệt đội nữ lái đò đông nhất Việt Nam”. Họ sẽ chèo đò đưa bạn đi qua hơn 10 hang động lớn nhỏ để thả hồn vào sự thanh khiết của không khí trong lành nơi đây. Du khách còn được ngắm về sự phong phú các loài thực vật và động vật.
Một sự độc đáo nữa ở Tràng An chính là các di tích lịch sử, văn hóa. Đây là những đền chùa, miếu mạo tạo nên bề dày về lịch sử của vùng đất cổ xưa. Du khách được trải nghiệm qua những công trình kiến trúc cổ bằng đá có một không hai ở Việt Nam.
Sự kỳ vĩ của thiên nhiên ban tặng, nét đẹp văn hóa, lịch sử đã tạo cho cảnh sắc nơi đây hút hồn nhiều du khách, đến đây rồi sẽ có ngày phải quay trở lại.
2. Chùa Bái Đính
Được biết đến là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam với nhiều kỷ lục Châu Á, Đông Nam Á và Việt Nam, chùa Bái Đính nằm ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn mỗi ngày tiếp đón hàng nghìn lượt du khách, tăng ni, phật tử từ khắp nơi đổ về tham quan, đi lễ chùa.
Tại ngôi chùa này hiện đang lưu giữ một số kỷ lục như: Ngôi chùa rộng nhất Việt Nam; chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam; chùa có số cây bồ đề lớn nhất Việt Nam; chùa có tượng phật bằng đồng lớn nhất Châu Á; tượng phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á; hành lang La hán dài nhất Châu Á…
Chùa Bái Đính có hai khu là chùa cổ và chùa mới. Để đến được hai khu này, du khách có thể đi bằng hai con đường khác nhau là đi bằng xe điện hoặc đi bộ. Nếu đi bằng xe điện, du khách sẽ tham qua từ cổng tam quan vào, đi qua cầu rồng, đến hành lang la hán, gác chuông, đến khu chùa thờ quan thế âm, tam phật… Chọn phương án đi bộ, du khách sẽ đi từ ngoài vào phía trên của ngôi chùa, tham quan chùa cổ, chùa mới rồi ra bằng cửa tam quan...
Hằng năm, lễ hội chùa Bái Đính được khai mạc vào ngày mùng 6 tết kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Ngoài ra, du khách có thể đi lễ chùa, tham quan, du lịch tại chùa bất cứ ngày nào trong năm. Ngoài lễ chính trong năm, chùa Bái Đính còn tổ chức nhiều sự kiện khác, du khách có thể đến để thả hồn vào mùa lễ hội của chùa vào các ngày lễ theo lịch phật…
3. Tam Cốc – Bích Động
Thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, vẻ đẹp của khu du lịch Tam Cốc - Bích Động thu hút du khách trong và ngoài nước đến đây ngắm cảnh đông vui khoảng 10 năm nay. Đến Tam Cốc – Bích Động, du khách được ngồi trên những chiếc thuyền nhỏ, ngắm cảnh thiên nhiên núi non hùng vĩ. Tam Cốc – Bích Động đẹp mê hồn vào mỗi mùa lúa chín. Dòng sông nhỏ nằm giữ hai bên những ruộng lúa vàng dài ngút ngàn men theo những chân núi đá vôi sừng sững.
Về Tam Cốc, ngoài ngồi thuyền ngắm cảnh, du khách còn được trải nghiệm thú ví như cùng nông dân làm đồng. Đến thăm các nhà dân sống bên những chân núi từ ngàn đời nay, cuộc sống giản dị của họ gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các mon ăn dân dã là đặc sản tại đây như món cá tràu là loài cá xưa kia dâng lên tiến vua.
Ngay tại bến thuyền Tam Cốc – Bích Động, du khách có thể ghé thăm “nhà chị Dậu” trong không gian làng cổ Cố Viên Lầu. Nơi đây có căn nhà tranh vách đất của gia đình chị Dậu được phục dựng lại như thật, nói lên cảnh sống khắc khổ, nghèo đói của người nông dân bần cùng trong chế độ cũ. Tại ngôi làng này cũng còn lưu giữ hàng chục ngôi nhà cổ được đưa về từ nhiều vùng quê khác nhau. Mỗi căn nhà thể hiện một nét đẹp vùng miền khác nhau. Du khách có thể lưu trú, ăn nghỉ ngay tại các căn nhà cổ này để trải nghiệm thú vị được sống trong ngôi nhà Việt cổ.
4. Cố đô Hoa Lư
Được biết đến là một trong những kinh đô phong kiến đầu tiên của Việt Nam, cố đô Hoa Lư thuộc huyện Hoa Lư ngày nay vẫn còn lưu giữ nhưng công trình kiến trúc lịch sử. Đây là một quần thể gồm nhiều đền thờ, lăng tẩm, di tích văn hóa có giá trị về văn hóa lịch sử được lưu giữ hàng nghìn năm nay.
Đến cố đô Hoa Lư, du khách không chỉ khám phá những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai, viếng lăng mộ các nhà vua tiên khởi mà còn được thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình, hòa mình vào sự tĩnh lặng, không gian sống yên bình của vùng quê từng là một kinh đô của triều đại phong kiến đầu tiên của đất Việt.
Hằng năm, lễ hội Hoa Lư (nay là Trường Yên) được tổ chức với quy mô lớn. Không chỉ có những phần lễ nghi mang nét đẹp văn hóa xưa, lễ hội Trường Yên tại cố đô Hoa Lư còn cho du khách được trải nghiệm cuộc sống của người nông dân xưa với những phong tục tập quán riêng, mang nét đẹp văn hóa của người dân vùng chiêm trũng.
Quần thể di tích cố đô Hoa Lư đã được tỉnh Ninh Bình quy hoạch phát triển từ nhiều năm nay. Hàng năm, các công trình lịch sử, văn hóa tại đây thường xuyên được trùng tu, tôn tạo. Lãnh đạo địa phương cũng quan tâm, mở rộng quy mô các lễ hội để xứng tầm với khu di tích từng là một kinh đô lớn, đầu tiên của Việt Nam trong những năm đầu dựng nước và giữ nước.
5. Nhà thờ đá Phát Diệm
Nhà thờ đá Phát Diệm nằm ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, cách thành phố Ninh Bình 30km về hướng Đông Nam. Đây là một trong những ngôi nhà thờ cổ và có lối kiến trúc độc đáo nhất ở nước ta hiện nay. Nhà thờ Phát Diệm là một quần thể bao gồm nhiều nhà thờ và công trình khác nhau.
Trong đó, nổi bật nhất là ngôi nhà thờ lớn với Phương Đình, nhà thờ chính, nhà thờ đá. Nguyên liệu xây dựng ngôi nhà thờ này chủ yếu là đá xanh, gỗ và ngói. Người thiết kế xây dựng nhà thờ đá Phát Diệm chính là linh mục Phê rô Trần Lục (cụ Sáu) – người quản xứ Phát Diệm trong những năm tiên khởi.
Trải qua hơn 100 năm tồn tại, do chiến tranh cũng như thời tiết gây hư hại, nhà thờ đá Phát Diệm đã có một vài lần trùng tu. Tuy nhiên, kiến trúc chủ đạo của nhà thờ mang đậm nét truyền thống đền chùa cổ kính của Việt Nam vẫn không bị thay đổi. Đây từng một thời là kinh đô của công giáo Việt Nam.
Năm 1988, nhà thờ đá Phát Diệm đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Hiện nay, ngoài việc phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của người dân (đây là nhà thờ chính tòa của địa phận Phát Diệm), nhà thờ Phát Diệm còn là một điểm du lịch tâm linh, khám phá hấp dẫn đối với nhiều du khách trong và ngoài nước.
Mỗi ngày, nhà thờ đá Phát Diệm đón hàng trăm lượt khách đến tham quan. Trung tâm hành hương Phát Diệm cũng đã được mở, phục vụ du khách có nhu cầu tham quan, hướng dẫn viên du lịch, ăn uống và lưu trú tại đây.
Thái Bá