Những chàng trai dân tộc dũng mãnh trong điệu múa sư tử độc lạ ở Lạng Sơn
(Dân trí) - Vào Tết Nguyên đán hay các ngày lễ đặc trưng của địa phương, người Tày, Nùng ở Lạng Sơn thường tổ chức điệu múa độc đáo với linh vật được gọi theo cách dân dã là "sư tử mèo".
Hàng năm, cứ vào mùng 1, mùng 2 Tết Nguyên đán và một số dịp đặc biệt như ngày hội xuống đồng, tết Trung thu, lễ hội mùa xuân, lễ vào nhà mới…, bà con các dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn lại tưng bừng mở hội múa sư tử mèo.
Hoạt động này chủ yếu được biểu diễn tại các huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Lãng, Văn Quan, Bình Gia và Tràng Định. Trải qua nhiều thời gian, múa sư tử mèo đã trở thành nét sinh hoạt dân gian độc đáo được lưu truyền trong đời sống người dân nơi đây, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng.
Trong tiếng dân tộc Nùng, sư tử mèo là "kỳ lằn", tức kỳ lân - một trong Tứ linh: long, lân (kỳ lân), quy, phụng (phụng hoàng). Người địa phương thường gọi con vật huyền thoại với cái tên dân dã là sư tử mèo.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng (Lạng Sơn) từng nhiều lần tham dự lễ hội múa sư tử mèo ngày Tết tại Lạng Sơn cho biết, tục múa này ban đầu chỉ có ở người Nùng (gồm Nùng Phàn Slình và Nùng Cháo). Sau này, người Tày và Nùng sống xen lẫn với nhau, trải qua quá trình giao lưu văn hóa và nghi thức này được tiếp thu.
Mỗi bài múa đi kèm một điệu nhạc khác nhau. Người múa sư tử chỉ cần nghe chuyển nhạc gõ là biết trình diễn bài tương ứng.
Không chỉ thanh niên trai tráng mà nhiều em nhỏ cũng rất hào hứng tham gia buổi trình diễn, thể hiện những động tác dẻo dai, chuyên nghiệp.
Trên địa bàn xã Hải Yến, huyện Cao Lộc, múa sư tử đã được đưa vào nội dung hoạt động ngoại khóa tại trường trung học cơ sở xã. Còn ở huyện Văn Lãng và Bình Gia, việc truyền dạy biểu diễn loại hình này đã thu hút nhiều thanh niên tham gia luyện tập.
Với những giá trị văn hóa truyền thống, múa sư tử của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017.