Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam:

Nhiều kỳ vọng khi Quốc hội sửa đổi Luật Du lịch

(Dân trí) - Ts. Phạm Từ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, mục tiêu mà NQ 08 của Bộ Chính trị đề ra, đến năm 2030 du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á, là mục tiêu cao nhưng hoàn toàn có cơ sở nếu có những đột phá... Tinh thần đột phá cần được thể hiện ngay trong khi ban hành Luật Du lịch( sửa đổi).

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết 08 về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, đến năm 2030, chúng ta đặt mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Ông đánh giá thế nào về khả năng thực hiện hóa các mục tiêu này của ngành du lịch?

Mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và sớm sánh vai với các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu trong khu vực, đã được Đảng, Nhà nước đề ra từ 2 hơn chục năm nay. Năm 2000 lần đầu tiên du lịch Việt Nam đón người khách thứ 1 triệu, từ hàng thấp nhất chúng ta đã vươn lên vị trí trung bình, đứng thứ 5 trong 10 nước ASEAN. Năm ngoái, sau 16 năm, lần đầu tiên Việt Nam đón được 10 triệu lượt khách quốc tế thì Thái Lan đón được 30 triệu, Malaysia 28 triệu, Singapore 16 triệu, Indonesia gần 12 triệu. Ta vẫn đứng giữa! Câu hỏi du lịch VN bao giờ cho đến... Thái Lan của Chủ tịch QH khóa trước vẫn còn bỏ ngỏ! 13 năm nữa, vượt lên sánh ngang các nước đầu bảng là không đơn giản. Nhưng đây lại là mục tiêu hiện thực và hoàn toàn có thể!

Hiện thực và có thể là bởi Việt Nam đang được thế giới đánh giá là một trong 10 nền kinh tế trên toàn cầu, một trong 5 nền kinh tế trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, và đứng đầu trong ASEAN về mức độ cải thiện thứ hạng kinh tế mạnh mẽ nhất. Tài nguyên du lịch văn hóa, tài nguyên du lịch tự nhiên, sức cạnh tranh về giá, nhân lực và thị trường lao động, mức độ an ninh an toàn cao của quốc gia, độ sẵn sàng về công nghệ thông tin... của VN được xếp vào nhóm từ 30 đến 60- 70 trong 136 nền kinh tế được xếp hạng. Việt Nam đứng đầu ASEAN về số lượng di sản được UNESCO vinh danh là di sản thế giới.

Ts Phạm Từ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam phát biểu trong một cuộc hội thảo về du lịch tổ chức mới đây ở Hà Nội.
Ts Phạm Từ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam phát biểu trong một cuộc hội thảo về du lịch tổ chức mới đây ở Hà Nội.

Các chuyên gia nước ngoài, các tổ chức DL thế giới đều nhận định, hiếm có quốc gia nào có nhiều điều kiện để trở thể thành cường quốc về du lịch như Việt Nam. Việt Nam được mệnh danh là điểm đến an toàn thân thiện. Thành tựu 30 năm đổi mới đã tạo ra không gian mở, giao lưu hợp tác với bầu bạn bốn phương, cơ sở hạ tầng, vật chất ký thuật của đất nước đã được tăng cường, hạ tầng, đường không, đường bộ đường biển… đường tiếp cận điểm đến Việt nam đã được cải thiện nhiều.

Cơ sở vật chất của du lịch hiện nay đã rất khác. Các nhà đầu tư lớn, tầm cỡ đã có những dự án lớn, đẳng cấp, tạo ra diện mạo mới cho du lịch Việt Nam. Cơ sở lưu trú đã đầy đủ và hiện đại, đủ sức chứa cho quy mô phát triển không giới hạn lượng khách đến. Các doanh nghiệp du lịch đã trưởng thành. Đảng Nhà nước đang rất quan tâm phát triển du lịch. NQ 08 BCT mới ban hành đầu năm nay thể hiện tập trung nhất, đầy đủ, rõ nhất về quan điểm chủ trương biện pháp phát triển du lịch của Đảng, Nhà nước ta.

Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) dự kiến được Quốc Hội thông qua trong tháng 6 này được kỳ vọng sẽ là hành lang pháp lý thông thoáng, tạo đột phá cho ngành Du lịch phát triển. Ông có chia sẻ gì về kỳ vọng này?

Tôi rất kỳ vọng là như thế. Luật Du lịch hiện hành thực thi đã 11 năm, có điều đã mở trong Luật chưa được triển khai, có điều chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới... Trước vận hội mới, thể hiện ý Đảng lòng dân, Quốc Hội xem xét, thông qua Luật Du lịch sửa đổi là rất kịp thời. Kỳ vọng là Luật được thông qua sẽ thể hiện, chứa đựng được quan điểm, chủ trương rất mới về kinh tế du lịch đáp ứng được yêu cầu, ý nguyện của cộng đồng, doanh nghiệp, tương thích với vị thế của đất nước.

Ông có ý kiến gì cụ thể về dự Luật kỳ này?

Dự thảo đã qua 6 lần chỉnh sửa. Tôi trân trọng thời gian, công sức của Ban Soạn thảo, của Ủy ban thẩm định. Sau khi có ý kiến của Quốc hội, bản dự thảo gần nhất đã tốt hơn. Song, có thể Dự Luật đã được soạn thảo, được định hình từ trước khi có NQ 8 của BCT, nên có những tư tưởng, quan điểm, chủ trương biện pháp mới trong Nghị quyết chưa được thể hiện. Những ý kiến tham góp sau này chỉ có thể được tiếp thu chỉnh sửa cụ thể vào điều này khoản nọ, còn những vấn đề lớn đặt ra, khó được thể hiện bởi liên quan đến nhiều ngành, nhiều quy định khác, nên như nhiều ý kiến đã tham gia là, dự Luật không có nhiều thay đổi so với Luật hiện hành, không thấy có đột phá, thậm chí có điều bị bó lại.

Thống kê, tỷ lệ chi tiêu của khách du lịch quốc tế đến VN chỉ khoảng 20% là mua sắm hàng hóa, trong tổng số trên 1000 USD cho 1 chuyến đi, đây là 1 tỷ lệ khá thấp.
Thống kê, tỷ lệ chi tiêu của khách du lịch quốc tế đến VN chỉ khoảng 20% là mua sắm hàng hóa, trong tổng số trên 1000 USD cho 1 chuyến đi, đây là 1 tỷ lệ khá thấp.

Vậy ông có ý kiến và đóng góp về những điều cần gia công sửa đổi?

Cũng khá nhiều, cả vấn đề chung và cụ thể, tôi đã nói ở 2-3 diễn đàn. Xin đơn cử vài ví dụ:

1.-Về tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch. Hiện nay nguồn lực của ta có nhưng phân tán. Hãy chỉ nói về quỹ xúc tiến du lịch.Nhiều địa phương đã dành quỹ xúc tiến quảng bá du lịch, nhưng mỗi địa phương 1 kiểu, 1 đối tác để thuê mướn. Tổng cục Du lịch dựa vào ngân sách hành chính rất hạn chế. Quỹ Xúc tiến Du lịch, đã được ghi trong điều 6, Chương I Luật Du lịch hiện hành từ 16 năm trước, chưa được triển khai, nay lại ghi chung, cơ bản gần như cũ, không rõ nguồn, cơ quan quản lý quỹ lại có xu hướng hành chính hóa, nhà nước hóa thì không ra, lại để Chính Phủ quy định! Rất nên được bàn thảo kỹ để ghi thành luật cụ thể về mô hình quản lý, cách thức huy động vốn và Hội đồng quản lý quỹ. Không nên thả nổi như dự thảo.

2.- Gắn với quỹ xúc tiến DL là Văn phòng xúc tiến DL. Không một nước nào có ngành du lịch phát triển mà không có văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở nước ngoài! Như Thái Lan con số này là 28, Singapore là 23. Ở VN Luật hiện hành có ghi Văn phòng đại diện du lịch quốc gia ở nước ngoài. Mười năm nay không được tổ chức triển khai, chưa tổ chức được 1 văn phòng nào. Nay dự thảo sửa đổi bỏ hẳn. Thiết nghĩ, để tạo đột phá trong xúc tiến quảng bá, ngành du lịch Việt Nam cần được thí điểm tổ chức 1- 2 văn phòng ở thị trường trọng điểm để rút kinh nghiệm trước khi mở rộng, không nên bỏ điều này trong Luật Du lịch sửa đổi.

3.- Về xác định mô hình, hệ thống tổ chức, quản lý ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới, cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế . Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, nâng cao năng lực, trách nhiệm và quyền hạn của Tổng cục Du lịch…Những vấn đề này chưa được đặt ra trong dự Luật. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng cơ quan quản lý du lịch quốc gia chưa được định hình theo một nguyên tắc thống nhất, khi thì thuộc kinh tế thương mại, khi thì sang văn hóa, khi trực thuộc Chính phủ. Trong Luật hiện hành ghi mở là cơ quan quản lý du lịch quốc gia. Theo chúng tôi, cần có chuyên đề tổng kết cho thấu đáo để làm rõ vị trí vai trò của ngành du lịch, mối liên quan với văn hóa, thương mại và vai trò của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch( có ý kiến nên chuyển thành Ủy ban Du lịch quốc gia)…Nếu chốt ngay một hình thức trong Luật sửa đổi kỳ này, e sẽ khó khi Quốc hội, Chính phủ thấy cần quyết một mô hình quản lý cụ thể.

4.- Về vấn đề xuất khẩu tại chỗ qua du lịch. Thống kê hiện cho thấy, tỷ lệ chi tiêu của khách du lịch quốc tế đến VN chỉ khoảng 20% là mua sắm hàng hóa, trong tổng số trên 1000 USD cho 1 chuyến đi! Tỷ lệ này trên thị trường du lịch quốc tế thường cao hơn nhiều. Khách Trung quốc sang Việt Nam có tour không đồng, nhưng sang Mỹ họ được đón như hoàng tử, vì ở Mỹ, xuất khẩu tại chỗ qua du lịch rất được coi trọng. Khách Trung quốc sang Mỹ chủ yếu là du lịch mua sắm! Vì vậy, vấn để quy hoạch, xây dựng trung tâm mua sắm, tạo thuận lợi trong thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, tổ chức sản xuất đồ thủ công mỹ nghê, hàng lưu niệm, khuyến khích khách du lịch mua hàng… cần được ghi thành chương mục hoặc một vài điều trong Luật. Dự Luật kỳ này chỉ ghi 1 điểm trong 6 điểm của 1 Điều 57- Phát triển các loại dịch vụ du lịch khác, có thể là chưa thỏa đáng!

5.- Vấn đề hiện đại hóa trong kinh doanh du lịch trong thời đại công nghệ số, booking onlines, xúc tiến trên mạng, chưa có điều khoản nào quy định và chưa thể hiện phổ quát trên các điều khoản của dự Luật. Thiết nghĩ Luật sửa đổi lần này cần đặt trong bối cảnh kinh doanh thời công nghệ số đã rất khác với 10 năm trước, để sửa các quy định cũ, nhất là về điều kiện kinh doanh, phép tắc, và phương thức quản lý nhà nước trong du lịch, để nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại của ngành du lịch…

Lo ngại dự thảo Luật còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện, một số chuyên gia cho rằng nếu Quốc hội kỳ này cứ “bấm nút” thông qua thì lại phải 5 - 10 năm nữa mới điều chỉnh được. Đó là khoảng thời gian không nhỏ với 1 lĩnh vực đang phát triển mạnh. Ông có bình luận gì về ý kiến này?

Tôi thấy đây là lo ngại rất tích cực và xây dựng. Trước đây tôi đã có thời gian nghiên cứu kỹ và vận dụng nhiều những quan điểm chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về phát triển du lịch. Tôi thấy, chưa bao giờ có sự khẳng định về đường lối phát triển du lịch mạnh mẽ rõ ràng như kỳ này. NQ BCT khẳng định: “Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác”. Đặt vấn đề về du lịch như thế là khác lắm.

Du lịch không còn là câu chuyện của 1 ngành mà là định hướng chiến lược quan trọng của quốc gia, là ngành kinh tế tạo động lực thúc đẩy các ngành khác. Nếu có thêm thời gian và vấn đề không phải chỉ còn là trên bàn của bộ chủ quản mà Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch trực tiếp cùng Ủy ban thẩm định của QH đứng ra tập hợp lực lượng, tập trung trí tuệ liên ngành, đa ngành, của các nhà đầu tư lớn vào du lịch, trong vài ba tháng để có dự Luật thể hiện được đầy đủ tinh thần mới, để kỳ sau, 4 tháng nữa QH thông qua, sẽ không bị lỡ một nhịp 5- 10 năm làm chính sách. Tinh thần tạo đột phá cho du lịch phát triển được luật hóa sẽ rất có cơ sở vững chắc để thành công.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà Trang (ghi)