Nhà hàng phục vụ cả lính Mỹ lẫn IS mở lại ở Baghdad
Rất lâu trước khi thành phố Falluja nổi tiếng vì bị quân khủng bố IS chiếm đóng, nơi này đã nổi tiếng với món bánh kebab thịt cừu béo ngậy ở nhà hàng Haji Hussein.
Haji Hussein nằm trong khu cao cấp tại Baghdad
Haji Hussein thu hút đủ loại thực khách: dân địa phương, binh sĩ, du khách, doanh nhân trên tuyến đường cao tốc tấp nập từ Baghdad tới Anman, Iraq. Từ năm 2003, các phóng viên chiến trường đã tới đây, tiếp theo là lính Mỹ và thậm chí cả những nhóm phiến quân mà họ đang chiến đấu chống lại, trong đó có IS, đều dùng bữa thậm chí cùng một lúc.
Nhà hàng đã bị đánh bom vài lần và từng bị san phẳng sau một cuộc không kích của Mỹ, rồi lại được xây lại, nhưng nhanh chóng bị bỏ hoang khi IS chiếm đóng 2 năm trước.
Giờ đây, Haji Hussein lại tái sinh ở Baghdad, trong tòa nhà cao tầng tại Mansour, đem lại hồi ức xa xưa cho nhiều người.
Mohammed Hussein, thừa kế nhà hàng kể từ khi ông nội mở vào những năm 30 thế kỷ trước, khi Falluja là vùng đất nông nghiệp của các bộ lạc.
Nhà hàng đẹp đẽ giữa khu phố tối nào cũng đông kịt, khách đặt phải chờ tới 15-20 phút để có chỗ ngồi. Đây là điều không tưởng ở Iraq.
Mới đây khi quân đội chính phủ tiến vào Falluja, mọi người dường như chỉ bàn tán về Haji Hussein. Nhà hàng lọt vào ống kính của cảnh sát, trên TV, trong những tin vắn về chiến sự. Cánh phóng viên, nhà báo nói đầy hy vọng rằng nhà hàng sẽ sớm hoạt động trở lại.
Tuy nhiên thực tế không như mong đợi. Hussein không dám xem bản tin, nhưng việc quân đội Iraq san đã san bằng nhà hàng vì các chỉ huy IS chọn đó làm nơi gặp mặt vẫn lọt vào tai anh.
Năm 2004, quân đội Mỹ cũng đánh bom tòa nhà khi nhận được tin một thủ lĩnh al-Qaeda mà sau này tham gia IS đang dùng bữa tại đây. Gia đình Hussein cũng xác nhận rằng phiến quân và những kẻ nổi dậy thường xuyên tới đây ăn uống, thậm chí còn là nơi họp mặt quen thuộc.
Nhân viên và bếp đều chỉn chu
Cảnh tượng đông đúc từ tối tới sáng sớm cũng tương tự như xưa. Ở bãi xe, bảo vệ dò chất nổ từng chiếc ô tô, một người đàn ông bán bóng bay, xung quanh là những người ăn mày. Những nhân viên cũ từ Falluja cũng chuyển hẳn về đây, như vậy mùi vị các món ăn quen thuộc như mezze vẫn được giữ nguyên, đặc biệt là kebab bọc trong sốt vừng kèm dưa hấu, dưa chuột, salad cà chua và súp. Ngoài ra cũng có nhiều món hoàn toàn mới như masgoof (cá trê đồng nướng), cơm gà mandi của Yemen hay cơm gà sốt cà tím từ vùng Palestine.
Khi được hỏi nhà hàng đã phải tu sửa và làm lại bao nhiêu lần, Hussein ngẫm nghĩ rồi trả lời: "Nhiều quá không đếm được". Hồi còn ở chỗ cũ, Hussein trở thành khách quen của tiệm kính. "Nghe giọng tôi là anh ta hỏi "Cỡ bao nhiêu". Anh ta thuộc hết các loại cửa trong nhà hàng của tôi", Hussein kể. Thỉnh thoảng cũng có một người khách Mỹ nhưng chủ hàng khá xa cách. "Chúng tôi thường không làm thân với họ. Tôi chào, anh ta chào lại, vậy thôi."
Haji Hussein bị phá hủy hồi 2004
Hussein nhận xét kể cả khi IS rút đi, hòa bình khó mà lặp lại ở Falluja nếu không có thỏa thuận giữa hai cộng đồng Hồi giáo Sunni và Shiite. Có nhiều lý do người Hồi giáo Sunni gia nhập IS. Là quốc gia mà người Shite chiếm chủ yếu, họ thường xuyên bị o ép hay bắt giữ không có lý do. Nhưng ít nhất vào lúc này, người Shiite và Sunni khá hòa bình trong Haji Hussein. Họ ăn sáng cách nhau khoảng 15 phút. Vào buổi tối, nhóm Shiite quay về TV bật đài trung ương Iraq, còn người Sunni quay về chiếc TV chiếu kênh riêng phía bên kia.
Anas al-Sarraf, nhà phê bình ẩm thực duy nhất tại Baghdad đánh giá chất lượng và dịch vụ của Haji Hussein rất cao trên Facebook "Baghdad Restaurant Guide" của anh. Một người Iraq xa quê bình luận tiếc nuối: "13 năm nay tôi chưa từng ăn đồ Iraq, đặc biệt là kebab của Hussein. Nếu có thể, tôi muốn quay lại đây một lần nữa"
Một thực khách bên TV chiếu bản tin cập nhật tình hình Falluja
Trong bếp, cháu Hussein là Marwan Mohammed đang nướng thịt. Mới 26 tuổi, nhưng anh đã học việc từ năm lên 8. Mohammed cho biết bí quyết cho món kebab là thịt cừu tươi thay vì nhập khẩu như các nhà hàng khác. Gia đình có riêng một trang trại và chỉ dùng sản phẩm giết mổ ngay trong ngày. Cừu cũng được cho ăn theo chế độ nghiêm ngặt chứ không thả rông để bới rác.
Tuy ăn nên làm ra, Hussein vẫn đau đáu nhớ về Falluja. "Quê hương là nơi thiêng liêng với tôi. Tim tôi vẫn đập mạnh mỗi khi nhớ đến", Hussein bắt đầu rơi lệ khi mô tả Falluja những ngày xưa cũ.
"Cộng đồng bộ lạc là những người sống giản đơn. Không hề có khách sạn. Khách viếng thăm cứ việc ở lại nhà dân thôi", anh kể.
Theo Mẫn Di
Dân Việt