Người Trung Quốc cúng bánh ngọt vào lễ ông Công ông Táo
(Dân trí) - Người dân Việt Nam và Trung Quốc đều thờ ông Táo, nhưng quan niệm của mỗi nước và những nghi lễ trong ngày này lại khác nhau.
Theo quan điểm tín ngưỡng, người Việt Nam và Trung Quốc đều thờ cúng ông Công, ông Táo. Nhân vật Táo Quân xuất hiện từ trong văn hóa dân gian Trung Hoa từ rất sớm. Táo Quân trong tiếng Hoa là “Zao Shen” hay “Zao Wang”, trong đó “Zao” chỉ “cái bếp lò”. Bởi vậy, Táo Quân được coi là vị thần cai quản việc bếp núc trong gia đình.
Theo tương truyền, ngày 23 tháng Chạp hàng năm sẽ là thời điểm ông Táo bay về chầu trời, bẩm báo với Ngọc Hoàng những điều tốt xấu trong năm của gia chủ. Qua đó, Ngọc Hoàng sẽ ban thưởng hoặc định tội gia đình đó. Vì thế, vào ngày này, mọi nhà đều lau chùi bếp núc sạch sẽ, làm mâm cơm để cúng thần Táo.
Từ xa xưa, mâm cơm cúng ngày 23 tháng Chạp của người Trung Hoa không thể thiếu món bánh nian gao. Đây là một loại bánh ngọt được làm từ gạo nếp rất dẻo và ngọt. Người dân tin rằng, bánh ngọt giúp Táo Quân chỉ nói những điều ngọt ngào dễ nghe, còn gạo nếp sẽ khiến miệng dính chặt, Táo Quân không bẩm báo với Ngọc Hoàng những điều xấu. Đôi khi, người ta còn bôi mật ong hay mạch nha lên miệng tượng Táo Quân khi cúng bái với niềm mong ước tương tự.
Sau lễ cúng, người Trung Quốc sẽ mang bức tranh ông Táo dán trong bếp đi đốt hoặc lau rửa bức tượng rồi để lại vị trí cũ. Họ sẽ thay một bức tranh ông Táo mới khi lễ cúng được hoàn tất. Khác với văn hóa Việt Nam, người Trung Quốc không có nghi lễ phóng sinh cá chép về trời, nhưng một số gia đình có thể đốt ngựa giấy vì họ tin rằng đây là phương tiện giúp ông Táo di chuyển.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, phong phục đón Tết cổ truyền, trong đó có nghi lễ thờ cúng ông Táo của người Trung Quốc làm ngày một giản tiện cho phù hợp nhịp sống mỗi gia đình.
Quốc Việt
Theo Sin/News