Ngôi làng nổi danh thế giới nhờ công trình kiến trúc có một không hai
Các ngôi nhà có cấu trúc như một pháo đài ở miền nam Trung Quốc đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới.
Các thổ lâu được xây dựng bởi người Khánh Gia trong thời gian từ thế kỷ thứ 12 đến thế kỷ thứ 20 ở miền nam Trung Quốc. Các công trình được xây dựng bằng đất nện và có hình tròn hoặc vuông với hướng mở quay vào trong, tạo thành một khối kiến trúc vừa thích hợp làm nhà ở cho nhiều gia đình, vừa thích hợp để phòng thủ và chống trộm cướp.
Hàng nghìn thổ lâu được xây dựng khắp miền nam Trung Quốc, nhưng chỉ 46 công trình trong này được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2008 và có tên gọi chính thức là Phúc Kiến Thổ Lâu.
Các cấu trúc thổ lâu có thể được xây dựng một tầng hoặc như pháo đài kiên cố với tường dày 1,8m, lỗ châu mai và cửa bọc thép. Một số thổ lâu được xây dựng cao 5 tầng và đường kính 70m với khoảng 60 phòng ở mỗi tầng.
Nội thất của các thổ lâu chủ yếu được làm bằng vật liệu gỗ. Những công trình cao 3 hay 4 tầng có cầu thang gỗ. Tường của các tòa nhà được làm từ đất nện bao gồm hỗn hợp đất, trẻ và gạo nếp. Trong khi đó, mái được lợp bằng ngói xám.
Kết cấu xây dựng này giúp bên trong các ngôi nhà luôn mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa động.
Mỗi thổ lâu chỉ có một lối vào duy nhất. Các cửa được thiết kế tương đối nhỏ nhằm mục đích đề phòng trộm cắp và phòng thủ.
Cuộc sống của người dân tại các thổ lâu mang lại trải nghiệm thú vị cho du khách. Trà và trái cây được bán ngay cạnh địa điểm chúng được phơi khô. Tại một số thổ lâu, người dân lập ra một khu chợ nơi họ bán đồ thủ công, tranh và ảnh phong cảnh địa phương.
Vào những năm 1980, các vệ tinh của Mỹ từng nhầm lẫn các thổ lâu với hầm phóng tên lửa của Trung Quốc vì chúng có hình giống bánh rán.
Theo Huy Phong
Dân Việt