Ngây ngất với những trải nghiệm chỉ có ở miền Tây
(Dân trí) - Miền Tây đã trở thành điểm đến tuyệt vời cho những ai yêu thích sông nước. Một ngày rong ruổi trên xuồng ba lá, lắng nghe đâu đó tiếng đờn ca tài tử, cùng trải nghiệm trò tát mương, bắt cá như những người nông dân... ắt hẳn sẽ là những trải nghiệm khó quên trong chuyến hành trình khám phá miền Tây.
Ngồi thuyền khám phá sông nước
Với địa hình chủ yếu là kênh rạch chằng chịt, được sông nước bao quanh, miền Tây là nơi lý tưởng để du khách ngồi thuyền thăm thú đời sống người dân địa phương.
Những cơn gió mát lộng cùng điệu hò trên mũi thuyền sẽ mang lại cho bạn ấn tượng khó quên. Ngồi thuyền và len lỏi qua các con lạch, nhánh sông giúp bạn cảm nhận trọn vẹn một miền Tây rất đỗi giản dị, thanh bình.
Bên cạnh chèo thuyền, chụp hình, bạn đừng bỏ qua việc lắng nghe tiếng chim hót, tiếng cá quẫy nước. Nếu may mắn đi ngang những cây ăn trái ven bờ, bạn sẽ được dịp tự tay hái ăn và xuýt xoa với hương vị ngon ngọt của cây trái miền Tây.
Lội bùn tát mương, bắt cá
Sẽ không gì thú vị khi về miền Tây mà không xắn quần lội mương, tát nước bắt cá. Đây được xem là một nét văn hóa sông nước đặc trưng mà hiếm nơi nào có được. Hiện nay, hoạt động này được khai thác như một dịch vụ du lịch hút khách của nơi đây.
Sau khi vùi mình dưới lớp bùn lầy đã mệt nhoài, chắc chắn bạn sẽ rất thích thú với một bữa ăn toàn những con cá béo tròn, chắc thịt do chính tự tay mình bắt được.
Ghé thăm vườn trái cây
Những khu vườn quanh năm sum xuê trái là đặc sản của các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Tùy theo mùa và thời điểm mà các vườn này có các loại trái cây khác nhau. Đến miền Tây vào mùa này bạn có thể ghé đến những địa điểm vườn trái cây nổi tiếng để thưởng thức như: Mỹ Khánh (Cần Thơ), Cù lao An Bình (Vĩnh Long), Cái Mơn (Bến Tre), Cái Bè (Tiền Giang),…
Nghe đờn ca tài tử
Giữa miền sông nước mênh mang và miệt vườn trù phú, cuộc sống của những người dân miền Tây Nam bộ còn nhiều gian khó, nhưng chính từ cuộc sống ấy, những khúc dân ca, cải lương, tân cổ giao duyên đã ra đời, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân.
Đây là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng. Những câu ca, vọng cổ, cải lương trên nền tiếng đàn bầu mộc mạc từ lâu đã thấm thía vào tâm hồn của nhiều thế hệ. Có những lúc, khi đang thả bước dạo quanh mảnh đất đầy mến thương này, bạn có thể nghe văng vẳng đâu đó những giai điệu đầy da diết. Nhưng bạn sẽ có một cảm giác đặc biệt hơn khi thưởng thức các khúc ca vào một buổi tối trăng rằm hoặc khi chèo thuyền trên sông.
Đi cầu khỉ
Để thuận lợi cho việc di chuyển ở nơi nhiều kênh rạch chằng chịt như miền Tây, người dân tự sáng chế ra những chiếc cầu với các thân tre hay thân gỗ có tay vịn. Những chiếc cầu khỉ ra đời gắn liền các hoạt động sản xuất nông nghiệp của người nông dân như: trồng lúa, cây ăn quả, hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Cầu khỉ là nét đặc trưng rất riêng của vùng sông nước miền Tây. Vì vậy, không ít du khách khi vừa đặt chân đến miền Tây đã mong muốn được thử cảm giác đi trên chiếc cầu này.
Đi chợ nổi
Nhắc tới miền Tây, người ta nghĩ ngay tới những khu chợ nổi cùng sự đan xen dày đặc của các ghe thuyền trĩu trịt hoa trái. Về miền Tây, nếu bạn chưa ngồi xuồng lênh đênh sông nước đi chợ nổi thì coi như chưa đặt chân tới mảnh đất này.
Du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những xuồng nhỏ mời mua hoa trái đặc sản của vùng. Những xuồng này chủ yếu phục vụ khách du lịch và giá cả cũng tính theo dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự nồng hậu, mến khách mà người dân nơi đây luôn thể hiện bằng nụ cười chất phác, hiền lành mỗi khi gặp gỡ.
Một số chợ nổi nổi tiếng của du lịch miền Tây là: chợ nổi Cái Bè (nằm ở đoạn sông Tiền giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre), chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang), chợ nổi Châu Đốc (An Giang), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Phong Điền (Cần Thơ).
Thăm các sân chim
Nói đến sân chim miền Tây thì phải nhắc đến vườn quốc gia Tràm Chim đầu tiên. Hàng năm mỗi khi con nước tràn về, Tràm Chim lại khoác lên mình tấm áo mới đầy sắc màu cùng vũ điệu rực rỡ của thiên nhiên.
Ngoài ra, đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 30 sân chim lớn nhỏ nằm rải rác trên các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang… (riêng hai tỉnh Kiên Giang, Cà Mau đã có hơn 10 vườn chim). Có những vườn chim hình thành từ rất lâu, rộng hàng trăm ha, như vườn chim ở rừng U Minh Thượng, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), vườn chim Ngọc Hiển (Cà Mau).
Ẩm thực phong phú
Nhắc đến miền Tây, không thể không kể đến những món ăn với nguyên liệu tươi ngon, dân dã, cách chế biến đơn giản nhưng đem lại cảm giác ngon miệng và hương vị không lẫn vào đâu được.
Cá lóc nướng trui, cơm nắm muối mè, lẩu mắm, bún mắm,… đều là những món đặc sản mà khi du lịch Tây Nam bộ bạn nhất định phải thưởng thức. Vì dù những món ăn này cực kì phổ biến, nhưng chỉ có ở miền Tây, với nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú và bàn tay của con người nơi đây mới tạo ra những món ăn đậm đà hương vị nhất.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp