Nếp nương đồ trong ống nứa của người Mường khiến thực khách "mê tít"
(Dân trí) - Xuất phát từ việc người dân phải đi rừng vất vả từ sáng sớm đến tối muộn, họ phải mang theo một chút gạo để khi đói sẽ chặt ống nứa ở rừng, bỏ gạo và nước suối vào nướng lên thành cơm lam ngày nay.
Đã bao đời nay, cơm lam hiện hữu trong đời sống của người dân tộc Mường ở Kim Bôi, Hòa Bình. Cơm lam đơn giản chỉ là cách gọi quen thuộc của người dân ở đây với cách nấu cơm bằng ống nứa (người Mường gọi là ống hóp).
Anh Bùi Đức Tiệp, người dân tộc Mường ở xã Hạ Bì (Kim Bôi, Hòa Bình) có nhiều năm kinh nghiệm làm cơm lam cho biết: "Xưa kia, mỗi lần người dân lên núi làm nương từ tinh mơ đến tối mịt mới về. Tiện có con dao đeo bên hông và cánh rừng nứa bạt ngàn, người dân nghĩ ra cách mang theo gạo nếp nương và muối vừng để thổi cơm trong ống nứa, chấm với muối vừng ăn rất ngon lại no lâu".
Hòa Bình cũng là cái "nôi" của các loại gạo nếp nương dẻo nổi tiếng nên ngày nay cơm lam đã trở thành một sản phẩm du lịch được mọi người biết đến. Để tạo được những hạt cơm lam dẻo và thơm, phải chọn loại gạo nếp nương có hạt vừa phải, thuôn dài, trắng và thơm. Gạo ngâm từ 8-10 tiếng, sau đó để ráo nước và cho vào ống nứa.
Phải chọn ống nứa bánh tẻ, không được quá già hoặc quá non. Bởi hương thơm từ ống nứa sẽ quyện cùng hương thơm của gạo nếp khi nướng, tạo nên mùi vị đặc trưng của món cơm lam ở Kim Bôi.
Khi đổ gạo vào các ống nứa không được nén quá chặt. Sau cùng, dùng lá cơm nếp cuộn chặt lại, bịt kín miệng ống rồi xếp lên bếp nướng. Xưa kia, người dân nướng cơm lam bằng củi, nhưng ngày nay chủ yếu sử dụng than bởi nó giữ nhiệt tốt, cơm chín đều.
Cơm được nướng trong khoảng 50 phút, phải trực tiếp canh lửa và xoay cơm lam thường xuyên, giữ lửa vừa phải. Nếu thấy mùi thơm từ ống lam bay ra có nghĩa là cơm sắp chín.
Sau khi cơm chín được mang ra để gọt lớp vỏ ống lam bị cháy đen. Gọt, vót cũng đòi hỏi rất cầu kỳ, khéo léo để không bị lẹm vào phần cơm.
Để món cơm lam thêm hấp dẫn, du khách có thể ăn chung với thịt gà, thịt nướng nhưng ngon nhất vẫn là chấm muối vừng. Khi ăn, cơm có vị ngọt, bùi và hương thơm rất đặc trưng của tre, nứa quyện với hương thơm của lúa nếp nương.
Từ khi du lịch phát triển ở địa phương, cơm lam trở thành đặc sản ở được du khách yêu thích nên mang lại lợi ích về kinh tế cho hàng trăm hộ gia đình trên các điểm tham quan, du lịch của huyện Kim Bôi như: Khu du lịch Suối khoáng, Cửu Thác, Thác Mặt Trời…
Anh Tiệp cũng cho biết thêm, để món cơm lam bắt mắt, anh tạo màu tím của lá cẩm, màu xanh của lá dứa và màu vàng từ củ nghệ. Giã, xay các loại lá này rồi lọc lấy nước ngâm cùng gạo. Hiện nay, theo nhu cầu của du khách, gia đình anh còn trộn gạo nếp cùng cùi dừa nạo sợi.
Khi ăn món đặc sản này, thực khách tách thật khéo léo để lớp cơm bên trong không dính vào ống nứa. Những hạt gạo nếp nương thơm dẻo hòa quyện cùng vị béo ngậy của cốt dừa chắc chắn sẽ mang lại những hương vị hấp dẫn cho thực khách khi đến với miền sơn cước này.
Ống cơm lam của người Mường thường nhỏ hơn và có mùi vị khác với cơm lam của các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn…
Các dịp lễ hội, ngày nghỉ, du khách kéo về tham quan đông, có ngày anh Tiệp bán được hơn 200 ống cơm.
Có thể nói, cơm lam không chỉ làm phong phú thêm ẩm thực của người Mường mà nó còn góp phần quảng bá văn hóa Mường Hòa Bình nói chung, huyện Kim Bôi nói riêng tới du khách khi đến tham quan du lịch.