Món cháo Quảng Trị có tên gọi lạ, khách thưởng thức không cần thìa
(Dân trí) - Không giống với các món cháo nổi tiếng khác, cháo vạt giường của vùng đất Quảng Trị khiến thực khách nhớ mãi bởi nguyên liệu đặc biệt và cách thưởng thức "có một không hai".
Nếu có dịp ghé thăm Quảng Trị, du khách sẽ được nghe và giới thiệu về một trong những món ăn nổi tiếng nhất vùng đất đầy nắng và gió này. Đó chính là cháo cá vạt giường (hay còn gọi là bánh canh cá lóc, cháo bột Hải Lăng).
Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì món cháo này được chế biến từ hai thành phần nguyên liệu chính là bánh canh và cá lóc (hay cá quả, cá chuối). Đây cũng là nét khác biệt làm cho đặc sản cháo cá vạt giường có cách thưởng thức độc đáo "có một không hai", không bị hòa lẫn với bất kỳ món cháo nổi tiếng nào khác.
Tuy là món ăn dân dã đối với người dân Quảng Trị nhưng cháo cá vạt giường đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu đến quá trình chế biến.
Không giống với các món cháo nấu từ gạo ninh nhừ, mềm nhuyễn, cháo cá vạt giường được làm từ phần bột cán mỏng, thái thành từng sợi nhỏ vừa ăn. Vì bột được thái mỏng, dài trông giống như những thanh tre của vạt giường nên món ăn cũng có tên gọi bắt nguồn từ đó.
Tùy từng nơi mà người ta nấu cháo cá vạt giường từ bột gạo, bột lọc hoặc bột mì nhưng phổ biến nhất vẫn là bột gạo. Gạo phải chọn loại thơm ngon, không quá dẻo hay quá khô.
Người ta đem gạo vo sạch, ngâm nước khoảng 2 tiếng đồng hồ rồi mang đi xay nhuyễn. Cho gạo xay vào tấm vải sạch, buộc chặt rồi dùng vật nặng để đè lên trên cho gạo ráo hết nước, chờ thu được phần bột khô thì đem ra nhào.
Bột phải nhào đều tay cho dẻo, mịn và có độ dai nhất định. Bột không được quá ướt hay quá khô để khi nấu, sợi bột không bị nát hoặc cứng. Đây cũng được xem là công đoạn quan trọng quyết định đến chất lượng của món cháo vạt giường.
Ngoài phần bột được tuyển chọn kỹ càng thì cá lóc cũng cần lựa khéo léo. Những con cá đạt chất lượng phải có kích thước to vừa, thịt săn chắc. Cá ngon thì khi nấu cháo mới tạo được độ ngọt cho nước dùng.
Cá tươi mua về đem đánh vảy, rửa sạch. Phần lòng cá được sơ chế sạch sẽ, giữ lại chứ không bỏ đi như các món khác rồi tẩm ướp gia vị và xào lăn qua cho bớt mùi tanh. Lòng cá được xem là điểm nhấn góp phần làm tăng vị béo ngậy cho món cháo vạt giường.
Luộc cá chín rồi lọc cẩn thận để lấy thịt, loại bỏ xương. Tiếp tục ướp phần thịt cá vừa lọc được với gia vị như muối, tiêu, nén, ớt, nước mắm rồi xào chín cho dậy mùi thơm. Đầu và xương cá được đem hầm lấy nước, nêm nếm gia vị thành cho món cháo thêm đậm đà. Khi nước sôi, cho sợi bột thái mỏng vào đun cùng.
Khi có khách gọi món, người bán mới múc cháo ra tô, thêm thịt cá lóc và gia vị lên trên. Món cháo này được ăn kèm với lá nén thái nhỏ, hành phi thơm hoặc củ nén muối chua. Đặc biệt không thể thiếu vài lát ớt cay hoặc hạt tiêu tươi khiến thực khách vừa ăn vừa "toát mồ hôi" với vị tê tê đầu lưỡi.
Một điều thú vị khác nữa là người ta ăn cháo cá vạt giường bằng đũa thay vì sử dụng thìa như các món cháo thông thường. Cách thưởng thức thú vị này cũng là điểm nhấn đặc biệt khiến thực khách nhớ mãi đặc sản "có một không hai" của vùng đất Quảng Trị.
Nếu có dịp thưởng thức cháo cá vạt giường, thực khách sẽ cảm nhận được sợi bột mềm dẻo, hơi dai hòa quyện với nước dùng ngọt thơm, có độ mặn mà của thịt cá và chút cay nồng từ hạt tiêu, ớt. Nhất là vào những ngày thời tiết chuyển lạnh, được ăn một bát cháo vạt giường nóng hổi, nghi ngút khói thì còn gì tuyệt vời hơn.