Gia Lai
Mạo hiểm với môn thể thao dù lượn trên núi lửa Chư Đăng Ya
(Dân trí) - Du khách không chỉ được ngắm hoa dã quỳ mà còn tận mắt chiêm ngưỡng những cánh dù lượn bay trên ngọn núi lửa Chư Đăng Ya huyền thoại. Với sự xuất hiện của môn dù lượn đã hấp dẫn hàng nghìn du khách đến tham quan và tạo điểm nhấn cho lễ hội.
Nằm trong khuôn khổ lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya 2018, điều mà người dân mong chờ rất lâu là được chiêm ngưỡng tận mắt môn thể thao dù lượn. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, hơn 52 phi công đến từ CLB Dù lượn Sài Gòn và phi công của Đà Nẵng, Hà Nội đã thay nhau bay lượn trên trên ngọn núi lửa Chư Đăng Ya và ngọn núi Chư Nâm cao chót vót…
Trao đổi với chúng tôi, anh Dương Trọng Hiếu (Thành viên Ban huấn luyện CLB Dù lượn Sài Gòn) cho biết: “Môn thể thao dù lượn được xếp vào những một môn thể thao nguy hiểm nên yêu cầu mỗi phi công phải được tập huấn, đào tạo trong một thời gian dài. Cùng với đó, những yêu cầu kỉ luật và sự tính toán cụ thể về địa hình, địa lý trước khi cất cánh..”.
Trước đó, đầu năm đoàn đã về tiến hành khảo sát và bay thử. Thông qua sự ủng hộ của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cùng cơ quan cấp huyện, xã đã hỗ trợ để lồng ghép môn thể thao dù lượn vào chuỗi chương trình trong lễ hội.. Theo anh Hiếu chia sẻ: “Ngọn núi lửa Chư Đăng Ya là một địa hình lý tưởng, như về dốc khoảng 70 độ và cao hơn 100m giúp cho các phi công có thể cất cánh nhanh. Điều kiện xung quanh trống, không vật cản, cùng tốc độ gió từ 3- 5m, giúp cho các phi công có thể bay lượn lâu thêm được vài phút trước khi tiếp đất. Đặc biệt, ngọn núi Chư Đăng Ya là một địa điểm có thể cất cánh được 3 hướng: Đông, Đông Bắc, Nam, kể cả Bắc đối với những phi công điều luyện và có kĩ thuật tốt…”.
Vừa hạ cánh tiếp đất, Phạm Tuấn (Phi công đoàn Sài Gòn) hào hứng nói: “Mỗi địa điểm đều mang lại cho phi công một cảm giác mới lạ và đặc biệt là một góc nhìn từ trên cao có thể nhìn cả thành phố…Đối với ngọn núi Chư Đăng Ya, tôi đánh giá là một địa điểm bay lý tưởng nhất bởi sức gió và độ cao dốc giúp cho tôi không mất nhiều thời gian trong việc cất cánh. Cùng với đó, độ gió đây vào khoảng 3 – 5 m giúp tôi lượn và thực hiện các động tác kĩ thuật trên không trong một thời gian rất lâu…”.
Để có thể bay lượn thuần thục trên không như thế này, tôi đã phải tập luyện hàng năm trời với những huấn luyện viên chuyên nghiệp. Việc đầu tư cho bộ môn thể thao này cũng khá cao với chi phí khoảng từ 50-60 triệu đồng cho một bộ dù và một số đồ bảo hộ”, anh Tuấn cho biết thêm.
Vượt hàng chục ki-lô-mét từ huyện Ia Grai lên về thăm quan lễ hội Chư Đăng Ya, chị chị Nguyễn Thị Hà (Thị trấn Ia Kha, Ia Grai) còn trèo lên ngọn núi lửa để tận mắt chứng kiến các phi công lượn trên ngọn núi lửa. Chị Hà bộc bạch: “Môn thể thao này tôi thường chỉ thấy trên ti vi giờ mới được chứng kiến tận mắt. Tôi thấy các phi công rất giỏi vừa bay và thực hiện nhưng pha lượn từ trên độ cao cả trăm mét và không hề sợ hãi. Tôi rất mong muốn, những năm sau một dù lượn này sẽ tiếp tục tổ chức và cho du khách cùng bay trên dù lượn để cảm giác thật sự…”.
Lễ hội hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2018 được diễn ra từ ngày 10 - 13/11/2018 tại nhà Rông làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Pah. Lễ hội năm nay đã mang đến cho du khách nhiều thú vị và hấp dẫn. Khi đến với lễ hội, du khách được chiêm ngưỡng biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng; đan lát; dệt thổ cẩm, tạc tượng do chính đôi bàn tay người đồng bào Banar, Jrai…làm ra. Ngoài ra, lễ hội đã phục dựng lại nguyên bản một số lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn và các hoạt động thể thao như: đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ.
Phạm Hoàng