Lên vùng cao Sa Pa săn “đặc sản” mây luồn
(Dân trí) - Cứ dịp đầu xuân các nhiếp ảnh gia, cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên, từ trong Nam tới ngoài Bắc lại rủ nhau lên vùng cao Sa Pa săn “đặc sản” mây luồn tuyệt đẹp.
Anh em chụp ảnh chuyên nghiệp coi mây luồn là “đặc sản” của Sa Pa vì chỉ có loại mây đặc biệt này mới tạo nên những bức ảnh phong cảnh mây núi của "Thành phố trong sương" đẹp như tranh thủy mạc.
Theo kinh nghiệm chụp ảnh của "Ông vua ảnh phong cảnh Việt Nam" - nghệ sỹ nhiếp ảnh Hoàng Thế Nhiệm- người đã hơn 30 lần từ Sài Gòn bay ra Hà Nội để lên Sa Pa sáng tác ảnh nghệ thuật, mây luồn chỉ xuất hiện ở vùng núi cao Sa Pa và Y Tý của tỉnh Lào Cai mỗi khi tết đến, xuân mới về.
Ngoài thời gian kể trên mây luồn không bao giờ xuất hiện, do đó dù mắc công chuyện thế nào đi nữa, nhiều nhà nhiếp ảnh ở thành phố Hồ Chí Minh hay thủ đô Hà Nội vẫn dành vài ngày đi săn mây luồn Sa Pa- Y Tý. Bởi họ cho rằng chụp ảnh Sa Pa mà không có hình ảnh mây núi giao duyên với đồng ruộng, phố phường, rừng cây, bản làng... khó có những bức ảnh tuyệt mỹ về Sa Pa.
Anh em văn nghệ sỹ vùng núi Tây Bắc thường nghe kể giai thoại về cố nghệ sỹ nhiếp ảnh Võ An Ninh “cây đại thụ trong làng nhiếp ảnh Việt Nam” đã phải ăn trực, nằm chờ hàng tuần ở Sa Pa cách đây hơn nửa thế kỷ khi ông đi chụp ảnh hoa đào Sa Pa còn thiếu ảnh dải mây núi bay qua rừng đào Ô Quý Hồ.
Bức ảnh "Nét thủy mạc Sa Pa" của nghệ sỹ nhiếp ảnh Võ An Ninh chụp phong cảnh nhà thờ đá Sa Pa huyền ảo trong mây núi Hoàng Liên đã có vinh dự được chọn treo trong phòng khách của Tổng bí thư Trường Chinh.
Ở vùng du lịch Sa Pa có 3 nơi chụp ảnh mây luồn đẹp nhất là trên sân Mây của khu du lịch sinh thái núi Hàm Rồng cao gần 2.000 mét so với mặt nước biển, rừng sa mộc thôn Hang Đá xã Hầu Thào và đỉnh đèo Ô Quý Hồ cao nhất Việt Nam (cao 2.090 mét) nằm giáp ranh giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu.
Một số nghệ sỹ nhiếp ảnh ở tỉnh Lào Cai có cơ hội ghi lại được những khoảnh khắc đẹp như mơ ở vùng núi Sa Pa là họ đã phải lăn lộn hết ngày này, tới ngày khác, từ mờ sáng đến chiều tối mới có được những bức ảnh ưng ý nhất vì mây luồn xuất hiện rất bất ngờ và “biến mất” rất nhanh.
Do đó từ sau Tết nguyên đán Ất Mùi 2015 tới nay ngày nào cũng có những đoàn phó nháy từ nhiều nơi lên Sa Pa và Y Tý đi săn mây luồn. Đi săn ảnh mây luồn Sa Pa ngoài kinh nghiệm còn có sự may mắn như các cần thủ giỏi phải gặp được hồ nước có nhiều cá to, không có vẫn phải về tay không như thường.
Tin và ảnh: Phạm Ngọc Triển