Lên Lũng Vân - "nóc nhà của xứ Mường"
Chúng tôi lên Lũng Vân, “nóc nhà của xứ Mường” ở huyện Tân Lạc, Hoà Bình. Từ thị trấn Mường Khến, qua Địch Giáo, đường đèo Dốc Mùn dài 13 km ngược lên những triền núi chìm trong mây, thấp thoáng những mái nhà sàn như trong một bức tranh thuỷ mặc.
Trong bốn xứ Mường- Mường Bi, Mường Thang, Mường Thàng, Mường Động, Lũng Vân nằm ở độ cao 1.200 mét cao nhất của Mường Bi,vùng đất cổ xưa gắn với truyền thuyết “Đẻ Đất, Đẻ Nước”, được bao bọc bởi các ngọn núi. Tên gọi Mường Bi gắn với câu chuyện từ xa xưa, khi có trận đại hồng thuỷ, con người trôi dạt, sống sót nhờ vào một gốc cây Bi khổng lồ để khi nước rút, ở lại khai khẩn, làm ăn, sinh sôi nảy nở, tạo dựng cuộc sống ở vùng này.
Cuộc sống của người dân Lũng Vân qua bao đời vẫn lưu giữ những yếu tố làm nên bản sắc văn hoá của dân tộc Mường: Những thửa ruộng bậc thang theo nếp canh tác cổ; thiết chế xóm bản, những mái nhà sàn với nét kiến trúc riêng cho cuộc sống nhiều thế hệ; trang phục váy áo với những hoa văn đặc sắc; những lễ hội dân gian vang tiếng cồng, khèn lù và các điệu hát dân ca truyền thống, như hát thường đang (mừng nhà mới), hát bọ mẹng (giao duyên) và nhiều hình thức sinh hoạt cộng đồng khác.
Là những người từ Hà Nội lên đây, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến Lũng Vân là sự yên tĩnh, thanh bình, và đặc biệt bầu không khí rất sạch. Hít căng lồng ngực không khí trong lành buổi sớm, phóng tầm mắt ra những cánh rừng, ngọn núi xa xa, đón làn gió mát hơi sương, một cảm giác nhẹ nhõm, lâng lâng lan truyền trong cơ thể.
Nhà báo Nhan Hữu Sinh, người đã hàng chục năm gắn bó với Hoà Bình, đi cùng đoàn, cho biết: Chính nhờ môi trường khí hậu trong lành, cuộc sống yên bình, chỉ với hơn 400 hộ gia đình, Lũng Vân có hàng chục cụ già sống trên 100 tuổi. Cách đây không lâu, lãnh đạo tỉnh Hoà Bình đã lên Lũng Vân thăm và mừng thọ cụ Bùi Thị Ón ở xóm Chiềng nhân dịp cụ tròn 105 tuổi. Gia đình cụ Ón có 5 thế hệ sinh sống. Các con cháu chắt của cụ đều hiếu thuận chăm chỉ học tập và làm ăn.
Người Lũng Vân gần gũi và thân thiện. Khu phố chợ nhỏ, thanh bình. Những người dân hồ hởi mời khách vào uống nước như đã quen thân. Người phụ nữ bế con với nụ cười hiền. Cô bán hàng Hà Thị Hưng ân cần mời khách mua cam vườn nhà vừa bói quả... Ở nghĩa trang nhỏ trên ngọn đồi gần khu trung tâm xã, mấy chục ngôi mộ liệt sĩ nằm sát nhau - những người con của Lũng Vân đã ngã xuống trên các chiến trường về yên nghỉ trên đất quê hương.
Lũng Vân đang thay đổi. Những công trình khá khang trang đang mọc lên. Tuyến đường Lũng Vân- Bắc Sớn- Noong Luông sắp hoàn thành. Người Lũng Vân hôm hôm nay không chỉ trồng lúa, trồng rừng mà còn chăn nuôi gia súc lớn, trồng su su, trồng cam... để đổi mới cơ cấu sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Phát triển du lịch là một thế mạnh ở đây đang được cả tỉnh và huyện Tân Lạc quan tâm. Người ta ví Lũng Vân như một “người đẹp ngủ trong rừng” đang thức giấc. Khách du lịch đến Lũng Vân đang tăng lên. Du khách đến đây để khám phá vẻ đẹp còn khá nguyên sơ của “nóc nhà xứ Mường”, tìm hiểu đời sống văn hoá, nghỉ ngơi với khí hậu trong lành, chụp ảnh cánh đồng mùa lúa chín, săn mây trên các đỉnh núi hay ngắm các hang động, thưởng thức các món ăn đặc sản của người Mường ở Lũng Vân.
Hiện nay và những năm tới đây, việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đi đôi với bảo vệ cảnh quan, môi trường thiên nhiên, giữ gìn bản sắc văn hoá Mường đã được lưu truyền qua bao thế hệ ở Lũng Vân, đang là vấn đế lớn nhất đặt ra trên vùng đất cổ này.
Theo Trần Mai Hưởng
Baotintuc.vn