Khánh Hòa:

“Lao động du lịch học một đằng nhưng làm một nẻo!”

(Dân trí) - “Làm thì trái ngành, tức là học một đằng nhưng làm một nẻo, cũng là trong du lịch nhưng nghề nó khác hẳn, hay là học cử nhân nhưng mà làm thì trình độ nghề. Rõ ràng, giữa đào tạo và sử dụng lao động chưa gắn kết với nhau…”, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Khánh Hòa nhìn nhận.

Ngành du lịch Khánh Hòa đang thiếu một lượng lớn HDV tiếng Trung vì lượng khách này tăng đột biến trong 2 năm qua- Ảnh: Viết Hảo
Ngành du lịch Khánh Hòa đang thiếu một lượng lớn HDV tiếng Trung vì lượng khách này tăng đột biến trong 2 năm qua- Ảnh: Viết Hảo

“Trình độ ngoại ngữ không sử dụng được”

Tại buổi họp về tình hình nhu cầu và khả năng cung ứng nguồn nhân lực ngành du lịch vào sáng 21/3, ông Trần Việt Trung, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết, hiện nay tổng số lao động trực tiếp trong các đơn vị kinh doanh du lịch tại tỉnh này khoảng 27.800 người. Trong đó, lao động trong các cơ sở lưu trú khoảng 25.000 người, còn lại trong các đơn vị lữ hành.

Tại Khánh Hòa có khoảng 600 cơ sở lưu trú, với khoảng 24.000 phòng khách sạn; trong khi đó có gần 230 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, gồm: 48 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, 12 chi nhánh, 7 văn phòng đại diện và 160 công ty lữ hành nội địa.

Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, dự báo đến năm 2020, các doanh nghiệp du lịch sẽ cần thêm khoảng 40.000 lao động trực tiếp, tương đương tăng khoảng 10.000 lao động/năm. Trong đó, cần khoảng 8.000 lao động/năm trong hoạt động lưu trú; khoảng 1.300 lao động/năm trong hoạt động lữ hành.

“Kết quả khảo sát về đánh giá của những nhà tuyển dụng trong khối doanh nghiệp kinh doanh du lịch, có hơn 92% lao động khi tuyển dụng có trình độ ngoại ngữ không đạt yêu cầu đặt ra của doanh nghiệp; rồi thiếu kinh nghiệm làm việc thực tế, phải tổ chức đào tạo lại, tỷ lệ này chiếm hơn 84%”, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa - ông Trần Việt Trung cho hay.

Theo ông Trần Việt Trung, vấn đề cấp thiết hiện nay mà các doanh nghiệp đang cần, đó là chất lượng lao động, nhưng thực tế chất lượng đào tạo không phù hợp với tiêu chuẩn mà doanh nghiệp cần.

“Đa số các vị trí khi tuyển dụng thì trình độ ngoại ngữ không sử dụng được và kỹ năng chuyên môn không đáp ứng được thực tế. Vì thế, giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch vẫn chưa thể có mẫu số chung về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực”, ông Trung nói.

Ông P.Đ.T., Phó Giám đốc Chi nhánh một Công ty Dịch vụ lữ hành đóng tại Nha Trang, cho biết, các sinh viên mà công ty ông nhận về thì các kỹ năng mà doanh nghiệp cần “gần như là con số không” . “50 sinh viên đại học khi tới công ty xin thuyết trình thì được yêu cầu thuyết trình cả tiếng Anh và tiếng Việt. Tuy nhiên, chỉ có một sinh viên duy nhất xin được thuyết trình bằng tiếng Anh!”, ông T. ngán ngẩm. Do đó, đại diện một doanh nghiệp khác cho rằng, cần trang bị cho sinh viên môi trường cọ xát, kỹ năng phỏng vấn, thuyết minh tiếng Anh trước đông người…

Khánh Hoa lo ngại lao động du lịch sẽ thua trên sân nhà nếu không kịp khắc phục chất lượng đào tạo lao động hiện nay - Ảnh: Viết Hảo
Khánh Hoa lo ngại lao động du lịch sẽ "thua trên sân nhà" nếu không kịp khắc phục chất lượng đào tạo lao động hiện nay - Ảnh: Viết Hảo

Phó Chủ tịch Khánh Hòa lo ngại lao động du lịch “thua trên sân nhà!”

Đánh giá về bức tranh nguồn nhân lực du lịch tại Khánh Hòa hiện nay, ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng, lao động trong ngành nghề này hiện đang có quá nhiều bất cập, chất lượng đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

“Làm thì trái ngành, tức là học một đằng nhưng làm một nẻo, cũng là trong du lịch nhưng nghề nó khác hẳn, hay là học cử nhân nhưng mà làm thì trình độ nghề. Rõ ràng, giữa đào tạo và sử dụng lao động chưa gắn kết với nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm du lịch”, ông Hải nhận định.

Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, trong các lĩnh vực hội nhập ASEAN về kinh tế thì có lĩnh vực lao động, việc làm. Do đó, lao động trong nước sẽ cạnh tranh với lao động các nước như: Thái Lan, Philippines, Indonesia… khi lao động trong khối dịch chuyển.

“Về du lịch thì trước hết là tiếng Anh, mà người dám rời nước họ sang nước mình để làm việc thì đương nhiên họ có vốn tiếng Anh. Nếu không chuẩn bị tốt đội hình thì lao động của ta sẽ thất nghiệp trên địa bàn của ta”, ông Hải cảnh báo. Từ thực tế trên, ông Trần Sơn Hải cho rằng, các cơ sở đào tạo cần nỗ lực trong việc “xây dựng thương hiệu”, nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là tập trung vào các ngành nghề mà doanh nghiệp đang cần, còn thiếu.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp cùng sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành một cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc phát triển nguồn nhân lực du lịch nhằm gắn kết giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.

“Nếu cần thiết, có đặc thù riêng thì đề xuất thêm và phải đề xuất thật cụ thể, chứ không thể giải pháp, chính sách nêu chung chung tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao… là không được!”, ông Hải phàn nàn.

Đi cùng với đó, Sở Du lịch Khánh Hòa đứng ra làm cầu nối, trung gian để tổ chức một Hội nghị “gặp mặt” giữa các doanh nghiệp (khả năng đưa vào hoạt động trong 2017-2018) và các cơ sở đào tạo nhằm trao đổi, tìm tiếng nói chung trong việc đào tạo, sử dụng lao động du lịch hiện nay.

Viết Hảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm