Lãnh đạo du lịch chụp ảnh với băng rôn lạ Trung Quốc

"Tôi có xem lại tấm băng rôn, về mặt chính trị thì nó không có gì sai phạm, chỉ có mắc một lỗi là lỗi chính tả".

Cầm băng rôn do Trung Quốc tự làm

 

Đó là khẳng định của ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội, là người tham gia trực tiếp, trước việc dư luận đang xôn xao trước bức ảnh nhiều cán bộ văn hóa, du lịch Việt Nam chụp trong chuyến khảo sát tour du lịch Trung Quốc do Câu lạc bộ Lữ hành Hà Nội UNESCO tổ chức.

 

Trong những bức ảnh được một số thành viên trong đoàn khảo sát đăng trên trang Facebook cá nhân, có hình ảnh đoàn Việt Nam, trong đó có cán bộ của Vụ lữ hành, Tổng cục du lịch (Bộ VHTT&DL) và các cán bộ tại chức cũng như đã về hưu của Sở VH-TT&DL Hà Nội, chụp ảnh cùng đoàn Trung Quốc với tấm băng rôn lớn có dòng chữ tiếng Việt viết không dấu.

 

Nhiều cán bộ ngành văn hóa, du lịch Việt Nam chụp ảnh cùng tấm băng-rôn ở Trung Quốc
Nhiều cán bộ ngành văn hóa, du lịch Việt Nam chụp ảnh cùng tấm băng-rôn ở Trung Quốc



Trong tấm băng rôn, phía trên hàng chữ Trung Quốc là dòng chữ tiếng Việt, nhưng được viết không dấu. Tên nước Việt Nam cũng không được viết hoa, trong khi đó, tên địa danh địa phương Trương Gia Giới (Hồ Nam, Trung Quốc) lại được viết hoa rất lớn: “Nhiet liet chao mung doan lu hanh viet nam Sang tham quan khao sat TRUONG GIA GIOI”.

 

Ông Trương Minh Tiến cho biết, đoàn do CLB lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức, đi sang Trung Quốc trong 6 ngày, nhằm mục đích khảo sát, kết nối tour lữ hành với khu Trương Gia Giới (Hồ Nam, Trung Quốc).

 

Trả lời về bức ảnh có tấm băng rôn viết không dấu và không viết hoa đất nước Việt Nam, ông Tiến giải thích, tấm băng rôn đó là do đoàn Trung Quốc tự làm để chào mừng đoàn Việt Nam.

 

Ông Trương Minh Tiến phân tích: “Theo thông lệ quốc tế thì chữ Trung Quốc (đất nước chào mừng) phải ở bên trên, và chữ Việt Nam (quốc gia được chào mừng) sẽ ở bên dưới. Nhưng đoàn Trung Quốc rất trọng thị đoàn chúng tôi, nên đã phá thông lệ ấy, để chữ tiếng Việt ở hàng trên chữ Trung Quốc. Chứ đây không phải băng rôn do đoàn Việt Nam mang đi".

 

"Tuy nhiên, trong băng rôn phía bạn in để chào mừng đoàn Việt Nam có mắc lỗi sai chính tả. Hôm sau về, nhận được thông tin phản ánh, tôi có xem lại tấm băng rôn, về mặt chính trị thì nó không có gì sai phạm, chỉ có mắc một lỗi là lỗi chính tả. Tôi cho rằng, phía bạn không có ý đồ gì, mà chỉ là do không hiểu ngữ pháp và tiếng Việt”.

 

Giải thích thêm về sự việc có nhiều cán bộ văn hóa, du lịch của Việt Nam đứng chụp ảnh cùng bức băng rôn sai chính tả đó, ông Tiến giải thích: “Trước khi đi, chúng tôi cũng có ý thức, nhưng khi xuống tàu thì người ta đã chờ đón ở đó rồi, nên những chi tiết này, chúng tôi cũng không để ý lắm, giá như chúng tôi để ý, phát hiện ra lỗi chính tả thì sẽ đề nghị bạn là băng rôn này sai lỗi, nên thu lại”.

 

Có mặt trong bức ảnh, ông Mai Tiến Dũng, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội giải thích rằng: “Chúng tôi là khách được phía bạn Trung Quốc mời. Chúng tôi sang đến nơi, họ chuẩn bị tiếp đón rất chu đáo. Còn khẩu hiệu đó, có sơ suất là chữ “Việt Nam” không viết hoa, nhưng chữ “Sang” lại viết hoa.

 

Chúng tôi phát hiện ra, nhưng đây là khẩu hiệu do phía bạn chuẩn bị trước, nên nếu bảo người ta hạ khẩu hiệu đó xuống cũng rất dở. Đúng là có sơ suất đó, và chúng tôi cũng có góp ý với phía bạn là các bạn làm khẩu hiệu, mà chữ “Việt Nam” không viết hoa là không đúng. Phía bạn cũng đã xin lỗi, rút kinh nghiệm”.

 

Liên tiếp mắc sai lầm

 

Đây cũng không phải lần đầu lãnh đạo ngành du lịch gặp các sự cố. Sự việc đáng tiếc, gây xôn xao dư luận, là trong gian hàng tham dự Hội chợ ITB – Berlin 2013, từ ngày 6 đến 10/3/2013, gian hàng Việt Nam đã “treo nhầm” bức ảnh giới thiệu địa danh du lịch nổi tiếng của Trung Quốc.

 

Nhiều cán bộ ngành văn hóa, du lịch Việt Nam chụp ảnh cùng tấm băng-rôn ở Trung Quốc
Tại hội chợ xúc tiến du lịch quốc tế, ngành Du lịch Việt Nam đã quảng bá phong cảnh của nước bạn Trung Quốc



Sự việc được phát hiện khi tối 7/3, trên trang Facebook của một người tên H., đang công tác tại một công ty chuyên về du thuyền ở Việt Nam, đăng một bức ảnh khổ lớn về bức tượng đá cao nhất thế giới có tên Lạc Sơn Đại Phật ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) ngay tại gian hàng của Tổng cục Du lịch Việt Nam.

 

Mặc dù sau đó bức ảnh đã được gỡ xuống, nhưng dư luận trong nước vô cùng bức xúc trước hành xử không chuyên nghiệp của Tổng cục Du lịch.

 

Sau khi xảy ra sự cố đáng tiếc trên, lãnh đạo Tổng cục Du lịch đã đứng ra nhận trách nhiệm toàn bộ sự việc. Tiếp sau đó, cơ quan này đã kỷ luật ba cá nhân gây ra vụ “quảng bá nhầm” tại gian hàng của Việt Nam trong Hội chợ du lịch Berlin (ITB) Đức vào tháng 3/2013.

 

Trước đó, ngày 28/11, tại TP. HCM, Tổng cục Du lịch đã trao giải thưởng Quản lý giỏi - Dịch vụ chất lượng ngành du lịch lần thứ I năm 2013. Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình TP.HCM, có sự hiện diện của lãnh đạo Tổng cục Du lịch và Sở VHTT&DL TP.HCM.

 

Điều trớ trêu là trong số 41 doanh nghiệp du lịch đoạt giải thưởng dịch vụ chất lượng, có một công ty bị Sở VHTT&DL TP.HCM tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trong thời hạn 3 tháng. Đó là trường hợp Công ty TNHH MTV Du lịch In, có trụ sở ở đường Phan Văn Trị, Quận Gò Vấp TP.HCM.

 

Nguyên do, theo ban tổ chức (một đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch), có hai công ty truyền thông cùng tham gia nên việc trao giải "lộn tùng phèo". Ban tổ chức đã không kiểm soát hết.

 

Theo Thái Linh

Báo Đất Việt