Làm sao để khách nhà giàu tới Việt Nam sẵn lòng "dốc cạn túi"?
(Dân trí) - Vị giám đốc kinh doanh một hệ thống khách sạn lớn nhận định, muốn dòng khách cao cấp tới Việt Nam sẵn lòng chi trả thì mọi trải nghiệm và dịch vụ cần chạm tới cảm xúc của khách.
Đặc điểm của dòng khách du lịch cao cấp
Từ nhiều năm qua, những người làm du lịch luôn trăn trở tìm cách định vị thương hiệu du lịch Việt. Thay vì là điểm đến của du lịch giá rẻ, nhiều người mong Việt Nam trở thành điểm dừng chân có chất lượng tốt, đẳng cấp để đón dòng khách cao cấp.
Trên thực tế, Việt Nam đã đón nhiều đoàn khách quốc tế có mức chi tiêu cao ở các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Trung Đông, châu Âu, Mỹ. Gần đây nhất vào tháng 8 là đoàn 4.500 khách Ấn Độ tới Việt Nam.
Tuy nhiên nhìn chung, theo các chuyên gia lượng khách cao cấp có mức chi tiêu cao tại nước ta vẫn ở con số khá khiêm tốn.
Bởi vậy, câu chuyện cần tạo ra những sản phẩm thế nào để "đánh trúng, đánh đúng" dành cho dòng khách này khi họ tới Việt Nam là vấn đề được các nhà quản lý về du lịch, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch cao cấp đặc biệt quan tâm.
Đây cũng là vấn đề được các chuyên gia đưa ra phân tích tại buổi hội thảo Sản phẩm nào cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam 2024 diễn ra ngày 11/10 tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Hoài Bảo, Giám đốc Công ty du lịch Wildtour, đây là tệp khách có mức thu nhập cao muốn tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo, yêu cầu sự tiện nghi và chất lượng cao cùng với đó là dịch vụ cá nhân hóa. Dòng khách này cũng quan tâm đến du lịch bền vững và du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe.
Trong số những loại sản phẩm du lịch cao cấp, đứng hàng đầu là du lịch nghỉ dưỡng tại resort cao cấp với mức chi tiêu của khách từ 1.500 USD đến 10.000 USD/đêm (37 triệu đồng - 250 triệu đồng).
Nhóm khách này thường đặc biệt quan tâm tới loại hình dịch vụ du lịch mang tính riêng biệt như lặn biển, du lịch golf, du lịch tàu biển hay du lịch khám phá động vật hoang dã, thám hiểm hang động.
Trong khi đó, thông qua các số liệu nghiên cứu, ông Liam Cordingly, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Nghiên cứu kinh tế Oxford, cho biết, trung bình du khách đến Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) sẵn sàng chi trả thêm 250 USD/người/ngày (6,2 triệu đồng) để đến những điểm du lịch cung cấp trải nghiệm ẩm thực cao cấp.
Nâng tầm các sản phẩm, hút tệp khách nhà giàu sẵn lòng chi đậm
Bà Nguyễn Thanh Thủy - Giám đốc kinh doanh hệ thống khách sạn Silk Path, cho rằng muốn dòng khách cao cấp tới Việt Nam sẵn lòng chi trả thêm, dịch vụ cung cấp cần chạm đến cảm xúc của họ. Đó là việc hiểu khách.
"Rõ ràng, chúng ta không thể dùng những sản phẩm du lịch thông thường để đón tệp khách này mà cần thiết kế riêng. Mỗi vị khách trong đó lại có nhưng yêu cầu và nhu cầu riêng. Từ ẩm thực cho tới dịch vụ và tất cả những chi tiết nhỏ xung quanh họ đều cần thỏa mãn đúng sở thích của khách", bà Thủy phân tích.
Cùng chung quan điểm, bà Ngô Thị Hương, Phó tổng giám đốc kinh doanh và marketing Công ty CP Vinpearl, nhận định với phân khúc khách cao cấp thì mỗi khách lại yêu cầu sản phẩm riêng biệt cần cá nhân hóa. Quan trọng nhất là hiểu khách hàng là ai, họ muốn gì mới xác định đúng dịch vụ khách cần và phát triển sản phẩm cho phù hợp mục tiêu.
"Chúng tôi đã xây dựng bản đồ ẩm thực trên đảo Hòn Tre, dù ở 3 ngày 2 đêm hay 4 ngày 3 đêm du khách đều có thể trải nghiệm đa dạng các loại hình ẩm thực các nước. Khi may đo được sản phẩm theo từng tệp khách hàng sẽ thúc đẩy khách chi tiêu nhiều hơn", bà Hương chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch hội đồng quản trị Vietravel, cho rằng, điều quyết định trải nghiệm có cao cấp hay không đó là cần để lại ấn tượng gì với khách.
Kể lại câu chuyện đơn vị lữ hành này đón đoàn 4.500 khách Ấn Độ tới Việt Nam hồi tháng 8, ông Kỳ cho biết vị tỷ phú đã đến trước 2 ngày và trải nghiệm ngồi thuyền thúng ở Hội An. Khi lên bờ, vị khách thấy hưng phấn và thốt lên "Excellent" (tạm dịch: Tuyệt vời).
Để tổ chức được chuyến đi thuyền thúng an toàn cho vị tỷ phú, Vietravel đã thuê 5 thợ lặn xuống bên dưới tìm hiểu về độ an toàn của cái thúng và chọn người lắc thúng giỏi nhất. Những chi tiết này cho thấy, cần làm dịch vụ tỉ mỉ tới mức để khách an tâm, thấy an toàn. Ông Kỳ cho rằng, đây là yếu tố không thể thiếu khi xây dựng sản phẩm cao cấp.
Cùng với đó, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia nhấn mạnh, để phát triển du lịch cao cấp thì vai trò của doanh nghiệp và địa phương là quan trọng trong liên kết sản phẩm, hoàn thiện các quy trình, tiêu chuẩn mang tính phục vụ cao, hình thành hệ sinh thái cung cấp dịch vụ sản phẩm cao cấp cho khách du lịch.