Lá bùa hình “của quý” mang lại may mắn ở quốc gia “hạnh phúc nhất thế giới”
(Dân trí) - Những lá bùa thiêng hình “của quý” được vẽ cách điệu nghệ thuật ở trước nhà mỗi gia đình người Bhutan với mục đích xua đuổi tà ma, mang tới điều may mắn cho gia chủ.
Bhutan luôn nằm trong danh sách “các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới”. Đến với quốc gia nhỏ bé nằm ở dãy Himalaya này, du khách cảm nhận một cuộc sống êm đềm và bình yên nơi đây, khó nơi nào trên thế giới có được.
Điều đặc biệt khi đến với Bhutan, du khách sẽ ngỡ ngàng khi lần đầu nhìn thấy những “lá bùa” mang hình “của quý” được vẽ cách điệu nghệ thuật trên tường nhà, tu viện, hay trên những món đồ lưu niệm bày bán ở cửa hàng.
Với phần lớn dân số theo đạo Phật ở Bhutan, dương vật là biểu tượng của sự sinh sản, chống mọi tà ma linh hồn quỷ quái, đồng thời mang lại sinh khí và may mắn cho con người. Bởi vậy, không khó hiểu khi trước cửa mỗi gia đình đều xuất hiện hình ảnh “của quý”, vừa như một sự trang trí, vừa có tác dụng đem lại mọi bình an.
Tín ngưỡng dân gian này của người Bhutan bắt nguồn từ truyền thuyết cổ xưa, liên quan tới một vị lạt ma có tên là Drupka Kinley. Ông truyền bá tới người Bhutan một loại đạo Phật và được người dân tôn sùng, coi là Thánh tăng.
Theo những câu chuyện kể lại, vị lạt ma này đi dọc khắp Bhutan, giúp con người giác ngộ ra những giáo huấn của nhà Phật. Ông cũng là người được biết tới có sở thích ca hát, uống rượu và chinh phục phụ nữ. Nhiều thiếu nữ đồng trinh tìm tới ông, dâng hiến với nguyện ước được ban phước lành. Chính vì thế, vị lạt ma này còn có tên gọi khác là vị Thánh của 5000 cô gái.
Cũng theo tương truyền, Drupka Kinley có năng lực xuất chúng, đuổi tà ma quỷ dữ. Ông thường dồn sức mạnh vào “của quý” khiến nơi này trở nên sắc bén và mạnh mẽ như lưỡi kiếm, qua đó diệt trừ tà ma.
Xuất phát từ truyền thuyết này, người Bhutan ngày nay vẫn lưu truyền tập tục vẽ hình dương vật lên trước cửa nhà với một niềm tin đó là lá bùa may mắn, giúp họ và gia đình được yên vui.
Một trong những di tích gắn liền với tên tuổi của Drupka Kinley chính là tu viện Chimi Lhakhang nằm gần cố đô Punakha. Những người hiếm muộn mong muốn sớm có con cái cũng tìm đường tới tu viện này để cầu xin đường sinh sản được thuận lợi.
Ngày nay, những bức họa hình “của quý” vẫn là biểu tượng văn hóa và tinh thần của người Bhutan, thu hút sự chú ý của khách nước ngoài khi có dịp tới đây.
Hoàng Hà
Theo NYT/WK