Kỳ lạ món lẩu có tên gọi nhạy cảm, khách "đỏ mặt" khi thưởng thức ở Hà Nội
(Dân trí) - Tại nhiều quán ăn ở Hà Nội, có món lẩu được nhiều thực khách ưa thích với tên gọi độc đáo là “lẩu súng đạn”. Nguyên liệu làm nên món lẩu độc đáo này là ngẩu pín, tinh hoàn…
Tên gọi độc đáo
Theo bà Trương Thị Bích Hường, chủ một quán lẩu ở phố Hào Nam (Đống Đa, Hà Nội), lẩu “súng đạn” ban đầu là cách gọi tránh vì nguyên liệu làm nên loại lẩu này chủ yếu là các bộ phận sinh dục của con bò như ngẩu pín, tinh hoàn… Tuy nhiên, cách gọi tránh này lại làm nên tên gọi độc đáo cho món lẩu và là một trong những yếu tố hấp dẫn thực khách.
Trong y học cổ truyền, ngẩu pín vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ thận ích tinh, cường dương mạnh cốt, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như: liệt dương, di tinh, suy giảm ham muốn, muộn con...
Đây là loại thực phẩm dân dã được biết tới với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Ngẩu pín bò là thứ ấm nóng, là một món ăn được khá nhiều nam giới ưa chuộng vì nó vừa ngon lại vừa bổ vì ngẩu pín thường được quan niệm là món ăn tẩm bổ, gắn với việc bổ thận, tráng dương.
Bà Hường cho biết, một nồi lẩu súng đạn có giá dao động trong khoảng 150 nghìn đồng/ khách. Khách đến quán chủ yếu là người bản địa. Cũng có nhiều thực khách ở xa biết tiếng nên rủ bạn bè cùng về thưởng thức. Ngoài lượng khách trực tiếp thưởng thức tại quán, cũng nhiều người đặt lẩu về dùng tại nhà.
"Nhiều người là khách quen của nhà tôi đã 4-5 năm nay và đều đặn tháng nào cũng đến thưởng thức lẩu “súng đạn” một vài lần”, bà Hường vui vẻ chia sẻ.
Bí quyết hút khách
Chia sẻ bí quyết để có một nồi lẩu “súng đạn” ngon, bà Hường cho biết, điều quan trọng nhất là nguyên liệu phải tươi. Từ thịt bò đến các loại rau ăn kèm lẩu, các hương vị gia giảm đều phải chọn loại tươi, ngon, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Quá trình chế biến lẩu cũng phải đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Xương được rửa sạch, hầm nhiều giờ, ngoài ra kết hợp với nước lê, táo, dứa, thêm chút gia giảm để có được loại nước lẩu ngon ngọt nhất. Với các loại thịt nhúng lẩu thì khách ăn đến đâu, chúng tôi thái đến đó”, bà Hường cho biết.
Quán nhà bà Hường có 5 người làm, nhưng để có được một nồi lẩu “súng đạn” vừa miệng thì phải trực tiếp bà Hường đứng bếp. Cùng một quán, công thức chế biến, nhưng nhiều khách cho biết, nồi lẩu do bà Hường chuẩn bị vẫn có cảm giác vừa miệng hơn. Nhiều thực khách còn yêu cầu trực tiếp bà Hường chuẩn bị.
“Tôi để ý mỗi thực khách lại có khẩu vị riêng. Người thích ăn pín bò nhiều hơn, người lại thích ăn gầu hơn… Biết khẩu vị khách như vậy, để lựa cách chế biến phù hợp cho khách”, bà Hường vui vẻ nói.
Sự độc đáo của món lẩu “súng đạn” cùng sự tinh ý, chu đáo của chủ quán đã thu hút, giữ chân nhiều thực khách.
Anh Hồ Hải Hoàng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), một trong nhiều khách quen của quán bà Hường chia sẻ: “Rảnh rỗi tôi lại rủ bạn bè đến quán gọi một nồi lẩu “súng đạn” lai rai. Mọi người vẫn đùa nhau là “ăn gì bổ nấy”, câu chuyện theo đó cũng trở nên thân tình, vui vẻ, rôm rả hơn”.
Theo lời anh Hoàng cùng nhiều thực khách, lẩu “súng đạn” cùng những câu chuyện bên lề liên quan đến món ăn đã tạo nên không khí vui vẻ cho những lần sum họp, gặp gỡ. Đây cũng là sức hút của lẩu “súng đạn” so với nhiều món ăn ngon khác của Hà thành.