Kinh doanh bãi đỗ máy bay đắt khách trong mùa Covid-19
Khoảng 17.000 máy bay, tương đương hơn 60% tất cả các máy bay trên thế giới hiện ngừng hoạt động do đại dịch Covid-19. Trong tình thế này, dịch vụ bãi đỗ máy bay lại là một cơ hội kinh doanh mới.
Mới đầu năm nay, gần như ngày nào những chiếc máy bay thân rộng cũng cất cánh từ sân bay Frankfurt của Đức theo các tuyến đường dài hàng đầu tới Dubai, New York và Thượng Hải.
Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các máy bay Airbus A380 khổng lồ của hãng Lufthansa thực hiện hành trình bay một chiều đến một điểm đến khá kỳ lạ mà có lẽ không phải chuyên gia du lịch dày dạn nào cũng biết: Teruel.
Đại dịch “đuổi” máy bay đến sa mạc
Thị trấn có 35.000 dân này nằm ở tỉnh Aragonia, miền Đông Tây Ban Nha, giữa Madrid và Valencia. Thị trấn có kiến trúc cổ được công nhận là di sản thế giới, nhưng trong thời gian phong tỏa vì dịch bệnh, hầu như không có khách du lịch nào ghé thăm.
Tuy nhiên, Covid-19 đã đưa thị trấn nhỏ bé này lên bản đồ ngành hàng không. Nắm bắt nhu cầu đang tăng cao về bãi đỗ máy bay chở khách, một công ty có tên Tarmac Aerosave đã biến khu vực này thành bãi đỗ chuyên nghiệp, có lịch trình bảo trì đầy đủ để đảm bảo chúng luôn sẵn sàng cất cánh.
Hãng Lufthansa đã chuyển 7 chiếc A380 đến đây cùng với 5-6 chiếc A340-600 do hoạt động bị thu hẹp. Air France cũng đỗ một số máy bay A380 đang tạm nghỉ việc trong khi British Airways đã gửi 5 chiếc Boeing 747. Hiện tại, khoảng 115 máy bay đã gần như lấp đầy bãi đỗ. “Chúng tôi chưa bao giờ có nhiều máy bay như vậy”, ông Pedro Saez, Giám đốc nhà máy của Tarmac Aerosave nói. “Hiện chúng tôi đang lập các bãi đỗ bổ sung trong một khu đất có đủ không gian cho 20 đến 25 máy bay khác, vì toàn bộ diện tích vùng bán sa mạc ở đây rộng khoảng 140 sân bóng đá”.
Kể cả sau khi cuộc khủng hoảng Covid-19 đã lắng xuống, sân bay ở Teruel có thể vẫn được hưởng lợi lâu dài. Do các hãng liên tục mua sắm máy bay mới, ngày càng nhiều máy bay bị đưa ra khỏi dịch vụ vĩnh viễn, trong khi Tarmac Aerosave cũng chuyên phá dỡ và tái chế máy bay dư thừa.
Thời tiết khô của Tây Ban Nha cũng là một lợi thế, thậm chí là điều kiện tiên quyết để cất giữ máy bay, khi cần giảm thiểu nguy cơ ăn mòn nhôm. Tất nhiên, không gian rộng rãi cũng rất cần thiết do cánh của máy bay rộng và số lượng máy bay chở khách phải “đắp chiếu” tăng đột biến do tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Bỗng dưng đắt khách
Bãi đỗ máy bay lớn nhất và nổi tiếng nhất thế giới là căn cứ không quân Davis Monthan và Marana hay Victorville ở miền Nam nước Mỹ. Tuy nhiên, một khoảng cách xa như vậy không phải là một lựa chọn cho các hãng hàng không châu Âu.
Ban đầu, nhiều người đã tận dụng các đường băng tạm thời đóng cửa tại các sân bay chính của châu Âu nhưng vấn đề tài chính đã được cân nhắc. “Frankfurt rất đắt đỏ”, CEO Caruf Spohr của Lufthansa tuyên bố gần đây. Một khó khăn khác là dự đoán thời hạn thuê kho bãi. Các hãng hàng không hy vọng rằng việc nới lỏng hạn chế do dịch bệnh sẽ cho phép họ tái khởi động từ tháng 7 tới.
Sau Teruel, cơ sở lớn thứ hai của châu Âu là sân bay Tarbes-Lourdes-Pyrenees ở Tây Nam nước Pháp. Đây là nơi lưu giữ, bảo trì và tái chế máy bay cũng do Tarmac Aerosave điều hành. British Airways cũng đang cho đỗ phi đội A380 của mình tại Pháp, trong khi Thụy Sĩ đưa phần lớn đội tàu bay của họ về sân bay quân sự Dzigendorf, còn một số máy bay Airbus yêu cầu lưu giữ lâu dài đã được gửi đến Thủ đô Amman của Jordan.
Nhu cầu bãi đỗ máy bay có lẽ rõ nhất là tại sân bay Alice Springs, ở vùng hẻo lánh của Australia nhưng lại dễ dàng tiếp cận với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cơ sở này chỉ mới thành lập 4 năm trước, chủ sở hữu là Tom Vincent, cựu nhân viên ngân hàng Deutsche Bank.
“Điện thoại của tôi gần đây không ngừng đổ chuông, nhu cầu đã bùng nổ”, ông Vincent gần đây nói với tờ Thời báo Tài chính. Trong tháng qua, họ lập bãi đỗ cho 4 chiếc A380 mới nhất của Singapore Airlines và đang mở rộng để có thể chứa 70-80 chiếc. Doanh nhân Vincent tiết lộ, một hợp đồng trông giữ chiếc Boeing 777 trong 13 tháng đem về cho công ty khoảng 300.000 euro.
Theo Yên Vũ
ANTĐ