Khi bài toán visa được tháo gỡ

Để cải thiện tình trạng du lịch Việt Nam sụt giảm khách quốc tế liên tiếp trong 11 tháng qua có rất nhiều giải pháp. Tuy nhiên, giải pháp đầu tiên và quan trọng không thể bỏ qua là tháo gỡ những vướng mắc về visa kéo dài suốt thời gian qua.

Có lẽ chưa bao giờ một phiên họp thường kỳ Chính phủ lại dành thời lượng đáng kể bàn về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Du lịch, trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề visa như phiên họp tháng 5 vừa qua. Được biết, trong phiên họp này, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ VHTTDL về các giải pháp đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, trong đó có tính đến việc triển khai visa điện tử (e-visa) và miễn thị thực cho một số thị trường trọng điểm. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo miễn thị thực có thời hạn đối với công dân Belarus.

 

Việc những thị trường cụ thể nào sẽ tiếp tục được miễn visa còn đang đợi Chính phủ xem xét và cân nhắc, tuy nhiên sự kiện Chính phủ nhất trí với việc đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh thực sự là tín hiệu lạc quan trong bối cảnh lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang giảm 11 tháng liên tiếp, đồng thời tốc độ tăng trưởng khách của Việt Nam đang theo chiều hướng “chậm dần đều” kể từ năm 2010.

 

Việc tháo gỡ những bất cập về visa cần được xem là
Việc tháo gỡ những bất cập về visa cần được xem là giải pháp đầu tiên và quan trọng không thể bỏ qua để tạo đà thúc đẩy cho du lịch tăng trưởng (Ảnh: N. Thành)



Rõ ràng, tình trạng du lịch Việt Nam có dấu hiệu suy giảm thời gian qua có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan như: sự bất ổn của khu vực Biển Đông và một số vùng trên thế giới (Nga, Ukraina); kinh tế thế giới có biến động (giá USD lên cao, đồng EURO, Yên giảm sâu,…) làm giảm nhu cầu đi du lịch; môi trường du lịch còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để; công tác xúc tiến quảng bá thiếu chuyên nghiệp… Tuy nhiên, theo phân tích của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, không thể không nhắc đến một trong những nguyên nhân quan trọng là chính sách visa còn nhiều vướng mắc, khắt khe, khiến cho du lịch Việt Nam “lép vế” hơn so với các nước bạn trong khu vực về lợi thế cạnh tranh, đồng thời hạn chế khả năng thu hút khách đến với mình.

 

Theo Tổ chức Du lịch thế giới, visa là một trong những giải pháp hàng đầu mà các quốc gia thường ưu tiên để thu hút khách đến với mình. Tuy nhiên, Việt Nam đang không tận dụng được lợi thế này.

 

Việt Nam hiện mới miễn visa cho công dân 7 quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch) và 9 nước ASEAN theo thỏa thuận “có đi có lại”. Thậm chí, trong khối ASEAN, chính sách visa của Việt Nam còn chưa hấp dẫn so với nước bạn Lào, Campuchia vốn được xem là có ngành du lịch kém phát triển hơn so với Việt  Nam. Hiện nay, Lào đã miễn visa cho 40 quốc gia, còn Campuchia mở cửa đối với du khách 19 nước. Các nước trong khu vực ASEAN khác đương nhiên có chính sách thông thoáng hơn Việt Nam rất nhiều, như: Singapore (miễn visa cho 158 nước), Philippines (157 nước), Malaysia (155 nước), Thái Lan (55 nước).

 

Tương ứng với số lượng quốc gia được miễn visa, số lượng khách du lịch quốc tế đến những nước này cũng là con số đáng mơ ước. Malaysia với 28 triệu lượt khách quốc tế và Thái Lan 25 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2014 đã lọt vào Top 10 những nước có lượng khách du lịch đông nhất thế giới. Singapore mỗi năm đón khách du lịch nhiều gấp đôi Việt Nam. Hai quốc gia Lào và Campuchia dù đang có lượng khách thua kém Việt Nam, song xét về tốc độ tăng trưởng cũng là những đối thủ đáng gờm. Ví dụ Lào năm 2000 chỉ có 737.208 khách quốc tế, song đến năm 2014 đã đạt 4.158.719 lượt khách, hay Campuchia năm 2000 có 466.365 đến năm 2014 đạt 4.502.775. Trong khi đó, Việt Nam có xuất phát điểm năm 2000 đã là 2.141.000 lượt khách, nhưng đến năm 2014 cũng chỉ đạt 7.874.312 lượt khách. Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định: “Với tốc độ này, chẳng mấy chốc nước bạn sẽ vượt qua Việt Nam trong thời gian không xa nữa. Có nhiều yếu tố khiến cho việc phát triển du lịch của họ rất thành công nhưng không thể phủ nhận chính sách về visa là yếu tố quan trọng”.

 

Hơn thế nữa, hiện trên thế giới có những thị trường khách được cả thế giới mơ ước và miễn visa để “hút” khách đến với mình như Anh, Mỹ có 174 quốc gia miễn visa cho công dân của họ; Pháp có 172 nước miễn visa, Đức có 176 nước miễn visa… Đáng tiếc là Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia còn lại không miễn visa cho bất kỳ quốc gia nào trong danh sách này. Điều này cũng gây khó khăn trong việc “hút” khách từ những thị trường hấp dẫn đó đến Việt Nam.

 

Không chỉ “lép vế” hơn các nước bạn về số lượng quốc gia miễn thị thực, du lịch Việt Nam còn được xem là kém hấp dẫn do lệ phí visa đắt đỏ hơn và thủ tục phức tạp hơn so với các nước bạn. Trong khi mức phí visa của Campuchia, Lào, Indonesia là 30 USD thì phí visa của Việt Nam là 45 USD. Không chỉ vậy, hồ sơ làm visa yêu cầu rất nhiều giấy tờ: từ photo hộ chiếu, vé máy bay đến hợp đồng đặt phòng khách sạn, và cả thẻ Hướng dẫn viên du lịch để bảo lãnh làm visa cho khách. Những thủ tục rườm rà này đôi khi khiến cho du khách và cả các hãng lữ hành phải nản lòng khi phải tốn nhiều thời gian và công sức.

 

Trong khi đó, nhiều quốc gia khác như: Myanmar, Lào, Campuchia, Indonesia, Sri Lanka và Ấn Độ cũng có những yêu cầu thị thực, nhưng tất cả các nước này đều có một hệ thống xử lý visa rất hiệu quả và thân thiện với khách hàng. Đối với Lào và Campuchia, chỉ khi đến cửa khẩu và sau đó thanh toán một khoản lệ phí bằng tiền mặt hoặc trên trang web để có thị thực, không cần điền đơn hoặc trả lệ phí nhập cảnh trước khi du lịch. Indonesia thu lệ phí visa khi họ đóng dấu vào hộ chiếu; Myanmar hiện nay cũng có hệ thống E-visa mới chạy trực tuyến, thanh toán được thực hiện bằng thẻ tín dụng rất nhanh chóng và dễ dàng. Một doanh nghiệp chia sẻ, với những khách du lịch cao cấp, phí visa không phải là vấn đề mà quan trọng là thời gian và thái độ phục vụ. Họ sẵn sàng chi mạnh tay để có được chuyến đi thoải mái, tự do, nhưng nếu phải lựa chọn e rằng những quốc gia trong khu vực có chính sách visa thông thoáng hơn sẽ được họ ưu tiên hơn chứ không  phải Việt Nam.

 

Thực tế, Việt Nam đã có bài học kinh nghiệm khi chính sách miễn visa đơn phương cho 7 nước của Việt Nam, trong đó có 3 nước quan trọng là Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Năm 2004, nhóm khách này vào Việt Nam chỉ đạt 529.000 lượt, đến năm 2014 – năm ban hành chính sách miễn visa đơn phương- lượng khách đã tăng lên 1.861.000 lượt khách, tăng 352%, tăng gấp rưỡi so với bình quân tổng lượng khách của cả nước (tăng 269%).

 

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang sụt giảm mạnh và du lịch Việt Nam đứng trước nguy cơ tăng trưởng âm trong năm 2015. Để cứu vãn tình hình ảm đạm này có nhiều giải pháp cấp bách như Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Bộ VHTTDL đề xuất, tuy nhiên, hơn lúc nào hết, việc tháo gỡ những bất cập về visa cần được xem là giải pháp đầu tiên và quan trọng không thể bỏ qua để tạo đà thúc đẩy cho du lịch tăng trưởng, đồng thời giúp du lịch Việt Nam khẳng định  vị trí trong khu vực đúng như tiềm năng vốn có của mình./.

 

Theo Lâm Minh

Tổ quốc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm