Khám phá những “vực thẳm” diệu kỳ đẹp nhất thế giới
(Dân trí) - Mỗi “vực thẳm” tạo nên một cảnh tượng kỳ thú, từ những hố sụt tuyệt đẹp trên biển đến những “trục khổng lồ” trên đất liền hoặc miệng núi lửa rực cháy…
Trong hành trình khám phá những “vực thẳm” là các hố sụt sâu nhất, lớn nhất, kỳ lạ nhất thế giới, du khách có thể chiêm ngưỡng Dragon Hole (Hố Rồng) - hố sụt sâu nhất (300, 89m) trên biển được biết đến cho tới nay.
Hoặc tiếp cận “quái vật” Hố Thiên Đường - hố chìm lớn nhất trên mặt đất có thời điểm từng “chạm” tới độ sâu 662m, hay tới Hố Đỏ ở Croatia - hố chìm lớn nhất châu Âu, sâu 528m và chứa tới hơn 172 triệu mét khối nước…
Cũng còn có những hố sụt kỳ thú khác ở Oregon, Australia và New Zealand… cứ như “chỉ cần khoan xuống là thấy kỳ quan”.
Hố Rồng là hố sụt sâu nhất thế giới trên biển được biết cho tới nay. Hố sâu 300, 89m nằm ở vị trí cách rạn san hô Đá Lồi khoảng 25km về phía nam, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Hố Rồng có màu xanh rất đặc biệt khi nhìn từ trên cao.
Hố Đỏ là hố chìm chứa hồ Karst (hiện tượng phong hoá đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn) ở gần thành phố Imoski, Croatia.
Hố Đỏ có 2 đặc điểm nổi bật: Vách đá đỏ cao 247m và hồ nước sâu 281m, tạo nên tổng độ sâu của hố là 528m.
Có những loài cá hang động, cua, ếch và côn trùng sống trong hố sụt chứa tới hơn 172 triệu mét khối nước này. Hố còn như được mở rộng hơn bởi hệ thống cave canals (kênh đào hang động).
Great Blue Hole được xếp vào vị trí cao nhất trong danh sách “10 địa điểm tuyệt vời nhất trên Trái Đất” của Discovery Channel.
Hố chìm khổng lồ hình tròn này nằm ở ngoài khơi Belize (quốc gia ở vùng biển Caribbea), được hình thành trong một vài tập băng hà bậc 4 khi mực nước biển thấp hơn hiện nay nhiều.
Tên gọi “Great” đúng với chiều rộng 318m và độ sâu 124m của nó. Đây cũng là nơi sinh sống của những loài cá kỳ lạ như cá mó bóng đêm, cá mập rạn san hô Caribbea…
Darvaza là miệng núi lửa ở sa mạc Karakum của Turkmenistan - quốc gia vùng Trung Á có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ 6 thế giới.
Hố Cửa Địa Ngục (còn gọi là Door To Hell - Cửa Địa Ngục hay “hố chìm phát sáng”) vốn là miệng núi lửa Darvaza, nơi có mỏ khí thiên nhiên Derweze ở tỉnh Ahal, Turmenistan.
Năm 1971 khi các nhà địa chất Liên Xô (cũ) khi làm việc tại đây đã khoan trúng một túi khí, khiến mặt đất dưới một dàn khoan đổ sụp tạo thành hố lớn có đường kính 70m.
Hố Thiên Đường nằm tại huyện Phụng Tiết, thành phố Trùng Khánh ở phía tây nam Trung Quốc.
Hố dài 626 m, rộng 537m và ở độ sâu từ 511 tới 662. Khách tham quan có thể đi xuống đáy hố theo cầu thang 2.800 bậc.
Dean's Blue Hole tại Bahamas (quốc gia ở vùng biển Caribbea) sâu 202m và có tầm nhìn hơn 30m.
Đây là nơi kín gió, không có sóng lớn nên rất lý tưởng để bơi. Nó được kết nối với Đại Tây Dương thông qua “cửa vào” một bên, còn bên kia được bao quanh bởi những vách đá và các bãi cát trắng, tạo nên cảnh quan rất bắt mắt.
Không phải tất cả các hố sụt đều hoang dã và cấm tham quan. Như hố chìm Umpherston ở núi Gambier, Tây Australia đã trở thành khu vườn trũng từ cuối thế kỷ 19, là một điểm du lịch thu hút nhiều du khách.
Vườn trũng này ở độ sâu 20m, rộng 50m. Khi đi xuống vườn, du khách có thể men theo kết cấu kiểu “ruộng bậc thang” và được các loại cây leo xanh che bóng mát, còn được thưởng thức cả trái cây tươi theo mùa.
Các hố sụt ven Biển Chết được tạo ra bởi nước mưa chảy ngầm dưới lòng đất, hình thành nên những khoang không ổn định, có thể sụp đổ theo cách không thể dự đoán trước.
Các hố sụt này lộ dạng nhiều hơn khi nước được rút ra để xử lý thành nước uống và dùng cho sản xuất công nghiệp, nhờ thế đã giúp thu nhỏ được khối nước độc đáo này.
Hố chìm được mô tả là “rất nóng nhưng ngoạn mục” này nằm bên rìa đại dương, trên bãi biển Broken ở đảo Nusa Penida, phía đông nam Indonesia.
Hố sụt này là một mê cung rộng lớn đường hầm và hang động bên dưới cảnh quan cổ xưa, giúp làm dịu bớt bầu không khí nóng nực nơi đây.
Hố sụt “trào sôi” này xuất hiện như thể Thái Bình Dương bị “hút” xuống lỗ hổng không đáy khổng lồ trên bờ biển Oregon của nước Mỹ. Tuy nhiên mực nước Thái Bình Dương không hề ảnh hưởng gì, vì hố sụt được gọi là Thor’s Well (Giếng Thần Sấm, hay còn gọi là Cổng Địa Ngục giữa biển) này chỉ sâu khoảng 6m.
Ảnh chụp từ trên cao cho thấy hố chìm Cehennem (theo tiếng địa phương là Địa Ngục) tại dãy núi Taurus ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, sâu 128m. Hố này không được tiếp cận.
Trong khi hố chìm gần đó có tên là Cennet (Thiên Đường) thì có thể quan sát gần từ cầu thang 300 bậc.
Hố Harwoods là hệ thống hang động ở phía tây bắc đảo Nam của New Zealand, được khám phá lần đầu tiên vào năm 1958 rất lâu sau khi được phát hiện.
Linh Lê
Theo Daily Mail