Khai mạc Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL lần I - 2013
(Dân trí)- “Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL thể hiện tình đoàn kết, tính thượng võ của 3 dân tộc Kinh-Khmer-Hoa trong khu vực nên cần được tôn vinh, gìn giữ và phát huy, tạo động lực cho sự phát triển và vun đắp thêm tình gắn bó của các dân tộc anh em trong vùng”.
Tham dự lễ khai mạc ngoài Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh còn có nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, nguyên Trưởng Ban tổ chức Trung ương Lê Phước Thọ, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, QK9, BCĐ Tây Nam Bộ, Ủy ban Dân tộc; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ cùng hàng ngàn người dân Sóc Trăng và các tỉnh trong khu vực. Sân khấu khai mạc với những hình ảnh rất đặc trưng của đồng bào Khmer được dựng trên sông Maspero, một con sông chảy ngang qua nội thành TP Sóc Trăng.
Ngày hội đua ghe ngo là một hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và người Khmer ở ĐBSCL nói chung, thường diễn ra vào các ngày 14, 15 tháng 10 âm lịch. Đây là một trong những ngày hội lớn mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự gắn bó cộng đồng của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Trong diễn văn khai mạc Festival, ông Mai Khương- Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng, Trưởng Ban tổ chức Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL lần I- nêu rõ: Festival đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL là sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch đặc trưng của khu vực ĐBSCL.
Ông Mai Khương cho biết, điểm nhấn đặc biệt quan trọng và hấp dẫn nhất trong Festival là giải đua ghe ngo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer ĐBSCL với 62 đội ghe nam và nữ, tranh tài trong 2 ngày 16 và 17/11, là điều kiện tốt để các đội ghe ngo các tỉnh trong khu vực có dịp giao lưu, thi tài đem thành tích cao nhất về cho địa phương mình.
“Lần đầu tiên tỉnh Sóc Trăng vinh dự được tổ chức Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL. Với tinh thần trách nhiệm của mình, trong thời gian qua tỉnh đã tích cực chuẩn bị, triển khai thực hiện các công việc theo đúng kế hoạch đề ra để có một lễ hội thành công nhất”, Trưởng Ban tổ chức Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL lần I nói.
Phát biểu chỉ đạo tại Festival, ông Hoàng Tuấn Anh- Bộ trưởng Bộ VH- TT & DL- cho biết: Năm 2013, Chính phủ giao cho tỉnh Sóc Trăng tổ chức Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL lần I, đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Sóc Trăng giới thiệu, quảng bá, mời gọi đầu tư về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa, thể thao và du lịch cho địa phương theo hướng liên kết vùng. Đồng thời tạo tiền đề để Sóc Trăng tiếp tục cùng với các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL nâng cao chất lượng và tầm tổ chức sự kiện Festival Đua ghe ngo những lần sau theo hướng xã hội hóa ngày càng cao, tạo điểm nhấn cho Sóc Trăng và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: “Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL thể hiện tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng cũng như thể hiện được tính thượng võ của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa anh em trong khu vực. Do đó, cần phải được tôn vinh, gìn giữ và phát huy cho tốt, xem đây là một trong những hoạt động tạo động lực cho sự phát triển và vun đắp thêm tình đoàn kết, gắn bó của các dân tộc anh em trong vùng”.
Qua Festival Đua ghe ngo, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cũng đề nghị, tỉnh Sóc Trăng phải tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh mang tính đặc thù của địa phương về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh, gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng nói riêng, của ĐBSCL nói chung, góp phần cùng cả nước xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Sau phần lễ là phần hội với chương trình nghệ thuật chủ đề “Trăng và lúa” diễn ra qua những tiết mục múa hát đặc sắc mang đậm nét đặc trưng của đồng bào Khmer đã mang đến cho đêm khai mạc Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL lần I một không khí hết sức sôi nổi, tưng bừng. Cuối chương trình khai mạc là màn bắn pháo hoa tầm thấp với những hình ảnh đẹp mắt.
Clip khai mạc Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL lần I:
(Thực hiện: Huỳnh Hải)
Theo một số tư liệu, truyền thuyết về đua ghe Ngo kể rằng, ngày xưa có công chúa Neng Chanh có tài sắc vẹn toàn được nhà vua rất yêu chuộng. Từ lòng ganh ghét nên một tên quan đại thần đã vu cho nàng tội bỏ chất bẩn ở móng tay vào nồi canh của vua. Biết mình không còn cách nào minh oan, Neng Chanh vội vã xuống thuyền xuôi theo sông Ba Sắc chạy trốn. Nhà vua cho quân lính đuổi theo hạ sát nàng. Không thể thoát thân nên Neng Chanh đã ném chiếc ống nhổ (người Khmer gọi là Kon thô) là kỷ vật được nhà vua ban tặng trước đó xuống vàm sông (nơi đó sau này người Khmer gọi là “Peam Kon thô”, người Việt gọi vàm Ống Nhổ - nay gọi vàm Dù Tho). Kết cục là nàng Neng Chanh bị vua xử tử. Để tưởng nhớ nàng Neng Chanh bạc mệnh, hàng năm cư dân Khmer quanh vùng tổ chức đua ghe ngo để diễn lại cảnh Neng Chanh chạy trốn khỏi hoàng cung đến vùng đất Ba sắc – nay là Sóc Trăng. Ngoài truyền thuyết trên, tục đua ghe ngo có một thuyết khác là xuất phát từ đặc điểm cuộc sống của cộng đồng cư dân lúc bấy giờ ở vùng sông nước cho nên khởi đầu họ đã làm nên chiếc ghe độc mộc dùng để làm phương tiện đi lại. Những cuộc mưu sinh để chống chọi với thiên nhiên và đàn thú dữ thường được tổ chức đi thành từng đoàn, do đó chiếc ghe độc mộc lúc bấy giờ có phần bất tiện, không khả năng đáp ứng được sức tải nhiều người theo yêu cầu, nên họ phải sáng kiến đóng chiếc ghe dài ra để chở được nhiều người, phục vụ cho cuộc sống mưu sinh của cộng đồng. Cũng có truyền thuyết cho rằng, tục đua ghe Ngo của đồng bào Khmer là nhằm ôn lại kỳ tích của lực lượng chủ lực hải quân và chiếc thuyền chiến (ghe Ngo). Thông thường chiếc ghe Ngo dài 27 mét, hình tựa con rắn, mình thoai thoải về phía trước, đầu uốn cong và hơi thấp hơn sau lái. Ghe Ngo có nhiều khoang, trên mỗi khoang đóng nhiều thanh cây ngang dài 1,2m làm băng ngồi vừa đủ 2 người ngồi bơi, bao gồm 24 đôi. Ghe Ngo có dầm bơi riêng, làm theo nhiều kích cỡ tùy theo từng vị trí người bơi. Đặc biệt, nghe Ngo có hai cây kềm chịu lực giúp cho ghe nhún nhảy và phóng nhanh đồng thời giúp giữ chặt ghe không bị gãy đôi. Một cây kềm dài suốt lòng ghe, một cây kềm lái từ giữa thân ghe về phía sau. Thân ghe Ngo được sơn một lằn trắng hoặc vàng tùy từng chùa. Hai bên be vẽ hình các con vật, như rồng, hổ… hay hoa lá cách điệu. Vì chiếc ghe Ngo được làm có dáng như con rắn dài, đầu và lái đều cong nên khi bơi, nếu động tác phối hợp không nhịp nhàng, ghe dễ bị mất thăng bằng và lật chìm. Người được chọn bơi phải là trai tráng khoẻ mạnh, được tập dợt thuần thục theo từng vị trí của mình. Người Khmer tin rằng ghe Ngo cũng là vật thiêng liêng nên mọi việc gì liên quan đến ghe Ngo đều phải làm lễ cầu xin.
|
Huỳnh Hải – Bạch Dương - Phạm Tâm