Khách Việt suýt chết khi leo núi ngắm "ma trơi" ở cổng địa ngục Indonesia
(Dân trí) - Những cột khói lưu huỳnh ở Kawah Ijen bất ngờ xộc vào mũi, anh Thái thấy cổ họng mình rát buốt, không thể thở được. Thái quay ra bảo vợ "hay mình dừng lại thôi".
"Cuối tháng 6, thời tiết Kawah Ijen như mùa thu Hà Nội nhưng ban đêm thì lạnh buốt.
Tôi đứng ở vành đai miệng núi lửa, nắm tay vợ, thả hồn vào khung cảnh ma mị và tự hỏi rằng, đến bao giờ chúng tôi mới có thể chiêm ngưỡng được hết vẻ đẹp của thế giới này", anh Thái bắt đầu kể về hành trình đến Kawah Ijen.
Vợ chồng anh Trịnh Nam Thái và chị Phạm Bích Ngọc (Hà Nội) sau 21 ngày rong ruổi khắp Indonesia đã chọn dừng chân với lịch trình chinh phục núi lửa Kawah Ijen. Với tiêu chí ưu tiên những trải nghiệm hoang dã và cảm giác mạnh, đây là hoạt động được hai vợ chồng mong chờ nhất.
"Kawah Ijen" là một trong số đó, theo ngôn ngữ địa phương tên gọi này nghĩa là "miệng núi lửa cô đơn", nhưng nó không hề đơn độc.
Ijen thuộc quần thể núi lửa nằm gần thị trấn ven biển Banyuwangi, phía Đông đảo Java, được bao quanh bởi những ngọn núi như Gunung Rante, núi Raung, núi Suket và núi Pendil. Kawah Ijen cao gần 2.800m so với mực nước biển. Miệng núi lửa này được ghi nhận có bán kính 361m, diện tích bề mặt là 410.000 m2, nơi sâu nhất 200m.
Vào ban đêm, Jien là một trong số ít những điểm trên trái đất có thể nhìn thấy dòng nước màu xanh lam - dòng nước hình thành từ lưu huỳnh được ví như những "đốm lửa ma trơi" bập bùng trong miệng núi.
Gõ cửa cánh cổng "bước vào địa ngục"
Xuất phát từ Bali, vợ chồng Thái di chuyển bằng xe máy vượt quãng đường hơn 130km trong khoảng 3 tiếng, đến bến phà cộng đồng ở Gilimanuk. Sau đó thêm 45 phút băng qua eo biển Bali để đến thị trấn Banyuwangi.
Du khách đi thám hiểm núi lửa Ijen thường lưu trú ở thị trấn này, nhưng Thái và Ngọc quyết định di chuyển thêm hai giờ nữa, men theo những con đường ngoằn ngòeo, cao ngất để nghỉ chân tại một homestay cách chân núi khoảng 5km.
Chuyến đi này được dự kiến nặng nề hơn những ngày trước rất nhiều. Thiếu ngủ, cộng với việc phải di chuyển đường xa bằng xe máy khiến hai vợ chồng mềm oặt người đi. "Chúng tôi phải tranh thủ ngủ 4 - 5 tiếng trước khi xuất phát nếu không sẽ không trụ nổi, theo như lời cảnh báo của những người bạn", Nam Thái kể.
Khi chọn hành trình này, vợ chồng Thái chỉ mường tượng khung cảnh qua hình ảnh và tự giảm sự kỳ vọng xuống 20 - 30%. Rủi ro, nguy hiểm hay khung cảnh ma mị vào ban đêm của núi lửa Ijen… được vợ chồng trẻ đánh cược bằng tất cả sự hiếu kỳ.
Ở Kawah Ijen, dòng nước xanh lam huyền bí chỉ xuất hiện khi bóng tối buông xuống, do vậy, hoạt động trekking tại đây thường bắt đầu từ 0 - 2h sáng. Đây là lần đầu tiên hai vợ chồng Thái leo núi vào ban đêm nên tâm trạng rất khó tả: vừa hào hứng, thích thú, vừa lo lắng, bồn chồn.
Đoàn của Thái và Ngọc gồm 8 người, từ nhiều quốc gia khác nhau. Mọi người tập trung ở bãi tập kết dưới chân núi, được hướng dẫn viên dặn dò những lưu ý trong quá trình trekking và phát mặt nạ khí, một phương tiện bảo hộ thiết yếu khi bạn đến được miệng núi lửa.
Cùng với cả đoàn, hai vợ chồng lên đường, đi theo ánh đèn pin leo lắt, thứ ánh sáng duy nhất lúc bấy giờ. Nhiệt độ trên núi khi đó chỉ còn khoảng 5 độ C, chưa bao giờ cảm giác lạnh sống lưng lại chân thật như thế.
"Trời không trăng, không sao, bóng tối đặc quánh "ôm" lấy hai vợ chồng. Chúng tôi bám lấy nhau, nhích từng bước một, cứ đi, cứ đi, nhưng đôi lúc thực sự không biết chính xác mình đi đâu. Chúng tôi mất phương hướng vì không nhìn thấy gì", Nam Thái rùng mình kể lại.
Tổng quãng đường leo núi khoảng 4km. Trong đó, 3km đường bằng, không chướng ngại vật nhưng phải vượt qua hàng loạt con dốc dựng đứng, độ dốc từ 45 - 60 độ. Giữa đêm, mùi lưu huỳnh nồng nặc bao phủ không gian khiến đoàn của Thái không ít lần phải dừng lại giữa đường để nghỉ. Một số thành viên liên tục nôn mửa, có triệu chứng nôn nao, khó thở, da mặt tím tái… đây là tình trạng sốc độ cao do não thiếu oxy.
Hít vào thở ra đều đặn để duy trì nhịp thở, cùng với việc bổ sung thêm đồ ăn nhẹ giúp Thái và Ngọc thấy người khỏe lại. Quan trọng hơn là tinh thần phải vững vàng. Thái nói, rất may vợ anh là người kiên định, luôn bám sát mục tiêu để thỏa mãn sự hiếu kỳ, nên cô ấy không dễ bị khuất phục.
Việc những đoàn khách đuối sức phải nằm nghỉ giữa đường dường như nằm trong suy đoán của người dân địa phương ở đây. Người Tengger làm kinh tế từ khách du lịch rất giỏi. Họ cùng với phương tiện của mình là những chiếc "taxi kéo" (giống xe ba gác chở hàng ở Việt Nam) đã chực chờ sẵn ở đó để mời chào.
Đàn ông Tengger có một sức khỏe đáng kinh ngạc. Việc thồ một người trưởng thành nặng từ 60 - 70kg lên đến đỉnh núi hơn 1.000m dường như là chuyện không tưởng, nhưng họ vẫn làm hàng ngày với một chiếc xe kéo, ba người cùng đẩy. Mỗi lượt như thế là 800.000 Rupiah (khoảng 1,2 triệu đồng/lượt).
Sau đợt nghỉ, nhiều người bỏ cuộc trở lại chân núi, Thái và Ngọc vẫn tiếp tục lên đường. Nhưng một vấn đề khác là ngọn lửa xanh nổi tiếng chỉ xuất hiện từ 4 giờ sáng, và tắt rất nhanh trước bình minh. Để kịp lúc đó, cả đoàn phải tăng tốc vì không chỉ lên đến đỉnh, muốn xem được lưu huỳnh đốt cháy cần thêm 45 phút nữa để vào họng núi lửa.
Đây là hoạt động không bắt buộc của chuyến đi vì khí lưu huỳnh có thể cản trở hô hấp. Nếu không có mặt nạ phòng độc rất dễ bị ngạt khí, tệ nhất là ngất xỉu. Những người xuống miệng núi được dặn dò rất kỹ xem lộ trình này có phù hợp với sức khỏe không. Nếu không, khách cũng có thể ngắm ngọn lửa xanh từ xa nhưng khá khó quan sát.
Đường xuống họng núi lửa mất khoảng 40 phút nhưng khó khăn không kém đoạn đường đi lên. Địa hình gồ ghề, bụi nham thạch đóng đầy trên những phiến đá gây trơn trượt. Trời vẫn tối mịt và những đợt khí lưu huỳnh bốc lên từng đợt làm hạn chế tầm nhìn. Nếu không cẩn thận, bạn có thể bị trượt ngã, rơi xuống vực.
"Nhưng dường như những nơi càng nguy hiểm, con người càng muốn dấn thân vào", Nam Thái nói khi nhớ lại không khí háo hức của đoàn người lúc đến gần họng núi, bất chấp khó khăn.
Quả thực, mọi mệt mỏi dường như tan biến hết khi đoàn khách được Kawah Ijen "chiêu đãi" một khung cảnh choáng ngợp: Ngọn lửa màu xanh lam huyền ảo đã xuất hiện, cùng những cuộn khói khổng lồ cứ vài phút nhả ra một lần.
Đây không hẳn là một ngọn lửa thực sự. Ánh lửa của sự cháy thường có màu đỏ vàng. Còn ở Ijen, khi lưu huỳnh từ bên trong núi lửa thoát ra bề mặt với nhiệt độ 600 độ C, phản ứng với oxy trong không khí và tạo ra sự cháy màu xanh lam, có thể lên cao đến 5m. Trên những tảng lưu huỳnh dạng rắn đang nứt ra, những ngọn lửa xanh len lỏi giữa những khe hở như những con rắn phát sáng.
Hai vợ chồng Thái được cảnh báo rằng nếu đứng quá gần, mùi của lưu huỳnh và khí gas sẽ khiến người chao đảo, cay xè mắt mũi và ảnh hưởng nặng đến hô hấp, thậm chí bị bắt lửa.
"Tôi và vợ lặng người đi, nhìn xuống dòng nước dòng màu xanh ngay dưới chân mình. Cảm giác lần đầu tiên chạm chân vào lòng núi lửa thật kỳ lạ. Trên mảnh đất phủ đầy bụi nham thạch ấy, chúng tôi thấy sự kiên trì của mình được trả công xứng đáng", Nam Thái kể lại.
Mất vài giờ để xuống họng núi lửa nhưng chỉ có vài phút để chiêm ngưỡng ngọn lửa màu xanh lam rực rỡ trong bóng tối. Sau đó, cả đoàn lại vội vã leo ngược trở lại lên miệng núi để kịp đón ánh bình minh. Mặt khác, sức nóng cùng với mùi lưu huỳnh quá khủng khiếp khiến mọi người không thể nán lại lâu hơn.
Thiên đường của những kẻ thích chinh phục
Trời càng sáng cũng là lúc lửa xanh bắt đầu tắt, để lại một cột khói nghi ngút, tỏa khắp mọi nơi và kéo dài cho đến lúc mặt trời mọc. Những ai không theo kịp leo lên khỏi miệng núi sẽ bị đám khói nuốt chửng và hô hấp vô cùng nặng nhọc.
Miệng núi lửa Ijen, nơi được mệnh danh "cánh cổng dẫn vào địa ngục", nhưng cũng chính là một trong những nơi đón bình minh lộng lẫy nhất thế giới. Thời khắc chuyển giao giữa ngày và đêm trong khung cảnh hùng vĩ này được người dân Tengger quan niệm là thời khắc vũ trụ và đấng thần linh đang lắng nghe lời nguyện cầu.
5 giờ sáng, bầu trời ửng hồng. Vợ chồng Thái và hầu hết mọi người ở đó, từ du khách đến người dân bản địa đều lặng đi trước vẻ đẹp kỳ lạ của thiên nhiên. Người thì quay phim, chụp ảnh, người nói chuyện rôm rả, nhưng cũng có những người chỉ đứng im cầu nguyện.
Thứ ánh sáng rực rỡ của mặt trời chiếu xuống, soi rõ mặt hồ axit màu xanh ngọc bích. Đây là hồ axit lớn nhất thế giới diện tích khoảng 1000 x 600m với độ sâu 200m. Trên bề mặt xanh ngọc đặc trưng lúc nào cũng cuồn cuộn nhả khí metan, tạo nên một khung cảnh huyền ảo, chết chóc nhưng vô thực.
"Mãi đến lúc này, chúng tôi nhìn thấy rõ quãng đường mình đi lên. Những ngọn núi lửa hiện ra như các đầu ngón tay, những con dốc dựng đứng nhưng khung cảnh ở đây khác hẳn với sự khắc nghiệt trên miệng núi", Nam Thái chia sẻ.
Vào buổi sáng, có nhiều đoàn khách khác đến đây, họ chủ yếu chỉ ngắm hồ axit. Lúc này, những người phu khai thác lưu huỳnh cũng bắt đầu công việc nên không khí nhộn nhịp hơn hẳn.
Những người đàn ông Tengger với gương mặt khắc khổ, làn da rám nắng cùng những chiếc gánh đựng lưu huỳnh. Họ không có một trang thiết bị bảo hộ nào cũng như không có mặt nạ chống khí độc.
Một phần quặng lưu huỳnh được người bản địa đẽo gọt thành hình thù bông hoa, con thú để bán cho du khách với giá 30.000 rupiah/sản phẩm (khoảng 47.000 đồng).
Thái và Ngọc thích thú lưu lại những khoảnh khắc bên hồ axit. Đứng ở đây, hai vợ chồng mới hiểu và cảm nhận được hết, sự hiện diện thực sự của cái đẹp.
Ảnh: NVCC