Khách quốc tế mới đạt 1/5 kỳ vọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói gì?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, đang có tâm lý tập trung khai thác du lịch nội địa trong khi khách quốc tế mới chỉ đạt 1/5 mục tiêu đặt ra trong năm 2022.

Khách quốc tế đạt chưa đến 1/5 mục tiêu năm 2022

Chia sẻ trong sự kiện "Liên kết sức mạnh Du lịch Việt Nam" khai mạc 8/8 ở TPHCM, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, 7 tháng đầu năm 2022, TPHCM đón 13.3 triệu lượt khách nội địa và hơn 765.000 du khách quốc tế, tổng doanh thu đạt hơn 60.000 tỷ đồng, tăng 57,82% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tổng số khách du lịch quốc tế còn rất khiêm tốn so với trước dịch và tiềm năng du lịch của TPHCM.

Nhìn ở quy mô quốc gia, đến nay Việt Nam chỉ đón hơn 950.000 lượt khách quốc tế, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm hơn 90% so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19 và chưa đạt 1/5 chỉ tiêu đề ra trong năm 2022 (5 triệu lượt khách).

Khách quốc tế mới đạt 1/5 kỳ vọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói gì? - 1

Gian hàng hoạt động trong sự kiện "Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam", diễn ra tại TPHCM (Ảnh: TST Tourist).

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong năm 2022 Việt Nam mong muốn đón 60 triệu lượt khách nội địa. Đến hiện tại, thống kê cho thấy đã có 71,1 triệu lượt khách nội địa, vượt chỉ tiêu đề ra. Doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 37%. Doanh thu của dịch vụ lữ hành cũng tăng mạnh so với năm dịch.

Các con số trên cho thấy sự cố gắng của toàn ngành, nhưng kết quả này chỉ là bước đầu. Bởi còn rất nhiều những khó khăn phía trước.

Ông Hùng phân tích, đại dịch Covid-19 khiến nguồn nhân lực cho du lịch đang yếu và thiếu. Thứ hai, Việt Nam mong muốn mở cửa để phát triển du lịch, nhưng chính sách mở cửa của mỗi nước là khác nhau. Nếu như chiến tranh khiến Nga, một thị trường khách quốc tế quen thuộc của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng, thì thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc lại vẫn đang tập trung chống dịch. 

Trong khi đó, biến thể mới của dịch bệnh lại tấn công các quốc gia, bao gồm Việt Nam. Ông Hùng nhấn mạnh, vấn đề sức khỏe của người dân là trên hết, không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi.

Khách quốc tế mới đạt 1/5 kỳ vọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói gì? - 2

Doanh nghiệp lữ hành Việt tổ chức tour du lịch đến Malaysia sau 2 năm dịch Covid-19 (Ảnh: Công ty du lịch).

Một thách thức khác là việc nhiều nước trong khu vực luôn theo dõi sát Việt Nam để có những bước đi trước, nếu không cẩn thận sẽ bị bắt kịp và thậm chí bị bỏ xa. Hay một số chính sách hỗ trợ chưa đến được với người làm dịch vụ du lịch, trong khi đó yêu cầu ngày càng cao hơn. 

"Chúng ta đang có tâm lý tập trung khai thác du lịch nội địa mà có sự dễ dãi. Hoạt động du lịch cũng còn nhiều mảng tối từ khâu dịch vụ, sản phẩm" - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định.

Từ những nhận định trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị, các đơn vị trong ngành du lịch cần phải có một tư duy mới. Các doanh nghiệp cần tập trung cung cấp những dịch vụ căn cơ, bài bản, vì nếu phát triển dễ dãi thì sẽ mất khách.

"Phải cải thiện dịch vụ. Không có một du khách nào chấp nhận sự chặt chém, chấp nhận dịch vụ tạm bợ, cho qua chuyện. Du lịch phải sang, phải đẹp" - Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các hiệp hội phải bắt tay thật chặt, phải liên kết phát triển, các doanh nghiệp phải giữ vai trò kết nối lẫn nhau trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi.

Khách quốc tế mới đạt 1/5 kỳ vọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói gì? - 3

Hơn 765.000 du khách quốc tế đã đến TPHCM trong 7 tháng đầu năm (Ảnh: Hoàng Lê).

Kiến nghị của ngành du lịch 3 miền

Trong phần nêu giải pháp và kiến nghị, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) chia sẻ, thời gian vừa qua nhìn những thông tin, hình ảnh tràn ngập về du lịch nội địa, ai cũng nghĩ rằng ngành du lịch đã phục hồi hoàn toàn sau đại dịch.

Tuy nhiên, doanh nghiệp du lịch vẫn còn rất nhiều khó khăn. Ông Tài xác định, muốn phục hồi và phát triển du lịch thì phải xây dựng thế "kiềng 3 chân", gồm du lịch nội địa, du lịch quốc tế và du lịch từ quốc tế vào nội địa (inbound).

Về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch, Saigontourist xác định, việc đào tạo phải vừa là đào tạo mới, vừa đào tạo lại. Ngoài ra, sản phẩm du lịch bây giờ phải được xây dựng theo hướng tăng cảm xúc, tính trải nghiệm, để du khách có thể cảm nhận.

Công ty cũng rất quan tâm đến việc thúc đẩy thị trường MICE, và đang xây dựng kế hoạch để làm sao thu hút được khách từ các chương trình hội nghị, không chỉ về du lịch mà còn ở các lĩnh vực ngoại giao, văn hóa, thể thao…

Khách quốc tế mới đạt 1/5 kỳ vọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói gì? - 4

Doanh nghiệp du lịch cho rằng Việt Nam cần làm việc với các nước để thống nhất chính sách mở cửa, khơi thông được dòng chảy khách du lịch quốc tế (Ảnh: Hoàng Lê).

Đại diện cho doanh nghiệp du lịch miền Trung, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietnam TravelMART đề nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch phải có sự làm việc, trao đổi với các cơ quan ngoại giao để thống nhất được chính sách mở cửa, từ đó khơi thông được dòng chảy khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. 

Kế đến, phải có những thể chế xúc tiến vùng cho doanh nghiệp. Ông Dũng nhận định, cách làm du lịch hiện nay đang bị giới hạn ở địa giới hành chính, chỉ sử dụng nhân lực địa phương chứ không có nguồn lực tổng thể cho xúc tiến vùng. Ngoài ra, cần làm việc và quảng bá du lịch trên các nền tảng thương mại điện tử, vì ở những kênh này cũng có sự tìm kiếm về thị trường Việt Nam rất lớn.

Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội mong muốn được Bộ chủ quản sớm định hướng được thị trường tổng thể, để doanh nghiệp có thể tập trung vào. Ngoài ra, ông đề xuất các địa phương phải xây dựng được những sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt và độc đáo hơn. Khi đã có sản phẩm hấp dẫn, việc chuyển đổi số là nền tảng để tiếp cận được du lịch quốc tế.