Kênh đào xây từ trước Công Nguyên, niên đại 2.500 năm đến nay vẫn dùng

Huy Hoàng

(Dân trí) - Có lịch sử hơn 2.500 năm được xây dựng từ trước Công Nguyên, đến nay kênh đào Đại Vận Hà vẫn còn tồn tại và vẫn được sử dụng.

Được xây dựng vào khoảng năm 468 trước Công Nguyên, đến nay với tuổi đời hơn 2.500 năm, Đại Vận Hà là một trong những công trình vĩ đại nhất của Trung Quốc thời cổ đại.

Công trình là một hệ thống tuyến đường thủy ở miền đông và miền bắc nước này, bắt đầu từ Bắc Kinh, kết thúc tại thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang, nối sông Hoàng Hà và sông Dương Tử.

Với chiều dài lên tới 1.800km, đây là đường thủy nhân tạo dài nhất thế giới. Theo tài liệu cổ ghi lại, để tạo nên công trình vĩ đại này đã cần tới sức lực của hơn 3 triệu nhân công.

Kênh đào xây từ trước Công Nguyên, niên đại 2.500 năm đến nay vẫn dùng - 1
Đến nay, kênh đào Đại Vận Hà đã hơn 2.500 năm (Ảnh: History).

Vào thời kỳ hoàng kim, Đại Vận Hà gồm hơn 2.000 nhánh, nối liền 5 lưu vực sông lớn nhất của Trung Quốc. Hệ thống kênh đào được xây dựng để vận chuyển thóc gạo dư thừa từ vựa lúa ở châu thổ sông Trường Giang và sông Hoài tới kinh thành, cung cấp lương thực cho các doanh trại quân đóng ở phía bắc.

Kênh đào này còn đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo việc thông thương và giao lưu văn hóa giữa các tỉnh phía bắc, phía nam thuộc miền đông nước này. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, tới nay, công trình vẫn tồn tại và được sử dụng.

Con kênh được xây dựng thành nhiều đoạn ở các khu vực khác nhau trong các thời kỳ, bắt đầu từ thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên. Nhưng phải tới thế kỷ thứ 7, dưới sự chỉ huy của Tùy Dạng Đế, công trình bước vào giai đoạn mở rộng quy mô như ngày nay.

Kênh đào xây từ trước Công Nguyên, niên đại 2.500 năm đến nay vẫn dùng - 2
Đây là đường thủy nhân tạo dài nhất thế giới (Ảnh: Amusing).

Khi đó, nhà Tùy cần một đường vận chuyển lương thực từ khu vực màu mỡ phía tây bắc sông Trường Giang tới kinh thành. Đây là nơi quân đội thường xuyên giao chiến với các bộ lạc du mục. Dưới sự giám sát của hàng nghìn binh lính, hơn 3 triệu nhân công được huy động. Sau 6 năm, công trình hoàn thành nhưng một nửa số nhân công bỏ mạng vì lao động cật lực và đói ăn.

Tính đến năm 735, gần 150 triệu kg ngũ cốc được vận chuyển hàng năm dọc theo kênh đào. Những mặt hàng khác như bông, đồ gốm sứ, cũng được vận chuyển qua đường giao thông này, qua đó giúp nền kinh tế Trung Quốc thời đó rất phát triển.

Kênh đào xây từ trước Công Nguyên, niên đại 2.500 năm đến nay vẫn dùng - 3
Năm 2014, công trình được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới (Ảnh: Travel).

Khi triều đại Nguyên Mông (1271-1368) dời thủ đô tới Bắc Kinh đã loại bỏ nhánh kênh tới Khai Phong hoặc Lạc Dương vì không dùng tới. Thay vào đó đã thiết lập lối đi tắt qua tỉnh Sơn Đông, giúp độ dài của dòng kênh giảm khoảng 700km, tạo ra lộ trình như ngày nay.

Kênh đào 2.500 tuổi trong mắt du khách nước ngoài

Từ giữa thời nhà Minh (1368-1644), Đại Vận Hà trải qua quá trình đại tu. Con kênh được cải tiến liên tiếp, mang lại nhiều thành tựu xuất sắc, cũng nhờ đó tạo ra nhiều đổi mới kỹ thuật phi thường. Năm 587, cửa cống đầu tiên trên thế giới được một kỹ sư cổ đại thời nhà Tùy có tên Lương Nhuệ phát minh trên một đoạn kênh dọc theo sông Hoàng Hà.

Kênh đào xây từ trước Công Nguyên, niên đại 2.500 năm đến nay vẫn dùng - 4
Một phần của kênh đào nhìn từ góc nhìn trên cao (Ảnh cắt từ clip).

Năm 984, một vị quan lúc bấy giờ có tên Kiều Vệ Nguyệt phát minh ra hệ thống khóa nước (thiết bị lắp đặt trên các kênh rạch hoặc cảng biển để tăng, giảm mực nước). Đây cũng là hệ thống khóa nước thường thấy ở các kênh đào hiện đại ngày nay.

Khi đường sắt xuất hiện, kênh đào dần rơi vào tình trạng hoang phế và hư hỏng. Ngày nay, chỉ còn đoạn kênh từ Hàng Châu tới Tế Ninh là có thể điều hướng được. Phần trung tâm và phía nam được duy trì và sử dụng chủ yếu để vận chuyển than khai thác từ các mỏ ở hai tỉnh Sơn Đông, Giang Tô. Những đoạn kênh khác của Đại Vận Hà bị bùn cát bồi tụ, trong khi đoạn ở vùng phía bắc đã khô cạn.