Hướng dẫn viên du lịch phải đi bán hàng hội chợ

Phạm Nguyễn

(Dân trí) - Tại lễ hội Tết Việt vừa qua, một hình ảnh khá xúc động làm cho người làm du lịch chạnh lòng: nhân viên bán tour gặp đồng nghiệp cũ là hướng dẫn viên đang bán hàng trong hội chợ.

Xúc động hướng dẫn viên tiếng Nhật ngân nga "bài ca Phú Sĩ" vì nhớ nghề 

Bán hàng trong lễ hội, hội chợ

Trước dịch, họ là đồng nghiệp, người tư vấn tour rồi lên tour, hướng dẫn viên nhận đoàn và thực hiện nghiệp vụ của người hướng dẫn. Dịch Covid-19 xảy ra, tour quốc tế "đóng băng".

Hướng dẫn viên du lịch phải đi bán hàng hội chợ - 1
Hai nhân viên phòng tour (áo dài) đang trò chuyện với chị Trần Thị Trang Thư (áo đen) đồng nghiệp là hướng dẫn viên cùng xuất hiện tại lễ hội Tết Việt nhưng trong hai vai trò khác nhau. Chị Thư tạm ngưng việc vì đường bay quốc tế chưa mở lại, được các đồng nghiệp hỗ trợ một gian hàng để bán bưởi hái từ vườn dưới Mỹ Tho.
Hướng dẫn viên du lịch phải đi bán hàng hội chợ - 2

Chị Thư cũng nhờ có việc bán thêm ở lễ hội mà biết thêm được nhiều khả năng bản thân.  

Chị Trần Thị Mỹ Hoàng, một hướng dẫn viên tiếng Nhật kỳ cựu cho biết thời điểm xảy ra dịch, các đường tour cắt đột ngột khiến chị và nhiều đồng nghiệp khác cũng "ngẩn ngơ".

"Nhờ anh chị em đồng nghiệp hỗ trợ cho gian hàng trong lễ hội Tết Việt bán mấy sản phẩm từ nông nghiệp như ca cao, bưởi, ổi… mới phát hiện thêm khả năng bán hàng của mình. Ở góc độ nào đó, Covid làm cho mình nhận ra khả năng của bản thân. Nói là như thế nhưng nhớ nghề lắm, mong cho dịch bệnh sớm qua, các tour mở trở lại", chị Hoàng cảm xúc.

Hướng dẫn viên du lịch phải đi bán hàng hội chợ - 3
Chị Trần Thị Mỹ Hoàng, một hướng dẫn viên tiếng Nhật kỳ cựu đang giới thiệu sản phẩm làm từ ca cao cho du khách.
Hướng dẫn viên du lịch phải đi bán hàng hội chợ - 4
Chị Hoàng phấn khởi khi gặp được khách hàng có tâm, góp ý chân tình.  

Tương lai nào cho hướng dẫn viên

Trong một diễn biến khác liên quan đến các hướng dẫn viên, ngày 25/1, Chi hội hướng dẫn viên du lịch TPHCM thuộc Hiệp hội Du lịch TPHCM tổ chức đại hội nhiệm kỳ II (2021-2023) bầu ra Ban chấp hành gồm 18 thành viên. Kỳ này, ông Phan Bửu Toàn tiếp tục đắc cử Chủ tịch Chi hội hướng dẫn viên du lịch TPHCM nhiệm kỳ II. 

Trao đổi các vấn đề liên quan đến hướng dẫn viên với ông Phan Bửu Toàn tại đại hội, ông rất chia sẻ với các hướng dẫn viên khi trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiệm kỳ II tiếp tục là một giai đoạn khó khăn cho hướng dẫn viên cũng như các ngành nghề khác. Ban chấp hành xác định nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ II là quyết tâm làm sao tìm ra các giải pháp hỗ trợ hướng dẫn viên vượt qua khó khăn, nhất là hướng dẫn viên quốc tế gần như "tê liệt".

"Theo đó, chi hội sẽ tìm các công việc để hướng dẫn viên tạm thời chuyển đổi; kí kết với các đơn vị ngoài ngành du lịch mà trong khả năng hướng dẫn viên làm được; tăng cường liên kết với chi hội HDV trên cả nước, tăng cường liên kết với các chi hội thuộc Hiệp hội du lịch TPHCM", ông Toàn tâm tư. 

Qua đó, tạo công ăn việc làm cho hướng dẫn viên đồng thời là cơ hội cho những hướng dẫn viên mới có thể nâng cao tay nghề. Để khi du lịch phục hồi, lực lượng hướng dẫn viên TPHCM quay lại với kỹ năng kiến thức tốt để đáp ứng nhu cầu du khách. 

Hướng dẫn viên du lịch phải đi bán hàng hội chợ - 5
Ông Phan Bửu Toàn chia sẻ tâm tư về tình hình các hướng dẫn viên  

"Hiện tại Chi hội có hơn 600 hướng dẫn viên, ngoài hội viên từ các công ty lữ hành, hướng dẫn viên tự do đã tăng lên đáng kể, chiếm khoảng 70% tổng số hội viên. Mục tiêu ban chấp hành nhiệm kỳ tới đặt ra là thu hút 1.000 hướng dẫn viên tham gia", ông Toàn nói. 

Hướng dẫn viên du lịch phải đi bán hàng hội chợ - 6
Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM cho biết, trong quá trình hoạt động Chi hội hướng dẫn viên du lịch TPHCM khẳng định được tiêu chí, mục đích là vì ngành du lịch.   

Ban chấp hành có những hoạt động hiệu quả góp phần hiệu sự phát triển chung của ngành du lịch TPHCM và nghề hướng dẫn viên.

"Chẳng hạn, chi hội đã phối hợp Sở Du lịch tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức về luật, chuyên môn cho hướng dẫn viên. Nhất là trong mùa dịch đã đau đáu nghĩ ra những giải pháp như tổ chức các phiên chợ cuối tuần giúp hướng dẫn viên vượt qua khó khăn", bà Khánh nêu rõ.

Bên cạnh đó, bà Khánh mong doanh nghiệp lữ hành làm sao giữ đội ngũ hướng dẫn viên, người lao động để sau khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch quốc tế mở cửa lại thì có sẵn nguồn nhân lực đáp ứng. 

"Trong một tour du lịch thành công, hướng dẫn viên chiếm 70-80%. Nếu đội ngũ hướng dẫn viên khi đổi nghề rồi có khi họ không quay lại, đây là điều ngành du lịch Việt Nam và thành phố phải nghĩ tới", bà Khánh trăn trở.