Hội An: Dịch vụ chèo đò cũng vắng khách vì dịch corona
(Dân trí) - Dịch vụ chèo đò trên sông Hoài được nhiều du khách thích thú khi đến với Hội An. Những ngày qua, do ảnh hưởng của dịch corona, du khách đến Hội An giảm đáng kể, dịch vụ chèo đò cũng rơi vào cảnh ế ẩm.
Theo những người làm nghề chèo đò phục vụ du khách ở Hội An, bắt đầu từ sau Mùng 4 Tết do ảnh hưởng của virus corona, lượng du khách đến Hội An giảm thì dịch vụ chèo đò cũng bắt đầu ít khách.
Theo thống kê của ngành du lịch thành phố Hội An, trước diễn biến phức tạp của virus corona, lượng khách du lịch đến TP Hội An giảm khoảng hơn 10%, số lượng này được tính dựa trên số vé bán ra so với cùng kỳ.
Đến thời điểm hiện tại, có khoảng hơn 30% tour đã hủy phòng khiến ngành du lịch Hội An bị ảnh hưởng rất nhiều.
Bà Nguyễn Thị Năm (một người làm nghề chèo đò trên sông Hoài) chia sẻ, mọi năm thời điểm tháng Giêng là mùa khách Tây đến Hội An du lịch rất đông nhưng năm nay giảm đáng kể. Không những vậy, cả khách Châu Á theo đi theo đoàn như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… cũng ít đi rất nhiều.
Theo bà Năm, mọi năm thời điểm này khách đi chật kín các tuyến đường chứ không lưa thưa như hiện nay. Mỗi ngày, bà bắt đầu công việc từ 17h đến 21h30 thì nghỉ, trung bình có thể kiếm từ 500-1 triệu đồng, nhưng hiện nay có ngày chỉ kiếm được 50.000 đồng hoặc có khi phải chèo đò về không.
“Tôi nghe trên truyền thông nói về ảnh hưởng của dịch Covid-19, không những du lịch Hội An mà nhiều nơi cũng bị ảnh hưởng nên mình cũng chịu thôi. Thành phố kiểm soát chặt các biện pháp an toàn phòng dịch, đảm bảo sức khỏe cho người dân và du khách, hiện du khách họ cũng ngại du lịch thời điểm này. Tôi chỉ mong muốn dịch sớm kiểm soát, du khách sẽ sớm quay trở lại”, bà Năm nói.
Liên tục chào mời khách đi đò, nhưng đáp lại chỉ là những cái lắc đầu, bà Trần Thị Xứng (68 tuổi) chán nản cho biết, từ gần nửa tháng nay công việc chèo đò gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của dịch nên du khách ít hơn. Mọi năm thời điểm này bà chèo đò mỏi tay nhưng năm nay lại vắng lặng, đìu hiu.
“Những ngày này, người nào chèo được hai chuyến đã là may mắn lắm, hôm qua tôi chẳng chèo được chuyến nào, phải đi ghe về không. Bình thường, trời càng về tối thì khách càng đông, nhưng hiện nay càng về tối khách lại ít đi. Mọi khi ghe chạy đông đúc, nhộn nhịp nhưng hiện nay chỉ lác đác vài chiếc, tầm 18h-20h mới có khách đi nhưng ít lắm”, bà Xứng nói.
Theo quan sát của phóng viên, dù đã 19h nhưng khách đi đò khá ít, không phải cảnh nhộn nhịp, rộn ràng như trước mà vắng lặng, trong khi mọi năm đây là thời điểm du khách rất đông đúc.
Ông Trần Điền (56 tuổi) là một trong những người đầu tiên gắn bó với nghề chèo đò chở khách du lịch ở Hội An. Từ năm 2016, khi du khách bắt đầu đông đúc thì dịch vụ chèo đò cũng “ăn nên làm ra”. Nhờ nghề này mà cuộc sống nhiều người cũng bớt khó khăn.
Bình thường cũng có khách, ngày ít ngày nhiều nhưng chưa lúc nào mà gần nửa tháng khách lại vắng như vậy. Khu vực ông đậu ghe gần chùa Cầu, bình thưởng người đi lại đông đúc, nhất là thời điểm tháng Giêng này, nhưng hiện nay vắng hơn mọi năm.
“Mọi năm, trong và sau Tết thì khách đổ về rất đông, vui chơi và tham gia các lễ hội, nhất là lễ rằm tháng Giêng. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng virus corona nên các lễ hội bị hủy bỏ. Không những khách nước ngoài, mà cả khách Việt cũng rất ít. Khách nhiều mình dễ mời đi, nhưng ít thế này thì rất khó mời, đa số là những cái lắc đầu. Chỉ mong dịch mau chóng qua đi để công việc làm ăn ổn định trở lại”, ông Điền chia sẻ.
Hiện tại Hội An có 140 chiếc ghe nằm trong đội chèo đò vận chuyển khách du lịch có đăng kiểm và gắn số. Dịch vụ chèo đò làm cho cuộc sống người dân cũng ổn định hơn. Phần lớn lao động chèo đò đều thuộc lứa tuổi ngoài 50, trong đó đa số là phụ nữ.
Hội An đang siết chặt công tác phòng dịch, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người dân và du khách. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, du khách về vấn đề phòng dịch, bảo vệ sức khỏe bản thân. Thực hiện tiêu độc, khử trùng ở nhiều khu vực tập trung đông người, nhất là khu phố cổ… đảm bảo Hội An vẫn là điểm đến thân thiện, an toàn với mọi người.
Công Bính-Ngô Linh