Hồ nước 50.000 năm tuổi bất ngờ chuyển màu lạ chỉ sau một đêm

(Dân trí) - Hồ nước rộng 1,2 km trên miệng núi lửa chỉ sau một đêm bất ngờ chuyển sang màu hồng.

Hồ nước bất ngờ chuyển màu lạ chỉ sau một đêm

Hồ nước trên miệng núi lửa Lonar ở bang Maharashtra thuộc miền tây Ấn Độ là một trong những điểm đến nổi tiếng nhất ở khu vực này.

Đây là hồ nước hình thành sau vụ va chạm thiên thạch cách đây khoảng 50.000 năm. Hồ nằm cách phía đông thành phố Mumbai chừng 500 km, là điểm du lịch hút khách và được giới khoa học từ khắp nơi tìm tới.

Hồ nước 50.000 năm tuổi bất ngờ chuyển màu lạ chỉ sau một đêm - 1
Hồ nước trên miệng núi lửa bất ngờ chuyển hồng chỉ sau một đêm

Bất ngờ chỉ sau một đêm, ngày 11/6, nước hồ chuyển sang màu hồng kỳ lạ, khiến các nhà nghiên cứu băn khoăn tìm lời giải thích nguyên nhân dẫn tới sự đổi màu.

Các chuyên gia tin rằng, sự thay đổi sắc nước có thể do độ mặn trong nước tăng lên, đồng thời có sự hiện diện của tảo, hoặc là sự kết hợp của cả hai yếu tố trên. Trường hợp này đúng với màu nước hồng ở hồ Hillier (Australia).

Hồ nước 50.000 năm tuổi bất ngờ chuyển màu lạ chỉ sau một đêm - 2
Hồ nước màu hồng Hillier nổi tiếng ở Australia

Gajanan Kharat, một nhà địa chất địa phương đã chia sẻ đoạn video trên Twitter và cho biết, mực nước hồ Lonar đang ở mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây vì thiếu mưa.

"Mực nước giảm mạnh khiến độ mặn tăng lên, gây ra một số thay đổi bên trong. Bên cạnh đó, mực nước thấp cũng khiến nhiệt độ trong hồ tăng lên, tạo điều kiện để tảo sinh sôi. Dần dần, hồ chuyển sang màu hồng. Một hồ nước ở Iran cũng chuyển màu do thay đổi độ mặn", nhà địa chất học Kharat giải thích.

Hồ nước 50.000 năm tuổi bất ngờ chuyển màu lạ chỉ sau một đêm - 3
So sánh sự khác nhau của màu nước ở hồ Lonar

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, lệnh phong tỏa do Covid-19 ở Ấn Độ cũng có thể là nguyên nhân tác động tới màu nước hồ. Do nhiều nhà máy quanh khu vực phải đóng cửa suốt vài tháng nay vì dịch bệnh khiến chất lượng nước được cải thiện rõ rệt.

Hiện mẫu nước được gửi tới một số phòng thí nghiệm để kiểm tra. "Kết quả sẽ làm rõ nguyên nhân tại sao hồ chuyển sang màu hồng", ông Kharat nói.

Được biết, hồ nước trên miệng núi lửa Lonar có tính kiềm cao trong tự nhiên với độ pH đạt 10,5. Điều này cho phép sự phát triển của một số loài vi sinh vật, trong đó có những loại không tìm thấy ở bất cứ nơi nào.

Huy Hoàng

Theo AFP/ Timesnownews

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm