Hồ “Chảo chiên” kỳ lạ nước sôi ùng ục quanh năm
(Dân trí) - Với tên gọi đặc biệt, “Frying Pan” hay “hồ Chảo chiên” là một trong những hồ nước nóng lớn nhất thế giới. Nước tại đây có tính axit luôn giữ ở mức nhiệt khoảng 50 độ C – 60 độ C quanh năm.
Hồ “Frying Pan” hay “hồ Chảo chiên”, được đổi tên thành Waimangu Cauldron vào năm 1963, dù cái tên này không được sử dụng rộng rãi, là một trong những hồ nước nóng lớn nhất thế giới.
Nó nằm trên miệng núi lửa Echo của thung lũng Waimangu, New Zealand. Nước tại đây có tính axit, luôn giữ ở mức nhiệt khoảng 50 độ C – 60 độ C quanh năm.
Bề mặt hồ luôn sôi sục, bị che khuất bởi lớp hơi nước, khí hydro sunfua, carbon dioxide, sủi bọt trên bề mặt. Frying Pan được sinh ra từ một vụ phun trào núi lửa lớn vào năm 1886. Khi đó, núi Tarawera “bùng nổ”, hình thành một số miệng núi lửa lớn trong khu vực. Đó cũng là trận phun trào núi lửa lớn nhất ở New Zealand.
Vụ phun trào này còn lan rộng qua thung lũng, phá hủy nhiều địa danh. Đợt phun trào thậm chí còn phá hủy vùng đất quý giá của New Zealand, trong đó có địa danh Pink and White Terraces nổi tiếng bị xóa sổ hoàn toàn. Nhưng bù lại, nó cũng cấp cho thung lũng Waimangu những thứ đặc trưng về thủy nhiệt và địa nhiệt.
Trong suốt 15 năm kể từ vụ phun trào, những miệng núi lửa trải qua các trận mưa, hình thành nên suối nước nóng, và một trong số đó là hồ Frying Pan. Nhưng đó chưa phải là kích thước của hồ hiện tại. Một vụ phun trào lớn khác xảy ra năm 1917 biến hồ đạt tới hình dạng và kích thước hiện nay.
Hồ Frying Pan bao phủ bởi 38.000 m2, có độ sâu trung bình 6m. Trên bờ phía tây của nó là những bậc thềm đầy màu sắc, còn phía đông là một miệng núi lửa lớn còn lại sau khi Waimangu Geyser ngừng hoạt động. Xung quanh miệng hồ là những bãi khoáng sản đầy màu sắc.
Hiện tại, quanh khu vực này vẫn là “ngôi nhà chung” của nhiều động thực vật. Tuy nhiên, chúng đều là những sinh vật chịu nhiệt và có thể phát triển ở nhiệt độ cao.
Huy Hoàng
Theo WK, APt