Giới siêu giàu “tìm lối thoát hiểm” trong cảnh sống xa hoa

(Dân trí) - Nhiều thành viên các “câu lạc bộ triệu phú” vẫn giữ lối sống xa hoa và tìm mọi cách “lách phong toả”, để có được cái gọi là “bảo hiểm cuối cùng”.

Giới siêu giàu “tìm lối thoát hiểm” trong cảnh sống xa hoa - 1

Malta được xếp hạng năm 2017 là có chương trình đầu tư quốc tịch hàng đầu, trong khi Bồ Đào Nha có chương trình đầu tư cư trú hàng đầu thế giới. (Ảnh: CEOtoday)

Nhiều người trong giới siêu giàu trên thế giới được cho là đã và vẫn đang tham gia trò chơi "lách lệnh phong toả", theo cách vung tiền ra mua cái gọi là “hộ chiếu thời đại dịch” để có tư cách công dân nhiều nước.

Điều được giới siêu giàu rất quan tâm là có được “bảo hiểm cuối cùng” để đảm bảo họ có thể “lọt qua bất kỳ lỗ hổng” nào trên đường tới những nơi “không có Covid-19” mà họ lựa chọn, phòng trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu hơn.

Giới siêu giàu “tìm lối thoát hiểm” trong cảnh sống xa hoa - 2

“Hộ chiếu thời đại dịch” được giới nhà giàu coi như “bảo hiểm cuối cùng”. (Ảnh: Getty)

Theo số liệu mới nhất của hãng môi giới quyền công dân Henley & Partnets ở London - cơ sở lớn nhất trong ngành kinh doanh “quản lý danh tính” (còn được gọi là “hộ chiếu để bán”), số người nộp đơn đăng ký chính thức để có thêm quốc tịch mới trong 3 tháng đầu năm 2020 đã tăng 42% so với cùng kỳ năm trước, số người hỏi thông tin cũng tăng 25%.

Tạp chí Mỹ Robb Report dẫn lời ông Christian Kalin - Chủ tịch hãng Henley & Partnets cho biết: “Di cư đầu tư” đã chuyển hướng từ chỉ sống theo cách người ta muốn trong các kỳ nghỉ hoặc đi công cán, sang tầm nhìn toàn diện hơn bao gồm cả chăm sóc sức khoẻ và bảo đảm an toàn. Vì vậy có thể nói chính xác là hãng phải thuyết phục được những cá nhân có nguồn tài sản lớn đang cần một “kế hoạch thoát hiểm”.

Giới siêu giàu “tìm lối thoát hiểm” trong cảnh sống xa hoa - 3

Một số quốc gia cấp quốc tịch thường trú để đổi lấy những khoản đóng góp trực tiếp.

“Chúng tôi muốn biết những nơi an toàn, có dịch vụ y tế tốt, để cả gia đình có thể đến trong thời gian ngắn khi cần. Chỉ có quyền công dân mới đảm bảo được điều đó” - một triệu phú người Italia nói với Robb Report.

Hiện tại những tấm “hộ chiếu thời đại dịch” hoặc các chương trình thường trú phổ biến nhất là của: Áo, Thuỵ Sĩ, Bồ Đào Nha, Malta (châu Âu); Australia, Antigua, St. Kitts & Nevis (châu Đại Dương); Tuvalu, Vanuatu (vùng biển Caribbea); Cyprus (đảo Síp - quốc gia ở Trung Đông) và Montenegro (vùng Balkan).

Giới siêu giàu “tìm lối thoát hiểm” trong cảnh sống xa hoa - 4

Các quốc gia này cung cấp quốc tịch thường trú để đổi lấy những khoản đóng góp trực tiếp vào Kho Bạc nhà nước, hoặc đầu tư vào bất động sản hay vào các doanh nghiệp địa phương.

Chi phí ít nhất là 100 ngàn USD cho mỗi thành viên gia đình ở vùng biển Caribbea, nhưng tăng tới 1 triệu - 2 triệu Euro (1,1 triệu – 2,2 triệu USD) ở Malta và Cyprus, thậm chí tới 7 triệu Euro (7,6 triệu USD) hoặc hơn tại Áo...

Giới siêu giàu “tìm lối thoát hiểm” trong cảnh sống xa hoa - 5

Quốc đảo Antigua ở vùng biển Caribbea có nhiều nơi phong cảnh đẹp như thiên đường.

Khoảng cách giàu - nghèo càng nổi rõ hơn trong thời kỳ khó khăn chung do đại dịch, đặc biệt là qua cách giới nhà giàu ở Mỹ - quốc gia có 614 tỷ phú - khi “di tản tránh Covid-19” tới các vùng quê, vùng biển vẫn tiếp tục lối sống xa hoa khác một trời một vực với đại đa số người dân.

Họ vẫn thuê đầu bếp từ các nhà hàng nổi tiếng phục vụ riêng, thuê lái xe Limo chuyển hàng hoá, đặc sản đắt tiền, thư từ (kể cả chuyển thư điện tử rác) tới tận những nơi “trú ẩn” mới.

Giới siêu giàu “tìm lối thoát hiểm” trong cảnh sống xa hoa - 6

Nhân viên kiểu quản gia đeo găng tay trắng của một hãng dịch vụ, nhận hàng từ tiệm ăn Thái cao cấp At-Ta-Rote...

Giới siêu giàu “tìm lối thoát hiểm” trong cảnh sống xa hoa - 7

… Rồi giao cho một khách hàng tại Bangkok hôm 4/5. (Ảnh: Getty)

Tương tự như vậy, giới siêu giàu sành ăn tại Thái Lan - quốc gia có 27 tỷ phú (theo Forbes) cũng đang khiến dư luận xôn xao khi biết cách họ vẫn tiếp tục lối sống thời thượng như thường lệ.

Chỉ khác là họ thuê các hãng dịch vụ cử nhân viên với tư cách quản gia đi găng tay trắng, lái xe Sedan đen tới các tiệm ăn nổi tiếng nhất nhận hàng rồi đưa tới tận nhà, bày biện cẩn thận sao cho khách hàng cảm thấy vẫn được trải nghiệm như ăn tại nhà hàng sang trọng.

Giới siêu giàu “tìm lối thoát hiểm” trong cảnh sống xa hoa - 8

“Chợ ẩm thực Italia” tại Bangkok. (Ảnh: news.Italianfood)

Theo hãng tin AFP, các hãng hỗ trợ khách hàng tại Thủ đô Bangkok của Thái Lan cung cấp những bữa ăn từ các nhà hàng cao cấp được gắn sao Michelin cho các khách VIP và người nổi tiếng.

Ông Jakkapun Rattanapet - người sáng lập hãng hỗ trợ khách hàng Silver Voyage Club - cho biết: Ngay sau khi hoạt động kinh doanh vận tải của hãng bị đình trệ do đại dịch Covid-19, ông chuyển sang cung cấp thực phẩm cao cấp. Đồng thời khởi động dịch vụ White Glove Delivery (giao hàng Găng tay trắng) như một chương trình tưởng thưởng các khách hàng có ít nhất 1 triệu USD trong ngân hàng.

Tình hình chắc sẽ khác khi Thái Lan bắt đầu mở cửa trở lại từ ngày 3/5, cho phép một số nhà hàng tiếp tục phục vụ ăn uống tại chỗ song song với áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.

Linh Lê

Theo Business Insider