Gặp ‘Tarzan’ trên đỉnh trời Tây Bắc
(Dân trí) - Đã giữa trưa, nhưng thời tiết trên đỉnh Fansipan vẫn tù mù. Gió hồng hộc thổi, cuốn theo mưa bụi mờ mịt phủ kín cả cột cờ. Hơi nước đầm đìa, trơn tuột và lạnh buốt.
Ngô Văn Thành, tổ trưởng Tổ vệ sinh Công cộng (khu du lịch Sun World Fansipan Legend) kéo mũ áo mưa phủ kín đầu rồi xăm xắn cùng 2 đồng nghiệp đi lên phía sàn 3.143m. Hôm nay, theo lịch, tổ 3 người của Thành đến phiên đu mình dọc sườn núi để dọn rác cho nóc nhà Đông Dương.
Tổ tarzan trên đỉnh trời
“Đã xem lại dây chưa? Găng tay có bị rách không? Trời mưa thế này anh em mang ủng hết nhé. Đi giày trơn lắm, không làm được đâu.”
Vừa lúi húi kiểm tra lại chiếc đai bảo hiểm to bản, tổ trưởng Thành vừa ngẩng lên dặn 2 đồng nghiệp mang đủ đồ nghề cho phiên... nhặt rác trên đỉnh trời. Ngay bên cạnh, Bàn Văn Thủy và Lý Văn Nhỉ, hai cậu trai trẻ măng đã sắp gọn sợi dây thừng dài chừng 60m thành một cuộn lớn, khoác lên vai, săm sắm bước về phía đỉnh núi.
Bên ngoài, gió đẩy mưa tháng 7 ràn rạt táp xiên mặt người, cùng với sương mây kết thành một tấm màn bao phủ kín đỉnh 3.143m. Nhỉ khẽ rùng mình khi cái lạnh len lỏi qua cổ áo, hơi thở hóa khói, trắng xóa cùng mây trời.
“Cứ một tuần hai lần, tổ vệ sinh chúng tôi sẽ có nhiệm vụ tiếp cận 4 mặt núi xung quanh đỉnh Fansipan để dọn sạch rác du khách ném xuống phía dưới. Chỉ trừ khi xuất hiện tuyết hoặc băng giá, anh em mới buộc phải dừng”, Nhỉ giải thích.
Tới sàn đặt chóp, cả nhóm bắt đầu dỡ đồ nghề. Nhỉ được phân công “đu xuống vực” bằng sợi dây thừng đã cố định chặt ở lan can mặt sàn. Dù đã đóng vai “tarzan nhặt rác” ngót nghét 2 năm, nhưng cậu trai người Dao vẫn có vẻ căng thẳng, lẩn mẩn thắt lại đai bảo hiểm trên hông, mắt ngó đăm đăm về phía sườn núi ràn rạt gió.
Chỉ xuống một mảng đất đá nhô ra giữa lưng chừng trời, tổ trưởng Ngô Văn Thành giải thích: “Dù chúng tôi đã bố trí rất nhiều thùng rác quanh khu vực đỉnh Fansipan, nhưng nhiều du khách vẫn có... thói quen ném thẳng xuống sườn núi. Vỏ chai nhựa, lon bia, túi nilon, thậm chí cả áo mưa, quần áo hỏng... lâu ngày mắc kẹt trong các khe đá, cành cây, với số lượng không nhỏ”.
Lúc này, nhiệm vụ của tổ vệ sinh là phải nhặt cho bằng hết những thứ du khách... lỡ “bỏ quên” trên cổng trời.
Sau khi kiểm tra lần cuối, Nhỉ dòng thừng qua khoen đai lưng rồi từ từ nhả dây, thả dần người xuống vách đá dựng đứng. Ở phía trên, hai đồng nghiệp của anh cũng bồn chồn, liên tục nhắc: “Cẩn thận, bên trái có cây đỗ quyên lớn. Sang phải một chút. Chậm thôi”. Chưa đầy một phút, Nhỉ đã lẫn mờ trong sương.
Tụt xuống chừng 10m, Nhỉ nghe tiếng hô lớn: “Dừng lại đi, dưới tán trúc lùn nhiều rác lắm.” Anh tì mạnh hai chân vào lưng chừng dốc, tay phải cuộn chặt sợi dây thừng để hãm lại. Bên hông, bao tải “đồ nghề” căng phồng gió núi. Nhỉ chúi cả thân mình về phía trước, áp sát mặt vào bụi trúc lùn rậm rịt và bắt đầu... tìm rác.
Càng xuống sâu, lượng phế thải lưu cữu càng nhiều. Bao tải bên hông nhân viên tổ vệ sinh dần chật cứng, việc di chuyển nặng nề và khó khăn hơn. Chốc chốc, gió Ô Quy Hồ thốc ngược từ đáy vực lên khiến cả người Nhỉ chao đảo.
30 phút sau, Nhỉ giật mạnh dây, ra dấu báo cho tốp phía sàn chuẩn bị đón mình lên. Đoạn, cậu ghìm thừng, đạp vách thoăn thoắt trèo lên như... nhện núi. Thở hổn hển, mặt tái mét vì lạnh, chàng trai người Dao vẫn cười như được mùa, khoe bao rác căng đầy bên hông...
Mơ về Fansipan xanh
Ca làm việc của tổ “tarzan Hoàng Liên Sơn” thường kéo dài khoảng 2 tiếng. Cả nhóm thay phiên nhau dọn sạch rác ở cả 3 sườn Lào Cai, Than Uyên và Lai Châu. Tổ trưởng Ngô Văn Thành bảo: Phải tận mình xuống vực mới thấm thía mức độ “khủng khiếp” của công việc không giống ai này. Cho tới giờ, Thành vẫn chưa hết rùng mình khi nhớ về lần đầu tiên làm nhiệm vụ.
“Khi ấy, anh em trong đội ai cũng run. Nhìn đáy vực sâu hun hút, lởm chởm đá tai mèo, người dạn dày nhất cũng ớn lạnh,” anh kể.
Nhiệt độ khu vực đỉnh thường xuyên dao động từ 2-5 độ C kèm theo mưa nắng bất thường. Người bám sườn núi buộc phải hứng chịu cái lạnh đến thấu xương trên nóc nhà Đông Dương. Có những buổi, cả tổ chỉ kịp làm chừng 10 phút, tay chân đã cứng đờ, tê bì vì rét.
Bàn Văn Thủy, cậu nhân viên người Dao Yên Bái ngay bên cạnh khẽ nhăn nhăn trán, Thủy kể: Lần đầu tiên cậu đu dây dọn rác là năm 2016. Vừa tụt xuống vài mét thì tảng đá Thủy kê chân lở ra. Cả người chàng trai trẻ trượt nhanh xuống phía dưới.
“Lúc đó, em hoảng lắm. Chỉ kịp ghì chặt vào dây thừng nhưng vẫn không hãm được nhiều. May mắn là trượt tự do được một lúc thì em vướng vào cành đỗ quyên nhô ra nên dừng lại được,” Thủy nói, mặt vẫn còn nét hoảng hốt.
Một trong những nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất đối với những “người nhện nhặt rác” là gió. Gió thốc ngược lên đỉnh núi, hờn dỗi thổi bạt cả người đang treo mình trên sợi dây thừng mong manh. Những “gã người rừng” một khi đã xuống vực sẽ được nếm trải thứ đặc sản quái gở chỉ Hoàng Liên Sơn mới có này.
“Xuống sâu 30-40m, sợi dây thừng bảo hiểm bắt đầu... văng. Anh em bám ở dưới buộc phải bám chặt vào từng cành cây mọc ra từ vách núi để giữ mình lại. Làm việc trong điều kiện bình thường đã khổ, gặp đúng hôm trở trời thì đúng là thách thức cực hạn,” Thủy cười méo xệch kể.
Vất vả là vậy, nhưng 4 năm kể từ khi cáp treo Fansipan hoạt động, tổ “tarzan trên đỉnh trời” vẫn miệt mài với công việc. Bàn tay họ đã kịp chai sần vì bám đá núi. Họ cũng đã có đủ thời gian để quen dần với những cú trượt ngã, trật chân đau điếng trong những phiên lao động không giống ai của mình.
Ngừng lại một lát, tổ trưởng Ngô Văn Thành bảo: Điều anh và cả tổ vệ sinh mong muốn nhất là đỉnh Fansipan thực sự “vắng bóng” rác.
“Trung bình một ca, chúng tôi thu được tới 5-6 thùng rác lớn. Rác ở đây đặc biệt đa dạng về chủng loại. Khi thì là chiếc bánh mỳ ăn dở, khi lại là chai coca thừa hay giày dép rách, vỏ bim bim. Nhiều lúc, vừa dọn, anh em chúng tôi vừa buồn. Cả đội sẽ tiếp tục làm cho tới khi không còn mẩu rác quanh đỉnh Fansipan mới thôi!,” Thành quả quyết nói.