Du lịch Việt thời Covid-19: Chuyển đổi số để "thoát đại dịch"

(Dân trí) - Ảnh hưởng của Covid-19 đã làm hành vi của khách du lịch thay đổi theo chiều hướng cảm tính, khó phán đoán,... Đã đến lúc các DN du lịch triển khai chuyển đổi số để có thể đáp ứng nhu cầu này.

Diễn ra vào 8h00' sáng ngày 30/9 tại Hà Nội, diễn đàn 'Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch' có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương; Lãnh đạo Bộ VHTT&DL; Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội du lịch Việt Nam và Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam.

Ngoài ra, diễn đàn còn có sự tham dự của đại diện Hiệp hội Lữ hành Hoa Kỳ (ASTA); đại diện Hiệp hội Lữ hành Nhật Bản (JATA); chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới từ Google, Facebook, Booking.com và khách quốc tế tham gia trực tuyến; khối Hiệp hội và doanh nghiệp du lịch; cơ quan truyền hình và báo chí; cùng nhiều doanh nghiệp nghỉ dưỡng, lữ hành, khách sạn.

Du lịch Việt thời Covid-19: Chuyển đổi số để thoát đại dịch - 1

Diễn đàn gồm có hai phiên. Phiên thứ nhất, các diễn giả sẽ trình bày về những vấn đề chung như triển khai chương trình chuyển đổi số trong du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch thế giới, du lịch trực tuyến - xu hướng của du lịch toàn cầu, dịch bệnh Covid-19 với những thách thức mới của ngành du lịch.

Ở phiên thứ hai, các diễn giả sẽ trình bày về chương trình chuyển đổi số ở Việt Nam, xu thế ứng dụng công nghệ thông tin trong lữ hành, kinh doanh lưu trú du lịch và booking, quản lý điểm đến với du lịch trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ du lịch.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Uỷ viên BCH TW Đảng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết: Có thể nói trước tác động mạnh mẽ của đại dịch, nền du lịch Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung bị ảnh hưởng nặng nề, làm thế nào để vực dậy giữa bối cảnh này là câu hỏi khó khăn với các cấp ngành. Ông Hùng cho rằng Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử tổ chức diễn đàn hôm nay là trong những hướng đi, giải pháp quan trọng góp phần khôi phục ngành du lịch. 

Du lịch Việt thời Covid-19: Chuyển đổi số để thoát đại dịch - 2

Có 5 lĩnh vực hiện nay cần tập trung gồm có: đẩy mạnh công nghệ số, quản lý điểm đến du lịch thông minh, hệ thống thông tin có sở dữ liệu ngành du lịch tạo tương tác với các tổ chức khác, kêu gọi doanh nghiệp cùng hưởng ứng tạo ra sáng tạo trong chuyển đổi số, lan toả công nghệ số đến mọi cấp, nganh để hỗ trợ phát triển ngành du lịch.

Ông Hùng cũng cho biết thêm khoảng 10 ngày nữa sẽ ra mắt ứng dụng du lịch an toàn giúp quảng bá du lịch Việt Bam đến bạn bè quốc tế, góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình thông tin: “Chuyển đổi số để phát triển Du lịch Việt Nam”. Theo đó, các báo cáo chính thức của Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO, sự thiệt hại do Covid-19 đối với du lịch quốc tế Quý I và II năm 2020 như sau: Khách du lịch quốc tế trong 6 tháng đầu năm giảm 65% (tháng 6- 93%) tương đương với 440 triệu khách; thiệt hại kinh tế là 460 tỷ USD, gấp 5 lần thiệt hại đợt khủng khoảng tài chính toàn cầu 2009. 

Còn với du lịch nước ta, theo dự báo của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm 2020, COVID-19 làm khách quốc tế đến Việt Nam giảm ít nhất 70% so với năm 2019; khách nội địa giảm 50%; khách đi nước ngoài giảm 85%, doanh thu (outbound và nội địa) giảm trên 61%.

Ông Bình cho rằng, Covid-19 cho thấy Du lịch phải thay đổi. Sự nguy hiểm, khó lường của Covid-19 đã làm hành vi của khách du lịch thay đổi theo chiều hướng cảm tính, khó phán đoán, thay đổi liên tục, bất thường… nhiều khi doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Bởi vậy, chỉ khi doanh nghiệp có hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ, việc đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách. Điều đó cho thấy chỉ các DNDL triển khai chuyển đổi số mới có thể đáp ứng nhu cầu này. 

Chuyển đổi số góp phần cơ cấu lại doanh nghiệp theo hướng tính, gọn, vận hành tối ưu cơ sở dữ liệu, xây dựng mô hình quản lý hiện đại, từng bước tự động hóa ở một số khâu. Đồng thời, chuyển đổi số giúp đổi mới nhân sự, tăng cường liên kết giữa các bộ phận, đơn vị trong doanh nghiệp, xây dựng được cơ sở dữ liệu để tăng khả năng phân tích, bảo mật (dữ liệu về khách hàng, về đối tác, về sản phẩm,…).

Về hiệu quả kinh doanh, nó giúp mở rộng thị trường, nâng cao khả năng trải nghiệm cho khách hàng, nâng cao khả năng trải nghiệm cho khách hàng cũng như năng suất lao động các bộ phận, tăng doanh thu và lợi nhuận. 

Các công nghệ được sử dụng trong chuyển đổi số của ngành Du lịch có thể đề cập tới Công nghệ di động, Điện toán đám mây và internet vạn vật (IoT), Thực tế tăng cường, thực tế ảo (AR/VR), AI- Trí tuệ nhân tạo, Block chain (chuỗi khối) và Thương mại điện tử.

Nội dung cơ bản của chương trình chuyển đổi số của ngành Du lịch là xây dựng nền tảng dữ liệu du lịch và hệ thống công nghệ số để tự động hóa các quy trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch, quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh an toàn trong quá trình phục vụ khách du lịch, nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ, tăng năng suất lao động, mang lại giá trị cao cho doanh nghiệp.

Ban Tổ chức đã thực hiện một phòng trưng bày sản phẩm công nghệ cho một số doanh nghiệp công nghệ giới thiệu sản phẩm. Sau diễn đàn này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tiếp tục tổ chức các hình thức gặp gỡ khác, để các sản phẩm công nghệ về du lịch đến được với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam...
                                                                                              Toàn Vũ