Du lịch sinh thái nông nghiệp ở Đồng Tháp vẫn còn trăn trở

Hồng Anh

(Dân trí) - Mô hình nông nghiệp "3 trong 1" đang được triển khai và áp dụng thành công ở TP Cao Lãnh (Đồng Tháp). Tuy nhiên việc phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng này đang còn nhiều trăn trở.

Những năm gần đây, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, nhà hàng du lịch sinh thái, ẩm thực sinh thái được phát triển mạnh ở Đồng Tháp.

Mô hình phát triển nông nghiệp này đã mang lại lợi ích kinh tế bền vững, góp phần nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa bản địa.

Bên cạnh khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia làm du lịch cộng đồng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cũng xây dựng chiến lược phát triển loại hình này.

Về cơ chế chính sách, tỉnh Đồng Tháp ưu tiên phát triển du lịch theo hướng sinh thái, nông nghiệp và trải nghiệm làng nghề. Đồng thời, tiếp tục vận dụng hiệu quả Nghị quyết 210 của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch.

Du lịch sinh thái nông nghiệp ở Đồng Tháp vẫn còn trăn trở - 1

Đồng Tháp chú trọng phát triển du lịch sinh thái (Ảnh: T.K).

Đồng Tháp cũng tập trung triển khai chương trình OCOP ("One Commune One Product" được hiểu là "Mỗi xã một sản phẩm") gắn với phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn. Cụ thể, gắn du lịch nông nghiệp với phát triển du lịch cộng đồng; khai thác các giá trị văn hóa bản địa, làng nghề truyền thống. 

Khách đến tham quan có thể thưởng thức ẩm thực đặc trưng của miền sông nước tại các nhà hàng sinh thái… Mô hình này nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, tạo nguồn ngân sách cho nhà nước, công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp nêu rõ, ngoài tăng cường quảng bá xúc tiến và kêu gọi đầu tư, đào tạo đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có năng lực, địa phương sẽ đầu tư phát triển các công trình dịch vụ du lịch, khu vui chơi giải trí, hệ thống nhà hàng sinh thái phù hợp tại những khu di tích, điểm tham quan du lịch trọng điểm.

Tỉnh phát triển hệ thống trạm dừng chân, hệ thống quầy hàng đặc sản, quà lưu niệm trên các tuyến du lịch cùng với đó là phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với đặc điểm và thế mạnh nội tại từng nơi...

Mô hình nông nghiệp "3 trong 1", nuôi trồng các loại thủy sản và mở các dịch vụ theo hướng sinh thái đang được triển khai và áp dụng thành công ở TP Cao Lãnh.

Tại các huyện trong tỉnh cũng đã lan tỏa và phát triển nhiều mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp khai thác các giá trị văn hóa bản địa, đồng thời gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Theo những chủ nhà hàng sinh thái ở Đồng Tháp, họ mong muốn địa phương sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình, hỗ trợ đào tạo để cả cộng đồng cùng làm du lịch; cần chiến lược quảng bá hình ảnh mạnh mẽ hơn để thu hút du khách.

Đặc biệt, cần quan tâm đầu tư kết nối giữa các khu, điểm du lịch, danh thắng của tỉnh với các vùng trọng điểm du lịch cả trong và ngoài tỉnh...

Với những khu đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản… đủ điều kiện có thể hỗ trợ người dân thuê, chuyển đổi một phần đất thành đất thương mại, dịch vụ để có thể xây dựng những công trình kiên cố như nhà bếp, khu chế biến, nhà vệ sinh để đảm bảo môi sinh, môi trường, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa bản địa.

Năm 2022, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức đưa, đón và phục vụ 3,5 triệu lượt khách đạt 117,37% kế hoạch năm, tăng 136,71% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 1.660 tỷ đồng, tăng 194,91% so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, doanh thu du lịch năm 2022 đã tăng gấp 1,6 lần so với năm 2019 - năm trước khi chưa xảy ra dịch Covid-19, đứng đầu Cụm liên kết phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long cả về lượt khách và tổng thu du lịch... Điều này cho thấy những tín hiệu tích cực từ việc phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm