Du lịch "đông chưa từng có", khách ngán ngẩm cảnh đi biển ngắm... người
(Dân trí) - Mùa cao điểm du lịch hè năm 2022 đã qua nửa chặng đường nhưng nhiều tỉnh, thành vẫn rơi vào cảnh quá tải, thậm chí có nơi "vỡ trận" khi ùn tắc từ sân bay đến các điểm vui chơi, tham quan.
Các điểm du lịch biển đều quá tải
Đầu tháng 7 vừa qua, chị Hồng Thu Hà (Ba Đình, Hà Nội) cùng 3 người bạn thân có chuyến du lịch Đà Nẵng - Hội An trong 3 ngày 2 đêm. Biết dịp cuối tuần đông đúc, chị Hà chọn chuyến bay sớm, lúc 6h20 sáng.
"Cả nhóm gần như không ngủ vào đêm hôm trước để kịp ra sân bay từ 4 giờ. Tôi nghĩ đi sớm thì vắng người nhưng thực tế, khách đã đứng đông nghịt, còn quầy check-in, cửa an ninh đều xếp hàng dài. Chúng tôi phải mất gần một tiếng để làm thủ tục", chị nói.
Chưa kể, chị Hà và bạn bè cũng "khốn khổ" khi những điểm du lịch, check-in nổi tiếng tại Đà Nẵng - Hội An đều chật kín người.
"Chiều thứ 7, chúng tôi tới Hội An. Lượng khách đổ về đông nghịt, các quán cà phê hết chỗ đẹp, chen chúc người ngồi. Cả nhóm phải chờ hơn 2 tiếng đồng hồ mới có chỗ ngồi và vị trí chụp ảnh ở một quán cà phê đường Trần Phú mà có thể ngắm Hội An từ trên cao.
Bên cạnh đó, các quán ăn nổi tiếng cũng chật kín người xếp hàng. Chúng tôi phải đứng chờ mua bánh mì rồi đem tới một quán cà phê khác để ngồi ăn. Thời tiết nắng nóng, người qua lại đông đúc khiến ai nấy trong đoàn đều mệt mỏi", chị Hà cho biết.
Tương tự chị Hà, anh Đào Minh Quân (ở Hà Nội) cũng gặp cảnh bực bội khi chờ gần 3 tiếng đồng hồ mới lên được phà trong chuyến đi Cát Bà đầu tháng 7 vừa qua. Anh lái xe riêng, đưa gia đình di chuyển từ Hà Nội tới bến phà Gót lúc 11 giờ trưa.
Theo quan sát của anh, mỗi chuyến phà lớn tại đây chở được khoảng 18 ôtô, còn phà nhỏ gần 10 chiếc. Trong khi đó, số lượng xe ô tô chờ tới lượt lên đến con số hàng trăm, xếp hàng dài cả vài cây số.
"Vợ chồng tôi chỉ thu xếp nghỉ được cuối tuần, biết sẽ đông đúc và tắc đường vào những ngày này nên đã chuẩn bị trước tâm lý. Tuy nhiên, tôi không nghĩ phà đông chật cứng xe cộ và phải chờ quá lâu như vậy. Thời tiết nóng bức, dù ngồi trong ô tô có điều hòa vẫn thấy ngột ngạt. Người lớn còn không chịu được, con trẻ thì uể oải và hết hào hứng với chuyến đi", anh Quân kể.
Ông bố hai con cho biết thêm, các bãi tắm cũng rơi vào tình trạng quá tải, nhất là ở khu Cát Cò 2. "Khách đông chật cứng, di chuyển được xuống bãi biển đã khó, còn chẳng có chỗ để bơi mà muốn quay ngược lên bờ cũng không thể. Cuối cùng, gia đình tôi đi biển chỉ được ngắm người", anh ngán ngẩm nói.
Khách sạn "cháy" phòng hàng loạt, du khách ngậm ngùi dời lịch đi chơi
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 6, lượng khách nội địa toàn quốc đạt 12,2 triệu, cao nhất từ khi có Covid-19. Về phía Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, du khách đến tỉnh dịp hè tăng liên tục.
Giữa tháng 7, tỉnh này đón 160.000 lượt khách vào hai ngày cuối tuần, trong đó vịnh Hạ Long đón khoảng 45.000 lượt, tổ hợp giải trí Sun World 50.000 lượt. Ngoài Hạ Long, các vùng biển đảo Cô Tô, Vân Đồn cũng đông khách.
Bà Nguyễn Minh Thúy - CEO Be.9 Travel cho biết, từ tháng 6 đến nay, nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở phía Bắc như Hạ Long, Cát Bà, Ninh Bình,... luôn trong tình trạng quá tải.
Tại Hạ Long, hàng loạt khách sạn 3-5 sao mà đơn vị này cung cấp liên tục "cháy" phòng. Trong đó, 500 phòng nghỉ tung ra cho tháng 7 đã được bán hết vèo trong một tuần.
"Những phòng nghỉ ở Mường Thanh Hạ Long, Paradise Suite, Premier Village hay Citadines Marina Hạ Long... đều hết sạch, kể cả phòng hạng cao. Du thuyền cũng kín chỗ, khách muốn đặt phải chờ tới giữa tháng 8 mới trống phòng. Có khách sạn, chúng tôi mua trọn gói 2000 đêm và cũng bán hết trong một tháng, phải đặt thêm mới đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng", bà Thúy nói.
Vị đại diện này cho biết, trong giai đoạn cao điểm du lịch hè 2022, giá cả cho mỗi đêm nghỉ tại nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng đều tăng, dao động từ 200.000 - 600.000 đồng/phòng. Ngoài ra, vé máy bay cũng bị đẩy lên cao gấp rưỡi và gấp đôi.
Dù nhiều khách hàng sẵn sàng "chịu chi", chấp nhận trả giá cao để đặt phòng tại một số điểm du lịch nổi tiếng nhưng đơn vị này phải từ chối vì không đủ lượng sản phẩm dịch vụ bán ra. Một số khách buộc đặt cọc giữ chỗ và lùi lịch đến cuối tháng 8.
Nữ CEO nhấn mạnh, hoạt động du lịch hè 2022 bùng nổ là do người dân phải kìm nén nhu cầu này suốt 2 năm dịch Covid-19 vừa qua và giờ mới được bung ra mạnh mẽ. Trong khi đó, nhà hàng, khách sạn, lao động… chưa phục hồi kịp, sự thiếu hụt nguồn cung ứng khiến nhiều nơi rơi vào tình trạng quá tải.
"Sau khi du lịch mở cửa hậu Covid-19, nhiều người có tâm lý "đi trả thù" hay "chạy sô" để giảm cảm giác cuồng chân. Họ tập trung vào các tháng hè do trẻ con được nghỉ, còn học sinh vừa thi tốt nghiệp xong khiến các trọng điểm du lịch luôn đông đúc.
Mặt khác, giá xăng dầu biến động, vé máy bay tăng cao nên nhiều gia đình thay đổi xu hướng du lịch. Họ chọn khám phá các điểm đến ở gần, có không gian xanh mát, rộng rãi. Vì đang mùa du lịch biển nên những cái tên quen thuộc như Cát Bà, Hạ Long,... trở thành lựa chọn hàng đầu", bà Thúy cho hay.
Theo vị đại diện này, để tránh gặp tình trạng quá tải, du khách nên đi du lịch vào các ngày trong tuần. Nếu công việc cố định, chỉ nghỉ thứ bảy, chủ nhật thì khách có thể lên kế hoạch sớm và đặt phòng trước từ 1-2 tháng. Việc chủ động thời gian và lịch trình giúp du khách có thêm nhiều lựa chọn cho các dịch vụ di chuyển, lưu trú hay ăn uống với giá cả phải chăng, chất lượng.
Đặc biệt, sắp tới mùa mưa bão, khi du lịch biển không phải lựa chọn lý tưởng thì du khách có thể ghé thăm các điểm đến trên núi như Sa Pa (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình), Cao Bằng,... để tham gia những trải nghiệm thú vị như bay dù lượn, ngắm lúa chín,...