Du lịch, dịch vụ ngày lễ 30/4-1/5: Vẫn tràn lan tình trạng “chặt chém”

Để chống nạn chặt chém khách du lịch trong dịp nghỉ lễ dài ngày, Tổng cục Du lịch (TCDL) đã sớm có công văn gửi sở VHTTDL các tỉnh, thành phố yêu cầu đảm bảo các hoạt động nghỉ lễ 30/4-1/5 và lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Theo đó, UBND các tỉnh, thành, nơi có các trung tâm du lịch lớn phải có biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho du khách và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về giá cả trong dịp lễ này. Nhưng trên thực tế, nạn "chặt chém" du khách vẫn không hề giảm.

 

Cam kết chống “chặt chém”… cũng như không

 

Tại Hà Nội, hầu hết các xe rời bến trong sáng 30/4 đều chật ních khách. “Nóng” nhất là các tuyến Mỹ Đình đi Quảng Ninh; Thái Bình; Thanh Hóa; Vinh - Nghệ An... Lợi dụng đông khách, nhiều nhà xe đã đội giá vé lên cao. Theo hành khách đi xe phản ánh tuyến Mỹ Đình - Nghệ An giá vé tăng từ 230.000 đồng lên 260.000 đồng/lượt; tuyến Hà Nội - Yên Bái tăng từ 120.000 đồng lên 155.000 đồng/lượt...

 

Du khách tại bãi biển Quảng Ninh. Ảnh: Trần Ngọc Duy
Du khách tại bãi biển Quảng Ninh. Ảnh: Trần Ngọc Duy



Chấp nhận vé giá cao, nhưng khách còn phải chịu cảnh nhồi nhét đến nghẹt thở, hành khách Nguyễn Thị Lan đi tuyến Mỹ Đình - Việt Trì cho biết: “Xe chỉ 24 ghế, nhưng dọc đường chủ xe bắt thêm khách tới gần 40 người”.

 

Tại Quảng Ninh, nơi vừa diễn ra lễ hội Carnaval trong đêm 30/4 với ước mơ “Hội tụ và lan tỏa” của nhà tổ chức. Nhưng du khách về đây vẫn không khỏi phiền lòng.

 

Trong vai người đi tìm phòng nghỉ cho gia đình, chiều ngày 1/5, PV Báo Lao Động đã đến 2 khách sạn tư nhân trên đường Hậu Cần (TP.Hạ Long) để tìm hiểu giá. Tại khách sạn TG và KT, khi chúng tôi hỏi cần từ 3-4 phòng nghỉ thì được nhân viên ở đây trả lời là còn phòng nhưng giá từ 800.000 - 900.000 đồng (tăng gấp đôi giá niêm yết). Cũng nhân viên lễ tân khách sạn KT cho biết: “Hôm trước (30/4), giá phòng chúng em là 1,5 triệu đồng mà không còn phòng cho khách đến thuê.

 

Được biết, trong cuộc họp báo kết thúc lễ hội Carnaval sáng ngày 1/5, tại UBND TP.Hạ Long, một nhà báo đã đưa ra dẫn chứng về việc người thân phải trả tới 2 triệu đồng cho một đêm tại KS Hạ Long Pearl, trong khi chất lượng phòng nghỉ tại đây rất kém.

 

Trước ngày diễn ra lễ hội Carnaval Hạ Long, tại khu vực phường Hùng Thắng, một vài PV của các báo đã phản ánh việc chính họ và người thân đã phải trả phí gửi xe ôtô lên đến 100.000 đồng/xe ở ngay các điểm trông xe này...

 

Cùng với giá phòng, giá tàu du lịch cũng tăng đột biến từ 1,6 triệu đồng/tàu (4-5 tiếng) lên từ 3 - 4 triệu đồng tùy thời điểm. Theo một chủ tàu, giá vé là 100.000 đồng/người/lần mà mỗi tàu được phép chở mỗi chuyến 40 người nên giá thuê tàu như thế là hợp lý, những ngày gần đây không tàu nào là không chật khách.

 

Còn tại Khu du lịch Đồ Sơn (Hải Phòng), chương trình liên hoan du lịch mang tên “Đồ Sơn - Biển gọi” được bắt đầu từ ngày 26/4. Tuy vậy, nhiều khán giả bị sốc khi phát hiện hầu hết chương trình là hát nhép. Có những bài hát cả dàn đồng ca hàng chục người nhưng không một ai cầm micro hay gắn micro mini, nhưng giọng hát vẫn vang lên "hoành tráng" trên loa. Trong một tiết mục đơn ca, khi ca sĩ chưa cầm micro thì tiếng hát đã vang lên.

 

Du khách tấp nập mua vé tại cảng Sa Kỳ để ra đảo Lý Sơn.
Du khách tấp nập mua vé tại cảng Sa Kỳ để ra đảo Lý Sơn.



Trong mùa du lịch 2014, lãnh đạo quận Đồ Sơn cam kết sẽ không tăng giá các dịch vụ trong dịp lễ hội. Nhưng với các dịch vụ ăn uống, tình trạng “chặt chém” diễn ra khá phổ biến. Nhiều du khách khó chịu trước tình trạng chèo kéo khách của đội ngũ xe ôm nơi đây. Chỉ cần thấy một chiếc xe du lịch đi tới, nhiều lái xe ôm lao theo, thậm chí chặn đầu xe nhằm chèo kéo khách vào một nhà hàng, nhà nghỉ.

 

Vẫn chỉ là… nhắc nhở

 

Ông Hoàng Văn Toàn - Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch Sở VHTTDL Bình Thuận - cho biết, trong kỳ lễ này, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn đều phải đăng ký với cơ quan chức năng việc tăng giá phòng, giá dịch vụ. Các cơ sở lưu trú, phục vụ ăn uống thì phải niêm yết giá công khai, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “chặt chém”.

 

Khách du lịch nếu gặp rủi ro, cảm thấy không hài lòng về cung cách phục vụ, cũng như sự cố trong quá trình lưu trú tại địa phương có thể gọi điện thoại phản ánh qua đường dây nóng 0623.810.801 (được treo tại nhiều điểm dễ nhìn thấy ở thành phố Phan Thiết, các khu vui chơi công cộng) để lực lượng chức năng lập tức giải quyết.

 

Tương tự, tại Lâm Đồng, cơ quan chức năng đã tiến hành nhắc nhở các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn - đặc biệt là TP.Đà Lạt - không được tự ý nâng giá trong dịp lễ này.

 

Tại thành phố biển Vũng Tàu, từ 4h ngày 30/4 các ngả đường và các nút giao thông về đây đều chật cứng người. Theo tìm hiểu, hầu hết những “cò” đều có móc nối với các nhà hàng “chặt chém”, có nhiệm vụ đưa khách đến các quán quen của họ, sau đó sẽ được chủ quán trả tiền “hoa hồng” 20%, thậm chí đến 35% trên hóa đơn của thực khách.

 

Theo cơ quan chức năng, những quán ăn, nhà hàng đầy tai tiếng về “chặt, chém” ở TP.Vũng Tàu, sau nhiều lần bị xử phạt, bị đưa vào “danh sách đen” đã thay tên và đổi chủ. Cụ thể, những quán ăn tại P.Thắng Tam như: Hiệp Ký, Tùng Ngọc Thủy (P.2, TP.Vũng Tàu) đổi thành Phượng Vỹ; Như Ý (P.2, TP.Vũng Tàu) đổi thành Thu Mai...

 

Tại Quảng Bình, du khách đến nghỉ dưỡng và tham quan các thắng cảnh động Phong Nha - Tiên Sơn, động Thiên Đường trong ngày lễ 30/4-1/5 phải xếp hàng dài chừng 1km. Nhưng cách khoảng hơn 100m vào cửa động, cánh xe ôm hét giá: 20.000đ/người, 40.000 -50.000 đồng/lần tăng bo. Vé vào động 120.000đ/người/lượt, trẻ em 60.000đ/người/lượt, nhưng vào đến động Thiên Đường nơi thì nhốn nháo khủng khiếp bởi cảnh tượng chen lấn xô đẩy rất lộn xộn, lời qua tiếng lại ầm ỹ. Không ít người đã chót mua vé vẫn phải chờ hàng tiếng đồng hồ mới vào được bên trong động.

 

Anh An Bình - du khách ở Thường Tín (Hà Nội) - bức xúc, tôi đi từ 5h sáng đến gần 11h trưa mới vào được động. Nghe bạn bè rủ đi động Thiên Đường đẹp mê hồn, nào ngờ, thiên đường đâu chả thấy, chỉ thấy mệt bở hơi tai. Rời động Thiên Đường, du khách tìm đến động Phong Nha thì đã bị “giội gáo nước lạnh” ngay từ quầy bán vé. Ông Tuấn Anh - du khách người Ninh Bình - thất vọng vì một chuyến du lịch không thành. Tình trạng của ông Tuấn Anh cũng là nỗi bực dọc của không ít người trong chuyến về Quảng Bình thăm thắng cảnh Phong Nha - Kẻ Bàng.

 

Các khách sạn cao cấp và bình dân ở Quảng Bình cũng “cháy” trong ngày 30/4. Giá phòng bị đội lên gấp đôi so với ngày thường, tại các khách sạn cao cấp như Sun Spa Resort, Sài Gòn - Quảng Bình, phòng đôi có giá lên tới 2,2 triệu đồng/phòng/2 người, trong khi ngày thường chỉ khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/phòng. Khách sạn bình dân giá cũng lên tới 800.000 - 1 triệu đồng/phòng, nhưng nhiều khách du lịch cho biết khi đến thì rất thất vọng vì tiện nghi bình dân, và cung cách làm du lịch kiểu “chặt chém” du khách khiến họ sẽ chỉ đến 1 lần rồi không trở lại.

 

Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi): Đông khách du lịch, dân cho trọ miễn phí

 

Trước tình hình “cháy” phòng nhà nghỉ, khách sạn, ngay trong sáng 1.5 nhiều người dân trên đảo Lý Sơn đã tự nguyện đón khách cho ở lại miễn phí, và tạo mọi điều kiện thuận lợi để du khách tham quan du lịch trên đảo. Ngay trong ngày lễ đầu tiên, các địa điểm như Nhà trưng bày đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn cùng các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với đội dân binh Hoàng Sa năm xưa và các danh lam thắng cảnh của Lý Sơn như chùa Hang, chùa Đục, hang Câu... tấp nập du khách viếng thăm.

 
Theo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm