Du khách "xanh mặt" kể trải nghiệm đi ca nô bịt kín, tròng trành giữa biển
(Dân trí) - Chuyến hành trình ra Cù Lao Chàm bằng ca nô bịt kín, sóng đánh tròng trành, nghiêng ngả đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều du khách.
"Vài ngày qua, khi đọc thông tin về vụ chìm ca nô ở biển Cửa Đại khiến 17 người tử vong, đến nay, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng. Tôi đã có hai lần đến Cù Lao Chàm, trong đó có một lần ra đảo trên chuyến ca nô kín mít, sóng đánh tròng trành, nghiêng ngả, lao vun vút trên biển. Mỗi lần lên ca nô tôi đều thầm cầu trời khấn phật", chị Hoài An (sinh năm 1984, Đồng Nai) chia sẻ.
Lần đầu chị An tới du lịch Đà Nẵng - Quảng Nam là năm 2017. Chị An nhớ lại, khi đó, du khách lên ca nô ra Cù Lao Chàm còn chưa được lái tàu nhắc nhở kĩ về việc mặc áo phao.
Đoàn du lịch của chị "mệnh ai nấy lo": Ai thích thì mặc, không thích thì thôi. Chị An vốn là người dạn dĩ, ưa khám phá nhưng khi bước chân vào khoang ca nô bí bách, ghế san sát nhau, cửa ra vào chỉ vừa một người đi, chị tự nhiên thấy sợ.
"Mình có cảm giác không an toàn, bí hơi", chị An nói. Khi tàu ra biển, sóng càng lúc càng to nhưng con tàu vẫn di chuyển với tốc độ rất nhanh. Chị An bám chặt vào thành ghế, có lúc nhắm chặt mắt không dám nhìn ra cửa sổ. "Chuyến đi đã 5 năm mà mình vẫn còn nhớ cái cảm giác bí bách, nôn nao khi trên tàu", chị An kể.
Cuối năm 2021, chị đưa gia đình trở lại Hội An du lịch. Trước sự động viên của ông xã, chị An quyết định đưa các con ra Cù Lao Chàm trải nghiệm.
"Đến giờ, vợ chồng tôi còn giật mình vì liều lĩnh quá. Nếu không may chuyến tàu đó có sự cố gì, các con nhỏ chắc chắn cũng không vượt qua được", chị An nói.
Chuyến này, chị chọn đi loại ca nô nhỏ hơn, chỉ chở hơn chục khách và không có phần mui. "Mình vẫn ám ảnh sự bí bách trong những khoang ca nô kín mít nên chọn loại ca nô "mui trần". Toàn bộ hành khách được yêu cầu mặc áo phao, thắt dây an toàn, không tự do di chuyển", chị An kể thêm.
Tuy chiếc ca nô này không bí bách nhưng cũng "phi" với tốc độ "chóng mặt" giữa biển. Nhiều lúc, bọt nước văng tung tóe vào trong ca nô, lên mặt và người du khách. "Các con tôi hò reo thích thú nhưng nói thật tôi sợ lắm, mặt mũi tái mét", nữ du khách tâm sự.
Cũng theo chị An nếu mặc áo phao trong những chiếc ca nô bịt kín thì việc di chuyển, tìm lối thoát càng cồng kềnh, khó khăn hơn. Nhất là khi hoảng loạn, ít ai đủ bình tĩnh để cởi áo phao rồi lặn xuống tìm cửa thoát hiểm.
Trong những ngày qua, sau sự việc chiếc ca nô Phương Đông 05 bị lật úp chiều 26/2 khiến 17 người tử vong, nhiều du khách đã bày tỏ nỗi lo lắng về trải nghiệm du lịch biển trên những chiếc ca nô.
Gia đình chị Hương (Sơn Tây, Hà Nội) tới Cù Lao Chàm vào đúng ngày vụ chìm ca nô thương tâm xảy ra. Hình ảnh chiếc ca nô chìm dần, một người mặc áo phao bám trên thành ca nô chới với khiến chị ám ảnh. Khi kể lại khoảnh khắc đó với phóng viên, chị Hương vẫn run sợ, thương xót khôn nguôi.
"Khi chiếc ca nô chở gia đình mình về gần tới bờ biển Cửa Đại thì trên thuyền có tiếng la lớn: "Có thuyền lật rồi". Mình nhìn ra thì thấy một chiếc ca nô đã lật, chìm dần, có người bám trên thành ca nô. Một số hướng dẫn viên trấn an hành khách bình tĩnh. Bác tài lái ca nô và người phụ trợ trên thuyền sốt sắng hô hào, gọi cứu trợ. Khi ca nô vào tới bờ, mình thấy bác tài hô hào đưa khách xuống nhanh để quay lại cứu người", chị Hương kể.
Theo trí nhớ của chị Hương, ngày hôm đó thời tiết biển không có dấu hiệu mưa bão hay diễn biến xấu. Tuy nhiên khi ca nô của chị di chuyển vào bờ thì khó khăn hơn lúc ra đảo, nhiều lần nghiêng ngả khiến chị "thót tim". "Nghĩ lại mình thấy mình đã quá may mắn. Khi về tới Đà Nẵng, đọc thông tin có tới 10 người mất tích rồi, mình như chết lặng. Thương xót nhất là những em nhỏ", nữ du khách chia sẻ.
Nguyên nhân vụ lật ca nô dẫn đến cái chết thương tâm của 17 du khách vẫn đang chờ kết luận cuối cùng từ cơ quan chức năng. Nhiều du khách đã bày tỏ sự thương tiếc tới nạn nhân xấu số trong vụ lật ca nô đồng thời cũng hy vọng cơ quan chức năng nhanh chóng có những biện pháp chấn chỉnh việc du lịch biển bằng ca nô, có những giải pháp vận chuyển hành khách an toàn, hiệu quả.
Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm được nhiều du khách yêu thích. Thời gian qua chính quyền Hội An chủ động khống chế số người ra đảo, không quá 3.000 mỗi ngày.