Du khách hào hứng với Ngày hội tơ lụa Việt Nam - ASEAN

(Dân trí) - Nhiều du khách bày tỏ hào hứng với trải nghiệm tìm hiểu văn hóa bản địa qua các làng nghề lụa truyền thống trong Ngày hội tơ lụa Việt Nam - ASEAN vừa khai mạc làng lụa Hội An (Quảng Nam) trong ngày 28/12.


Clip: Ngày hội tơ lụa Việt Nam - ASEAN tại Hội An
Du khách dõi theo các nghệ nhân biểu diễn nghề lụa truyền thống
Du khách dõi theo các nghệ nhân biểu diễn nghề lụa truyền thống

Tham dự Ngày hội tơ lụa Việt Nam - ASEAN lần đầu tiên được tổ chức này có nhiều nghệ nhân đến từ các làng lụa có truyền thống lâu đời ở nước ta như làng lụa Vạn Phúc, Phùng Xá, Mã Châu, Tân Châu, làng Chăm Mỹ Nghiệp.

Dệt lụa thổ cẩm truyền thống của làng Chăm Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận)
Dệt lụa thổ cẩm truyền thống của làng Chăm Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận)

nuôi tằm - ươm tơ theo phương pháp truyền thống của làng lụa xứ Quảng

nuôi tằm - ươm tơ theo phương pháp truyền thống của làng lụa xứ Quảng
nuôi tằm - ươm tơ theo phương pháp truyền thống của làng lụa xứ Quảng

Dệt lụa truyền thống Quảng Nam với khung cửi Cửu Diễn
Dệt lụa truyền thống Quảng Nam với khung cửi Cửu Diễn

Đặc biệt, tại đây, trưng bày 500 sản phẩm tơ lụa tiêu biểu của các làng lụa vừa kể, sản phẩm tơ lụa các nước trong khu vực ASEAN (gồm Thái Lan, Philippines, Malaysia, Campuchia, Indonesia) và Nhật Bản.


Trình diễn áo dài lụa trong Ngày hội 
Trình diễn áo dài lụa trong Ngày hội 

Ông Dewan, đến từ Ấn Độ chia sẻ với PV Dân trí rằng ông ta thật sự ấn tượng với các sản phẩm lụa mềm mại, và đầy sắc màu được trưng bày tại đây. Nhất là, việc tận mắt xem những nhà nghề hình thành nên các sản phẩm tơ lụa. “Tôi cảm thấy đây là một sự kiện rất thú bị” - Dewan nói.

Ông Lê Thái Vũ, đại diện làng lụa Hội An chia sẻ: “Lịch sử phát triển hưng thịnh của Đô thi- Thương cảng Hội An dù ở thời kỳ nào cũng đều là trung tâm xuất khẩu, là nơi trung chuyển hàng hóa đóng góp vào việc vận hành “con đường tơ lụa” để đến với văn - hóa - mặc của thế giới bên ngoài.

Con đường của nghề nuôi tằm - ươm tơ - dệt lụa trong lịch sử nước ta có nhiều khúc quanh trắc trở, gập ghềnh, nhưng vẫn là con đường vinh quang của nhiều thế hệ người Việt trên đường đồng hành với sự phát triển của nghề tơ lụa ở khắp thế giới.

Làng lụa Hội An trong nhiều năm qua đã từng bước khôi phục các công đoạn sản xuất sản phẩm lụa truyền thống  từ trồng dâu, nuôi tằm đến ươm tơ, dệt lụa. Lần này, chúng tôi phối hợp với Hiệp hội nghề tơ lụa Nhật Bản tổ chức Ngày hội tơ lụa Việt Nam - ASEAN với kỳ vọng tạo cơ hội để nghệ nhân các làng lụa truyền thống trong cả nước có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong nghề, cùng người dân và du khách thưởng lãm sản phẩm lụa đặc sắc của cả các làng nghề ở Việt Nam, của các nước bạn trong khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản”

Trong khuôn khổ Ngày hội, các chuyên gia  trong lĩnh vực đã chia sẻ nhiều ý kiến đóng góp trong việc bảo tồn nghề truyền thống như là bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương - niềm tự hào của người dân địa phương và là một trong những nét đẹp hấp dẫn du khách đến Hội An nói riêng và bất kỳ một điểm du lịch văn hóa nào.

Khánh Hiền