Độc đáo lễ hội đua ngựa ngày Tết vùng cao

Nếu như ngày Tết ở miền xuôi không thể thiếu gánh hát xoan, hát hội, hát đình, chọi gà, đấu vật thì với người dân vùng cao, ngày Tết lại không thể thiếu các cuộc đua ngựa.

Huyền thoại trên cao nguyên Bắc Hà

 

Cho đến giờ những người già nhất trên “cao nguyên trắng” Bắc Hà cũng không thể nhớ nổi Lễ hội đua ngựa của bà con vùng cao diễn ra vào hôm nào. Họ chỉ áng chừng khi hoa mận, hoa mơ nở trắng rừng là lúc người dân khắp vùng lại nô nức kéo nhau về sân dinh thự Hoàng A Tưởng chen chân xem hội đua ngựa, bắn súng.

 

Trên trường đua dưới chân núi “Ba Mẹ Con” sát dinh Hoàng A Tưởng, các kỵ mã tay cầm súng rất oai vệ, khi nghe tiếng súng nổ là rạp mình trên lưng ngựa phi như bay. Đến gần đích, kỵ mã đều nhảy thật nhanh xuống đất, nhắm bia bắn liền 5 phát súng rồi cướp quả cầu đỏ, nhảy lên ngựa quay về điểm xuất phát. Ai vừa nhanh, vừa bắn trúng đích nhiều nhất là người chiến thắng. Giải thưởng hết sức dân dã nhưng vô cùng oai hùng, đó là được tôn vinh là “anh hùng cao nguyên”.

 

Rồi kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ khiến các lễ hội đua ngựa của bà con Bắc Hà mỗi dịp đầu xuân không còn nữa. Phần vì đạn lạc, phần vì các chàng kỵ sỹ ngày ấy hầu hết đều nhập ngũ chiến đấu ở các chiến trường. Nhiều người con của bản làng đã được Nhà nước ghi công, tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương kháng chiến. Thế hệ những người kỵ sĩ ngày ấy đã trở thành những huyền thoại trên “cao nguyên trắng”.

 

Độc đáo lễ hội đua ngựa ngày Tết vùng cao



Phải đến năm 2007, Lễ hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà mới chính thức trở lại. Đây cũng là hoạt động văn hóa đặc sắc hưởng ứng chương trình Hợp tác phát triển du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng diễn ra hàng năm.

 

Khác với năm xưa, giải đua ngựa ở Bắc Hà giờ đã có nhiều thay đổi. Thời điểm chuyển sang tháng 6 mùa hè, gắn với Tuần lễ văn hóa, thể thao và du lịch Bắc Hà. Trường đua ngựa là sân vận động lớn có tường rào kiên cố và đua theo tốp 5 ngựa. Ngựa nào về đích nhanh nhất thì thắng và có quyền tiếp tục vào vòng trong. Vòng chung kết sẽ chọn ra giải nhất, nhì, ba và khuyến khích.

 

Dù có nhiều thay đổi, giải đua ngựa Bắc Hà vẫn để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng mỗi du khách bởi nét dân dã, nguyên sơ của những chàng “kỵ sĩ chân đất” chính hiệu. Các chiến binh vẫn đua ngựa không yên cương, không bàn đạp giữ chân, thúc ngựa chỉ bằng dây thừng bện, thậm chí bằng tay không...

 

Rộn rã ngày hội đua ngựa gò Thì Thùng

 

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, những chú ngựa thồ quanh năm gắn bó với cuộc sống người dân huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên lại có dịp tham gia Hội đua ngựa gò Thì Thùng. Đây là hoạt động văn hoá đặc sắc độc nhất vô nhị của không chỉ tỉnh Phú Yên mà còn của cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

 

Những người lớn tuổi ở xã An Xuân (huyện Tuy An) cũng không nhớ rõ môn đua ngựa ở đây có từ bao giờ. Chỉ biết rằng vào những ngày mới giải phóng, ở vùng núi này ngày tết vắng vẻ lắm, hầu như không có hoạt động vui chơi giải trí nào. Một số người dân địa phương mới nghĩ tới chuyện đua ngựa. Do địa hình dốc núi, giao thông cách trở nên người dân An Xuân nuôi ngựa để làm phương tiện thồ hàng nông sản. Ngày Tết, cánh trai làng lại dắt ngựa vượt qua những khoảnh đồi có nhiều hoa sim tím tỏa ngát hương thơm để ra gò Thì Thùng bằng phẳng và rộng lớn để đua.

 

Sau này, thành thông lệ, cứ vào mùng 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm, người người lại rủ nhau lên gò Thì Thùng xem đua ngựa. Vào ngày hội, cả một vùng bình nguyên xanh mát, rộng hàng trăm héc ta chẳng mấy chốc chật kín người. Tiếng trống giục, tiếng vỗ tay, tiếng hò reo cổ vũ càng làm cho cuộc đua tăng thêm sức nóng.

 

Một điểm thú vị là những chiến mã tham gia cuộc đua phần lớn là ngựa cái, chuyên thồ nông sản, còn ngựa đực chỉ được dắt đến để làm cảnh.

 

Kỵ sĩ chính là những nông dân trong làng khoẻ mạnh và vui tính. Tham gia đua, người thì mặc áo sơmi, kẻ áo thun (có số và không số), người mang dép nhựa, dép lê, chân không... Thế nhưng chẳng sao, có gì chơi nấy, quan trọng nhất là tinh thần thượng võ của những gã “cao bồi” ngựa thồ... Người và ngựa đều không chuyên nhưng không khí trường đua luôn sôi động và hấp dẫn.

 

Ngày hội đua ngựa gò Thì Thùng không chỉ mang ý nghĩa nêu cao tinh thần thượng võ của một vùng đất, mà còn là một nét văn hóa độc đáo và đặc sắc của vùng đất Phú Yên, xứ Nẫu thân thương.

 

Trong khuôn khổ Ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc", diễn ra từ ngày 15-17/2 (tức ngày 16-18 tháng Giêng năm Giáp Ngọ) tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ tái hiện Lễ hội đua ngựa đầu xuân của cộng đồng dân tộc Môn. Cụ thể, khoảng 30-40 người và khoảng 10-15 con ngựa đua sẽ được huy động để tham gia Lễ hội.

 

Theo Tâm Thanh

Việt Nam & Thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm