Doanh nghiệp để khách du lịch trốn ở nước ngoài sẽ bị phạt 90 triệu đồng
(Dân trí) - Doanh nghiệp để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật sẽ bị phạt từ 80-90 triệu đồng, thậm chí có thể bị buộc thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, thẻ hướng dẫn viên du lịch…
Sáng 7/6, tại Hà Nội, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đã tổ chức tọa đàm triển khai Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết, Nghị định 45 là những vấn đề, nội dung rất sát sườn đối với các doanh nghiệp lữ hành. Trong đó, hướng dẫn cụ thể những chế tài trong Luật du lịch sửa đổi năm 2017.
Cụ thể, nghị định quy định mức phạt tiền cụ thể đối với mỗi hành vi vi phạm. Trong đó, tranh giành, nài ép khách du lịch mua hàng hóa sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng.
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi không phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch; phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không áp dụng biện pháp bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch.
Doanh nghiệp để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật sẽ bị phạt từ 80-90 triệu đồng
Đặc biệt, đối với doanh nghiệp nếu sử dụng hướng dẫn viên du lịch có hành vi cung cấp, giới thiệu cho khách du lịch các nội dung thông tin mang tính chất xuyên tạc lịch sử, văn hóa, chủ quyền quốc gia có thể phạt tối đa lên tới 90 triệu đồng.
Doanh nghiệp để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật sẽ bị phạt từ 80-90 triệu đồng, thậm chí có thể bị buộc thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, thẻ hướng dẫn viên du lịch…
Theo ông Phùng Quang Thắng (Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourst), nghị định 45 đã bám sát và dự báo được các tình huống có thể xảy ra trong thực tế.
Tuy nhiên, vẫn có một vài điều cần phải làm rõ hơn. Ví dụ, trong trường hợp xảy ra tình huống khách bỏ trốn ở nước ngoài thì phải báo cáo cho ai, tổ chức nào để giải quyết? Sau khi báo cáo làm thế nào để các cơ quan chức năng thấy rõ được rằng, việc xảy ra không phải là lỗi và sự cố ý của doanh nghiệp.
“Theo quy định, nếu khách bỏ trốn ở nước ngoài thì doanh nghiệp có thể bị phạt tiền lên tới 90 triệu đồng và tước giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều khi các cá nhân, họ làm giả giấy tờ rất chuyên nghiệp, qua mặt cả các cơ quan an ninh, công an thì doanh nghiệp không thể phát hiện. Nếu tước giấy phép hoạt động thì doanh nghiệp đó thiệt hại rất lớn, thậm chí phải đóng cửa”, ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty TransViet cũng cho rằng, đối với việc xử phạt du khách bỏ trốn ở nước ngoài, trong luật hiện mới quy định mức xử phạt hành chính chung chung mà chưa có sự phân định, làm rõ hành vi.
“Nếu doanh nghiệp cố ý, thông đồng với khách để bỏ trốn thì tôi nghĩ mức phạt này vẫn còn nhẹ nhưng trong trường hợp họ chỉ là nạn nhân, bị gài bẫy thì cũng phải xem xét mức phạt phù hợp, không nên đánh đồng và đổ hết lỗi xử phạt lên đầu doanh nghiệp”, ông Đạt nói.
Ngoài ra, ông Đạt cũng cho rằng, trong nghị định 45 chưa có quy định xử phạt đối với du khách có hành vi cố tình bỏ trốn khi đi du lịch ở nước ngoài. “Tôi nghĩ chúng ta nên cấm xuất cảnh, phạt nặng đối với các trường hợp du khách này để tránh họ tái phạm”, ông Đạt đề xuất.
Liên quan đến việc xử phạt doanh nghiệp sử dụng hướng dẫn viên “chui”, nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng bày tỏ băn khoăn.
Theo họ, hiện nay quy định nêu rõ, hướng dẫn viên phải có hợp đồng lao đồng với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch, hoặc là hội viên của của tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Nhưng, hiện nay rất ít các hướng dẫn viên đáp ứng được yêu cầu này. Mỗi công ty du lịch thường chỉ có một lượng hướng dẫn viên có giới hạn. Vào mùa cao điểm, phải sử dụng thêm các hướng dẫn viên bên ngoài.
“Hiện nay, có tình trạng hướng dẫn viên hoạt động tự do, họ cố tình không đăng ký vào tổ chức xã hội nghề nghiệp theo quy định. Lỗi là của HDV nhưng nếu bị phát hiện vi phạm thì doanh nghiệp lại bị phạt rất nặng, điều này cũng gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp", một đại diện nêu.
Nhiều đại diện lữ hành cũng kiến nghị, mong muốn Chính phủ ban hành thêm một thông tư, quy định cụ thể và làm rõ thêm về các hành vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, tạo điều kiện để doanh nghiệp, đơn vị du lịch áp dụng thực hiện trong thực tiễn.
Hà Trang