Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn vinh danh các nhà bảo tồn

(Dân trí) - Chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 và 20 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới (4/12/1999- 4/12/2019), sáng 21/11, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã tổ chức trưng bày với chủ đề “Tiến trình bảo tồn và phát triển Di sản Văn hóa Mỹ Sơn” và vinh danh các nhà bảo tồn trong và ngoài nước.

Khu Đền tháp Mỹ Sơn được xây dựng từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 13 với gần 70 công trình còn sót lại trong lòng thung lũng Mỹ Sơn, là minh chứng tiêu biểu cho nền văn minh Chămpa đã từng tồn tại hưng thịnh trên dãi đất miền Trung Việt Nam.

Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn vinh danh các nhà bảo tồn trong và ngoài nước

Cắt băng khai mạc triển lãm “Tiến trình bảo tồn và phát triển Di sản Văn hóa Mỹ Sơn”

Sau thế kỷ 13, trung tâm Hindu giáo này bị lãng quên trong rừng sâu. Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, công cuộc nghiên cứu, bảo tồn Mỹ Sơn được tiến hành bởi các chuyên gia Pháp và Việt Nam.

Chiến tranh không những đã làm gián đoạn công cuộc này mà nó còn để lại hậu quả nặng nề cho di tích. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, công cuộc cứu vãn và trùng tu lại được tiếp tục.

Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn vinh danh các nhà bảo tồn trong và ngoài nước

Nhà sưu tập Lâm Zũ Xênh tặng thư cổ cho Ban Quản lý Khu đền tháp Mỹ Sơn

Sự hợp tác giữa Việt Nam và Ba Lan trong thập niên 80 của thế kỷ trước đã góp phần quan trọng để di tích mang giá trị nổi bật toàn cầu này được đưa vào danh sách Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 4/12/1999.

Trải qua 20 năm trở thành Di sản văn hóa thế giới, công tác bảo tồn được tiếp thêm luồng sinh khí mới với sự quan tâm nhiều hơn của Đảng, nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng quốc tế từ các quốc gia Pháp, Ý, Nhật Bản, Đức, Mỹ, Ấn độ đã làm thay đổi diện mạo của Khu di sản Mỹ Sơn.

Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn vinh danh các nhà bảo tồn trong và ngoài nước

Tiền sảnh đền tháp A1 trước và sau khi trùng tu năm 2014

Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn – phát biểu: “Theo thời gian, từ một phế tích khảo cổ bị bao phủ bởi rừng sâu nhiệt đới, giá trị của di sản lộ dần qua từng hố đào khảo cổ, từ những mảnh vỡ của gốm men đến các thành phần kiến trúc, từ những trang trí đất nung đến Bảo vật quốc gia Mukhalinga, từ những phế tích biến dạng, vụn vỡ nay hình hài dáng vẻ dần được khôi phục, từ những cánh rừng cháy trụi do bom napan nay đã phủ một màu xanh trùng điệp. Từ nơi hoang vắng nay trở thành điểm đến của hơn ngàn du khách mỗi ngày”.

Ông Phan Hộ khẳng định, thành quả trên là kết quả nỗ lực làm việc nhiều năm không nghỉ ngơi của bao thế hệ con người, từ những người quản lý đến các chuyên gia trong và ngoài nước, từ cán bộ kỹ thuật cho đến những người thợ lành nghề, những con người đầy tâm huyết đã hy sinh âm thầm lặng lẽ để Mỹ Sơn lấy lại phần nào dáng vẻ. Những con người ấy là một phần của lịch sử bảo tồn di sản này.

Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn vinh danh các nhà bảo tồn trong và ngoài nước
Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn vinh danh các nhà bảo tồn trong và ngoài nước

Học sinh và du khách nước ngoài xem triển lãm

Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn cho rằng, việc trưng bày này nhằm nhìn lại chặng đường đã qua của công tác bảo tồn và phát triển Khu di sản Mỹ Sơn, là chặng đường mang dấu ấn rất quan trọng và ý nghĩa của tiến trình bảo tồn và phát triển bền vững khu di sản này. Cũng là dịp ghi nhận những đóng góp to lớn trong công tác bảo tồn của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước trong thời gian qua.

Trưng bày này có những hình ảnh đã được lưu giữ hơn trăm năm qua, những bức hình lần đầu tiên được công bố, nhưng tất cả là những hình ảnh trung thực nhất được ghi lại trong suốt hành trình nỗ lực cứu vãn, bảo tồn và phát triển thung lũng xinh đẹp bên bờ Nam sông Thu Bồn này.

Trong dịp này, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cũng trưng bày các bộ sưu tập của hai nhà sưu tập Lâm Zũ Xênh và Lê Ngọc để minh chứng một điều, trong tiến trình bảo tồn và phát triển, cộng đồng có một vai trò hết sức quan trọng, họ không những đã tham gia tích cực trong công tác khai quật, trùng tu và phát triển di sản mà họ còn góp phần to lớn trong công tác gìn giữ giá trị di sản qua các bộ sưu tập tư nhân của mình.

“Với đền tháp, 20 năm chỉ là một thoáng chốc, vẫn còn đó những phế tích còn vùi lấp bởi bom đạn và thời gian, còn nhiều phế tích cần được bảo tồn, vậy nên cần hơn nữa sự đóng góp của quốc tế, của các cấp từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng di sản, để cùng chung sức vào sự nghiệp bảo tồn và phát triển bền vững di sản mà theo cố kiến trúc sư Kazit đã khẳng định là “Bảo tàng kiến trúc nghệ thuật vô giá của nhân loại””, ông Phan Hộ phát biểu.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm